Vào đền thiêng 2 phụ nữ Ấn Độ bị truy sát

Sau khi phá vỡ lệnh cấm hàng thế kỷ để bước vào ngôi đền thiêng Sabarimala, hai người phụ nữ Ấn Độ có tên là Bindu Ammini và Kankadurga giờ đang phải ẩn náu vì các cuộc biểu tình bạo lực đã khiến ít nhất một người chết.

Ngôi đền thiêng Sabarimala trở thành mặt trận đấu tranh bình đẳng giới

Ngày 4/1, phát ngôn viên cảnh sát Ấn Độ cho biết hai phụ nữ có tên là Bindu Ammini và Kankadurga, đang ở địa điểm không thể tiết lộ cùng với một số người thân. Họ đã trở thành những người phụ nữ đầu tiên bước chân vào đền Sabarimala (bang Kerala) sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm từ tháng 9/2018. Khi họ cố gắng vào đền Sabarimala thì đã bị đám đông bảo thủ giận giữ la hét và chặn đường.

Đã hơn 800 năm tuổi, ngôi đền Sabarimala - Một trong những nơi được coi là linh thiêng nhất của người Hindu - từng cấm phụ nữ ở “độ tuổi có kinh nguyệt” bao gồm các bé gái từ 10 tuổi tới phụ nữ 50 tuổi không được phép vào bên trong. Đây được coi là nhà của Chúa tể Ayyappa, vị thần của sự phát triển trong đạo Hindu. Những người ủng hộ lệnh cấm cho rằng vì thần Ayyappa được coi là độc thân nên phụ nữ trong độ tuổi có kinh nguyệt bước vào đền là thiếu tôn trọng, làm "dơ bẩn" ngôi đền. Lệnh cấm trở thành luật vào năm 1972 và Tòa Cấp cao bang Kerala đã phê chuẩn. Do đó, nhiều tháng sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm vì cho rằng đây là hủ tục thể hiện sự phân biệt đối xử, hàng loạt vụ biểu tình phản đối đã nổ ra xung quanh đền Sabarimala. Hơn 1.300 cảnh sát đã phải triển khai tại đây để đảm bảo an toàn cho phụ nữ muốn bước vào đền. Chánh án Tòa Tối cao Dipak Misra nói rằng lệnh cấm mang tính phân biệt đối xử với phụ nữ không phải “một phần thiết yếu” trong đạo Hindu mà là một dạng thức của “chế độ gia trưởng trong tôn giáo”.

Phụ nữ Ấn Độ tham gia biểu tình ủng hộ lệnh cho phép nữ giới vào đền Sabarimala

Đền Sabarimala ở Ấn Độ đã trở thành mặt trận đấu tranh bình đẳng giới khi Tòa Tối cao cho phép phụ nữ vào đền nhưng những người biểu tình, được đảng cầm quyền ủng hộ, nỗ lực cản trở. Rạng sáng 2/1/2019, cảnh sát đã cho phép hai người phụ nữ ngoài 40 tuổi vào ngôi đền và sau đó rời đi mà không bị những người phản đối phát hiện. Tuy nhiên, khi tin tức này được lan truyền, ngôi đền đã đóng cửa trong một giờ để làm nghi thức thanh tẩy. Những cuộc đụng độ bạo lực sau đó nổ ra giữa hai phe ủng hộ và phản đối động thái tại trước tòa nhà chính quyền ở Thiruvananthapuram.

Nhóm biểu tình phản đối phụ nữ chặn đường vào đền Sabarimala

Tiếp đó, những cuộc biểu tình tương tự đã nổ ra ngày 3/1 buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để ngăn chặn đoàn người quá khích. Cảnh sát Ấn Độ cho biết một người biểu tình là thành viên của đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền đã chết do bị ném đá vào đầu. 4 người khác, bao gồm một cảnh sát, bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ hai người và nộp đơn khiếu nại họ vì tội giết người và bạo loạn. Cảnh tượng trên các đường phố ở bang Kerala được mô tả "như bãi chiến trường" khi đám đông hàng nghìn người mang theo bom tự chế, gạch đá đụng độ với cảnh sát và quan chức chính quyền để phản đối việc hai phụ nữ hôm 2/1 bí mật vào đền thiêng Sabarimala dưới sự hộ tống của cảnh sát. Tại thủ đô New Delhi, người biểu tình cũng hô khẩu hiệu phản đối Bộ trưởng bang Kerala Pinarayi Vijayan và đốt hình nộm của ông.

Cảnh sát Ấn Độ áp chế một người biểu tình quá khích ở khu vực gần đền Sabarimala

Nhà hoạt động nữ quyền Trupti Desai đã đề nghị cảnh sát bảo vệ cô trong chuyến thăm đền. Desai cho hay, cô không muốn làm tổn hại niềm tin của bất cứ ai nhưng cô sẽ kiên trì đến khi được dâng lễ tại đền. “Kể từ khi thông báo quyết định thăm đền, tôi đã phải hứng chịu nhiều lời dọa giết và chửi mắng liên tiếp. Một số chứa những hình ảnh bạo lực, máu me, đe dọa chặt chân tay chúng tôi nếu chúng tôi dám đặt chân tới Kerala”, tờ Hindu trích lời cô Desai.

Nhu Thụy Indian Express, Indian Today, Hindu

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/vao-den-thieng-2-phu-nu-an-do-bi-truy-sat-post53889.html