Vào cuộc tích cực, trách nhiệm

Từ đầu năm đến nay, mặc dù vi phạm có chiều hướng giảm nhưng tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trọng trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến khá phức tạp. Điều này được thể hiện qua việc lực lượng chức năng của thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính 4.221 trường hợp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết, xuất phát từ lợi nhuận, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã “nhắm mắt làm ngơ”, cố tình vi phạm. Trong khi đó, chế tài xử lý xe chở quá tải trọng còn chưa đủ sức răn đe; lực lượng chức năng chưa được trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết; công tác kiểm tra, kiểm soát có lúc, có nơi chưa thường xuyên, bị buông lỏng…

Để ngăn chặn, giảm thiểu tác hại gây ra từ xe quá tải trọng, lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp như thường xuyên đôn đốc, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ; tăng cường tuần tra, kiểm soát, giám sát hoạt động vận tải...

Đặc biệt, trong một động thái quyết liệt hơn, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố lắp đặt 15 trạm cân tự động tại một số tuyến đường trọng điểm trên địa bàn thành phố. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ mới kiểm soát xe quá tải trọng là rất cần thiết và sẽ trợ giúp đắc lực cho lực lượng Thanh tra làm tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Hà Nội là đầu mối giao thông, luân chuyển hàng hóa, vì vậy, việc tăng cường xử lý tình trạng xe quá tải luôn là vấn đề cấp bách và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Theo đó, các lực lượng chức năng của thành phố như thanh tra giao thông, quản lý đê điều, cảnh sát giao thông... và các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Quá trình thực thi nhiệm vụ, mỗi cán bộ phải đề cao tính kỷ cương, kỷ luật, làm việc đúng nguyên tắc và quy định pháp luật hiện hành; kiên quyết không "du di" với vi phạm vì bất cứ lý do gì. Cùng với đó, cần xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân với từng cung đường được giao quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp được giao nhiệm vụ quản lý có hành vi tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Cũng để giúp lực lượng chức năng làm tốt hơn nhiệm vụ được giao, ngoài trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết, các ngành chức năng cần tham mưu ban hành quy định, chế tài bảo đảm tính răn đe đối với các vi phạm chở quá tải trọng. Cụ thể hơn, ngoài việc xử lý vi phạm đối với lái xe, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa quá tải trọng, thì chủ hàng hóa cũng có thể bị xem xét, xử lý trách nhiệm nếu có những yêu cầu ép buộc dẫn đến việc chở quá tải.

Về phía các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; đồng thời cân đối chi phí khấu hao phương tiện, xăng dầu, nhân công... để vừa bảo đảm hoạt động kinh doanh, vừa tránh việc vì lợi nhuận mà vi phạm pháp luật, gây mất an toàn giao thông, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông...

Mỗi người dân cũng cần phát huy vai trò giám sát, nếu phát hiện vi phạm hoặc thấy biểu hiện nghi ngờ, cần thông tin ngay cho lực lượng chức năng kịp thời kiểm tra, xử lý.

Các cấp, ngành chức năng cùng vào cuộc một cách tích cực, có trách nhiệm, chắc chắn tình trạng xe chở quá tải, quá khổ sẽ được đẩy lùi. Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, giữ gìn hạ tầng giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn Thủ đô.

Hoàng Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/978128/vao-cuoc-tich-cuc-trach-nhiem