Vào mùa 'tụng văn mẫu', xóa bỏ cách học gạo không dễ

Xóa bỏ việc dạy và học chỉ vì điểm số bằng cách nào? Khi và chỉ khi thầy cô không còn lo sợ phải hoàn thành chỉ tiêu chất lượng giáo dục mà nhà trường quy định

Lại một mùa thi nữa sắp về, đây là thời điểm nhiều thầy cô tăng tốc dạy, ôn tập và học sinh cũng tăng tốc học, ôn bài.

Giáo viên luôn phải suy nghĩ “làm sao để học sinh yếu vượt qua kỳ thi ở mức an toàn nhất? Học sinh khá, giỏi đạt kết quả cao nhất?”

Thầy chấm văn thầy (Hình minh họa, nguồn: tomoca.co.jp.)

Thầy chấm văn thầy (Hình minh họa, nguồn: tomoca.co.jp.)

Đó cũng chính là ước muốn của đại đa số học sinh.

Nhưng để đạt được điều mong muốn ấy, không có con đường nào khác ngoài việc phải học.

Nhưng học như thế nào? Học để hiểu rồi tự thân nỗ lực để vượt qua lại khác xa với việc học một cách đối phó để hy vọng nhận được những điểm số mong muốn.

Cách mà nhiều giáo viên và học sinh hiện nay chọn là cách “học tắt”’ “đón đầu”, cách học này chẳng khác nào chuyện ăn xổi. Thế nhưng lại là cách đạt điểm số an toàn nhất.

Học sinh miệt mài cày văn mẫu

Từ tiểu học đến bậc trung học phổ thông, khi ôn văn, học sinh phần lớn đều cày văn mẫu.

Có em tự mua sách về học thuộc những đề văn cần ôn trong các tuyển chọn những bài văn hay.

Có em đi học thêm được thầy cô giáo cho chép những bài văn chính thầy cô soạn.

Có cẩm nang trong tay, chẳng cần nghĩ suy nhiều cho mệt, hằng ngày cứ mang ra “tụng” đến thuộc lòng thì đảm bảo khi thi chẳng bao giờ sợ điểm kém.

Thay vì dạy cho học trò cách cảm thụ một tác phẩm văn học, hiểu được những giá trị nội dung và nghệ thuật, biết phân tích tác phẩm truyện cũng như tác phẩm thơ, biết lập một dàn bài dựa trên yêu cầu của đề…thì nhiều thầy cô lại hướng cho học sinh ôn tập theo kiểu học thuộc những bài văn mẫu có sẵn.

Việc ôn văn mẫu sẽ mang đến điều lợi cho giáo viên

Thứ nhất, học sinh sẽ đạt điểm số an toàn (ít nhất sẽ không bị điểm liệt).

Thứ hai, giáo viên sẽ có nhiều cơ hội dạy thêm vì học sinh buộc phải đi học thêm mới được cô thầy giới hạn đề và soạn sẵn bài mẫu cho về chỉ việc học.

Đề cương giáo viên cho các em ôn tập cũng giới hạn ở những đề văn cụ thể.

Nếu trò đi học thêm, chính thầy cô sẽ phân tích đề và lập sẵn cho các em dàn bài một cách chi tiết.

Có giáo viên còn làm hẳn cho các em một bài làm hoàn chỉnh do chính thầy cô giáo soạn. Và nhiệm vụ của các em chỉ việc về học thuộc.

Gần đến ngày thi, giáo viên sẽ giới hạn lại đề cương thi lần cuối. Số đề phải học thuộc sẽ giao động khoảng 3 -4 đề nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Thế nhưng kiến thức phải học thuộc cũng hàng chục trang vở dày kín chữ.

Nhiều học sinh khá giỏi muốn giành điểm cao nên bỏ công sức ra học từng chữ suốt ngày đêm. Khi vào phòng thi, trúng đề nào sẽ làm đề ấy.

Điểm số cho việc thuộc chép văn mẫu cũng khá cao. Nếu chép y nguyên của thầy cô (mà trong lớp có nhiều bạn như thế) số điểm sẽ nhận được từ 7-8 điểm.

Nếu biết thêm vào đôi ba câu cho có ý khác bạn sẽ đạt gần điểm tối đa.

Em lười hơn chỉ học sơ sơ cũng sẽ nhận ít nhất 5 - 6 điểm đủ số điểm để không phải thi lại.

Không ít phụ huynh cho biết thấy con miệt mài học mà thương nhưng cũng chẳng biết khuyên con thế nào.

Có gia đình ba mẹ cũng là thầy cô giáo, nhưng nói con còn không nghe vì học sinh nhỏ thường nói “thầy (cô) con bảo thế”.

Học sinh lớn (bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông) có em lại nói rằng “Con có thi đại học môn văn đâu mà phải đầu tư học cho nghiêm túc, chủ yếu là thi cho qua môn để khỏi bị điểm liệt”.

Một số thầy cô giáo tâm huyết với nghề chỉ biết thở dài “Giáo dục đổi mới bao năm nhưng cách dạy và học văn ngày nay vẫn như bao năm chẳng có gì thay đổi”.

Thực trạng này, hiện khá phổ biến trong các trường học ở cả ba cấp.

Nguyên do sâu xa cũng bởi tại căn bệnh thành tích nên không ít thầy cô sợ trò làm bài yếu không đạt chỉ tiêu quy định về chất lượng bộ môn.

Vậy xóa bỏ việc dạy và học chú trọng nhiều đến điểm số bằng cách nào đây? Khi và chỉ khi thầy cô không còn lo sợ phải hoàn thành chỉ tiêu về chất lượng giáo dục mà nhà trường quy định như hiện nay.

Thủy Trúc

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vao-mua-tung-van-mau-xoa-bo-cach-hoc-gao-khong-de-post197555.gd