Vào cuộc đua lãi suất

Cuộc đua lãi suất diễn ra trong thời gian gần đây không chỉ dừng lại ở những ngân hàng nhỏ, mà ngay cả những ngân hàng có quy mô lớn cũng đã tăng lãi suất. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thời điểm cuối năm nhu cầu vốn gia tăng, cả phía ngân hàng cũng như người vay.

Ông Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Nhu cầu vay vốn cuối năm là có thật, có thể nói là diễn ra theo chu kỳ. Nhiều lo ngại sẽ xuất hiện sự dồn toa tín dụng cuối năm. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới lạm phát, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay 17% và đến nay chỉ mới đi được nửa mục tiêu. Chúng ta còn hơn 2 tháng để hoàn thành mục tiêu. Do vậy, nếu đẩy quá nhiều tiền cho hoạt động tín dụng thì tôi e là cũng có ảnh hưởng nhất định. Chúng ta biết rằng lượng tín dụng so với GDP là lớn và điều này tác động đến lạm phát.

Năm nay mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cứng cho nền kinh tế, mà xung quanh 17%. Nhưng với một số ngân hàng thì chỉ tiêu đó là thấp. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao khoảng 10 - 11%, và trong 3 quý đầu năm họ xài hết room rồi. Và giờ họ đang xin NHNN nới room tín dụng để tiếp tục tăng trưởng từ nay đến cuối năm.

Việc NHNN giao chỉ tiêu chặt chẽ là hợp lý. Nếu chúng ta rộng tay, đặc biệt là ngân hàng yếu kém, quản lý rủi ro tín dụng không chặt chẽ, sẽ làm cho chính họ bị rủi ro, rủi ro hệ thống, khiến nền kinh tế có lượng tiền quá lớn lưu thông, ảnh hưởng lạm phát. Do đó NHNN siết room tín dụng và giao chỉ tiêu từng ngân hàng là hợp lý. Tôi nghĩ rằng NHNN nên chặt chẽ việc giao room tín dụng cho ngân hàng để nền kinh tế không gặp rủi ro về cung tiền về lạm phát.

Trong trường hợp vốn trực tiếp và gián tiếp đang có thay đổi thì có gì lo ngại cho nền kinh tế?

-Dĩ nhiên tỷ giá ảnh hưởng dòng vốn trực tiếp và gián tiếp tại Việt Nam nhưng với những nhà đầu tư nước ngoài đó thì động cơ của họ khi đổ tiền đầu tư vào Việt Nam không chỉ là tỷ giá mà là chiến lược kinh doanh.

Các nhà đầu tư vốn quan tâm đến hai thị trường, đó là thị trường truyền thống và thị trường mới nổi. Những thay đổi trên thị trường truyền thống sẽ khiến họ có những thay đổi trong việc đầu tư tại thị trường mới nổi. Tôi nghĩ đó mới là vấn đề chính và tỷ giá chỉ là một phần thôi.

Đương nhiên, khi tỷ giá tăng thì khi họ rút vốn ra thị trường. Họ sẽ phải quy đổi từ tiền đồng sang tiền USD. Nếu tỷ giá tăng thì họ lỗ. Tỷ là vấn đề quan trọng để họ nghĩ rằng họ bỏ đồng vốn ra đầu tư nhưng không bị mất đi. Nhưng như tôi đã nói, quyết định của họ mang tính cách chiến lược toàn cầu hơn là tỷ giá.Vấn đề tỷ giá không là động cơ chính

Cuối năm, giao dịch ngân hàng tăng mạnh.

Lãi suất ngân hàng đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Ông có bình luận gì?

- Cuộc đua lãi suất diễn ra trong thời gian gần đầy không chỉ dừng lại ở những ngân hàng nhỏ, mà ngay cả những ngân hàng có quy mô lớn cũng đã tăng lãi suất.

Theo tôi nghĩ, đây chỉ là vấn đề chu kỳ mà thôi. Thời điểm cuối năm các ngân hàng thường đối diện với vấn đề thanh khoản, các ngân hàng phải giúp doanh nghiệp thanh toán các chi phí, trả lương cho cán bộ công nhân viên. Tức là thời điểm cuối năm nhu cầu vốn rất cao. Ngân hàng cần tiền cho vay và giải ngân, do vậy họ tăng lãi suất để huy động vốn. Đó là hiện tượng mang tính chu kỳ và lặp lại. Do vậy tôi nghĩ từ giờ đến cuối năm lãi suất sẽ tăng nhẹ ở cả chiều huy động và cho vay.

Đặc biệt nữa là với hành động của NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 50% về 40% bắt đầu từ năm 2019. Các ngân hàng buộc phải chuẩn bị bước tăng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn trong đầu năm tới. Công cụ lãi suất được ngân hàng sử dụng. Do vậy, nhìn dài hơn nữa thì vấn đề tăng lãi suất trong thời gian tới cũng là bình thường.

Trong bối cảnh đó, cần sự thận trọng trong điều hành tỷ giá. NHNN nên xem xét điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn từ giờ đến cuối năm để mức hợp lý. Khi điều chỉnh tỷ giá, sẽ ảnh hưởng lạm phát, ảnh hưởng xuất nhập khẩu. Chúng ta nhập nguồn nguyên liệu, hàng hóa từ các nước, giá hàng tăng lên trong rổ tiền tệ nói chung đẩy lạm phát đi lên. Nhưng khi chúng ta không điều chỉnh tỷ giá thì các thành phần trên thị trường có thể lợi dụng điều đó. Chẳng hạn như giá ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng chính thức thấp, ngoại tệ tự do cao. Người ta vào ngân hàng mua ngoại tệ và bán ra thị trường. Như vậy là họ ăn trên sống lưng của NHNN. Do vậy chính sách điều hành tỷ giá không những căn cứ trên diễn biến thị trường tài chính quốc tế, mà theo cả diễn biến thị trường trong nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hằng (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/vao-cuoc-dua-lai-suat-tintuc420503