Vào rừng tìm thuốc

Từ khi mạng xã hội phát triển, bất cứ sản vật nơi rừng thiêng đến biển sâu đều được bày bán, thượng vàng hạ cám đủ cả. Nói như mặt hàng dược liệu, giờ chỉ cần có tiền và có chút hiểu biết về dược liệu là có thể có trong tay thuốc quý mà chưa chắc các cửa hàng thuốc Đông y đã có. Người bán là ai?

Họ có thể là những người miền xuôi, thu mua của bà con đồng bào miền ngược. Hoặc cũng có thể chính đồng bào vào rừng hái thuốc, bán trực tiếp. Triệu Mạnh Cường, một chàng trai người Dao ở huyện Na Hang (Tuyên Quang) rủ chúng tôi đi lấy thuốc cùng, đồng thời quay phim, chụp ảnh làm những đoạn video để tạo niềm tin với người mua.

Người Dao có bài thuốc ngâm chân nức tiếng hầu như ai cũng biết. Nhưng dược liệu tự nhiên còn nhiều tính năng, hiệu quả đến không ngờ. Bố của Cường nhiều năm trước không khỏe, xuống Hà Nội khám, phát hiện chớm mắc bệnh ung thư. Gia cảnh gặp khó, không có tiền chữa trị lâu dài nên bố Cường quyết về nhà chữa trị bằng cây thuốc trên rừng. Cường và các anh chị em mang lễ qua nhờ thầy lang chỉ dẫn một vài lần rồi tự vào rừng tìm thuốc. Bệnh của bố Cường tất nhiên không thể khỏi hẳn nhưng ông vẫn sống, vẫn có thể làm mấy việc lặt vặt trong nhà. Nôm na chúng ta có thể hiểu dược liệu đã có tác dụng kìm chế tế bào ung thư phát triển.

 Minh họa: Lê Hải.

Minh họa: Lê Hải.

Lấy thuốc cho bố vài năm, rồi đến một ngày, có người họ hàng đang sống ở Hà Nội nhờ Cường tìm sâm tiết trúc để biếu. Cường chẳng biết sâm tiết trúc là gì, đưa hình ảnh thì biết. Tìm đâu được 5-7 lạng, họ hàng với nhau nên người anh em thật thà đưa cho Cường hơn 10 triệu đồng. Cường giật mình, sao đắt vậy, thứ củ này, hồi bé bố Cường còn khỏe, đi rừng về toàn đem xào với thịt trâu. Lên internet tìm hiểu, hóa ra loài cây mà Cường thỉnh thoảng gặp trong rừng là dược liệu quý, cùng họ hàng với sâm Ngọc Linh tận Tây Nguyên xa xôi, mà tìm hiểu ra thì sâm Ngọc Linh cũng chính là sâm tiết trúc. Có thể do chất đất, khí hậu thế nào đó nên sâm Ngọc Linh tốt hơn sâm tiết trúc mọc ở nơi khác chăng? Nhưng tìm hiểu thì Cường chưa có công trình nào nghiên cứu so sánh! Mày mò tìm hiểu, Cường thấy người thành phố rất chuộng dược liệu để ngâm rượu, sao chế để tẩm bổ, trị bệnh. Từ đó, Cường vào rừng tìm thuốc nhiều hơn, đi xa hơn, sang các tỉnh khác để tìm cây thuốc, bán cho đầu mối thu mua. Và giờ đây, anh trực tiếp bán, gửi thuốc qua đường bưu điện cho khách có nhu cầu.

Rừng gần nhà, cây thuốc cũng không còn nhiều, Cường hay đi lên mạn Vị Xuyên (Hà Giang) hoặc mấy huyện ở Lào Cai nương mình bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ để tìm thuốc. Mỗi chuyến đi như thế kéo dài có khi cả tuần, anh rủ thêm trai bản đi cùng để mang thuốc về nữa, tạo thêm thu nhập cho anh em.

