Vào viện khi đã tím tái, bé gái được hồi phục nhờ ECMO

Ngày 13/10, các bác sĩ tại bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã chia sẻ về một trường hợp bệnh nhi 31 tháng tuổi bị tim bẩm sinh nặng đã được cứu sống thành công nhờ kỹ thuật ECMO sau khi được can thiệp ngoại khoa.

Bệnh nhi V.N.K.T. (31 tháng tuổi, ngụ Đồng Nai) nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM trong tình trạng suy kiệt nặng, cơ thể tím tái do bệnh tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, tính mạng nguy kịch.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhi được khám xác định mắc phải tình trạng tim mạch nguy hiểm còn gọi là tứ chứng Fallot - đây là chứng hiếm gặp, là tình trạng bệnh nhân gặp phải hàng loạt vấn đề tổng hợp về tim bao gồm thông liên thất, hẹp đường ra thất phải, phì đại tâm thất phải, động mạch chủ “cưỡi ngựa”. Những khuyết tật tim bẩm sinh này làm ảnh hưởng đến cấu trúc của tim. Trẻ sơ sinh và trẻ em với tứ chứng Fallot thường có da màu xanh tím vì không mang đủ oxy.

Bệnh nhi được can thiệp kỹ thuật ECMO sau phẫu thuật tim bẩm sinh

Bệnh nhi được can thiệp kỹ thuật ECMO sau phẫu thuật tim bẩm sinh

Với tình trạng ngày càng nặng của bệnh nhi, sau nhiều cuộc hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật tim phức tạp cho bé. 2 ngày sau phẫu thuật rim, bệnh nhi được tiếp tục mổ mở xương ức để hồi sức tích cực do tình trạng phù phổi cấp nặng dần sau mổ dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận.

Tuy nhiên, hồi sức tích cực không thành công, bệnh nhi bị suy hô hấp nặng và ngưng tim. Song song với cấp cứu ngưng thở ngưng tim, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp và quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể, còn gọi là tim phổi nhân tạo) để cứu bệnh nhi với ít phần trăm sống sót còn lại.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng 1 thực hiện kỹ thuật này đối với bệnh nhân phẫu thuật tim mạch, cũng là là kỹ thuật cao rất tốn kém và khó khan nguy cơ thất bại cao do bệnh nhi có nhiều tổn thương tim, phổi, thận trước mổ.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ: Để sẵn sàng cho kỹ thuật ECMO tại giường bệnh, toàn bộ hệ thống ECMO từ khoa Hồi sức tích cực - chống độc được vận chuyển bằng xe cứu thương lên phòng hồi sức ngoại. Khác với các ca ECMO viêm cơ tim, ca này các bác sĩ phải đặt ống thông mạch máu trực tiếp vào tim phải và động mạch chủ của bệnh nhi, đòi hỏi phẫu thuật viên tim mạch giỏi chuyên môn mới làm được. BS Ngô Kim Thơi đã trực tiếp thận trọng thực hiện và đã thành công. Sau khoảng 30 phút, tim của bệnh nhi đã được hệ thống ECMO hỗ trợ. Vài tiếng sau, bệnh nhi đã hồng hào trở lại, sự sống được níu giữ.

Bệnh nhi sau khi được can thiệp kỹ thuật ECMO thành công

Sau 1 tuần chạy ECMO, tình trạng bé cải thiện, chức năng co bóp tim và hô hấp phục hồi tốt, bé được cai ECMO và phẫu thuật đóng xương ức, cai máy thở. Các bác sĩ cho biết thêm, có thể nói bệnh nhi đã có thể sống và sinh hoạt bình thường tuy nhiên cần phải tái khám sau đó và theo dõi về tim mạch lâu dài.

Đây là ca ECMO thứ 8 được thực hiện thành công từ khi Bệnh viện Nhi đồng 1 tự tiến hành kỹ thuật ECMO vào cuối năm 2019 đến nay. Trước đó, các ca ECMO chủ yếu thực hiện trên các bệnh nhân viêm cơ tim cấp, viêm cơ tim tối cấp.

THU THƯƠNG

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vao-vien-khi-da-tim-tai-be-gai-duoc-hoi-phuc-nho-ecmo-n181390.html