Men theo những đường rừng mà người xuôi như chúng tôi chỉ có nước phát khóc nếu bị lạc, Cường chợt bảo mọi người dừng chân, uống trà. Nghĩ thầm, anh chàng miền núi này cũng “nhã” phết, mang cả trà theo để uống. Hóa ra không phải, để hành lý xuống đất, Cường leo lên một thân cây xù xì bám đầy rêu bẻ một cành cây xuống, thì ra thân cây chúng tôi đang đứng cạnh là một cây chè cổ thụ có khi cả trăm tuổi. Nhưng làm thế nào mà Cường biết đây là cây chè cổ thụ? Cường cười mỉm chỉ tay dưới chân tôi, khi đó tôi mới phát hiện những bông hoa chè trắng muốt nằm lặng lẽ dưới đất. Cường ngắt lá chè, cho vào những ống trúc, đổ nước suối vào và nổi lửa. Chè cổ thụ đun rất lâu nhưng quả thực không phí thời gian chờ đợi, chỉ nhấp một ngụm trà mà vị ngọt trăm năm tinh khiết của trời đất quyện lại nơi cuống họng. Giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, thi thoảng vọng tiếng chim kêu vượn hót, thời gian như ngưng chậm theo làn khói vơ vẩn bay.

Giờ mới bắt tay vào công việc vất vả tìm cây thuốc. Cường bảo, rắn rết là một chuyện, sợ nhất đôi khi lại giẫm phải bẫy do dân bản địa đặt! Nên người trong đoàn phải bám nhau, đi chậm và quan sát. Mắt Cường chợt sáng lên, hóa ra anh chàng phát hiện một ít nấm linh chi. Vừa hái nấm, Cường vừa bảo, loại này tìm được đến đâu bán hết đến đấy nhưng chỉ bán cho “dân chơi” có hiểu biết. Dân dưới xuôi chẳng hiểu từ đâu lại nghĩ rằng nấm linh chi càng to thì dược tính càng cao. Sự thật thì nấm linh chi càng to thì càng hóa thành gỗ chứ chẳng có chất gì mà dùng.

Với kiến thức như vậy về cây thuốc của chúng tôi thì chỉ nhìn được vài loại cây thuốc phổ biến như: Hà thủ ô, đẳng sâm, nấm linh chi… còn lại thực sự phải chờ những người con của rừng núi chỉ giúp. Thế nhưng không ăn thua vì Cường gọi cây thuốc theo tên người Dao gọi, mãi sau này xem hình ảnh rồi đối chiếu mới thấy đó là những sâm xuyên đá, lan kim tuyến, phục thiên linh, cát sâm…

Khai thác dược liệu cũng không phải dễ. Chẳng hạn, đào sâm phải khéo giữ cả rễ, thân, lá, cành để ngâm rượu cho đẹp, bán được giá cao.

Khi thấy Cường đang chặt thân cây lon tu, tôi hỏi Cường rễ cây có tác dụng gì không? Cường bảo có nhưng Cường không đào lên bởi cây sẽ tự mọc lại, vài tháng sau quay lại sẽ tiếp tục khai thác. Chúng tôi buột lời khen: Ý thức giữ rừng tốt thật! Cường bảo, không hẳn, bởi tùy theo từng tộc người và cá nhân. Cường kể, ngày xưa, khi sâm tiết trúc còn nhiều, người nước ngoài rất ưa chuộng bèn đi thu mua và gọi là “tam thất hoang”. Đồng bào nhiều vùng đi nhổ và bán ra nước ngoài với giá rẻ. Đến bây giờ, nhiều đơn vị nước ngoài trồng được lại xuất sang nước ta với giá “cắt cổ”. Giờ thì biết giá trị của sâm quý nhưng trong tự nhiên cũng không còn nhiều nữa, bởi đặc tính của loài sâm này chỉ mọc ở trên những dãy núi cao tầm 2.000 mét.

Đêm xuống sương buốt, gió núi phần phật, giữa rừng già thật ghê rợn; thế mà Cường lại rủ chúng tôi ra suối rọi đèn pin bắt cua và ếch núi nướng ăn chơi. Ngồi uống rượu men lá chống khí lạnh, chúng tôi trò chuyện đến tận đêm. Chúng tôi hỏi Cường nghĩ gì về chuyện nhiều địa phương trồng cây thuốc để sản xuất dược liệu? Cường bảo làm được thì tốt quá nhưng phải hỗ trợ và làm gì đi nữa cũng phải gắn với chủ thể là bà con miền núi vì chỉ có người dân mới có thể cùng ăn, cùng ở với vườn thuốc quý hàng tỷ đồng.

Cường bảo đi rừng lấy thuốc có cái thú nên đi được thì cứ đi, biết đâu sau này Cường sẽ không đi rừng nữa mà phải dành thời gian chăm sóc vườn thuốc chăng? Đó là chuyện tương lai, còn giờ chỉ cần biết lấy từ rừng mà biết giữ rừng như Cường thì thật đáng quý.

Ghi chép của MAI TÀI LƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/vao-rung-tim-thuoc-533930