'Vào bộ máy nhà nước mà vì lợi ích cá nhân sẽ trở thành thảm họa'

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc bổ nhiệm cán bộ đã có tiêu chuẩn cụ thể, nếu để những người xấu, tiêu cực lọt vào bộ máy nhà nước vì lợi ích cá nhân sẽ trở thành thảm họa cho đất nước.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đang trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cán bộ công chức tiêu cực dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa, do vậy nhấn mạnh công tác chống tham nhũng, mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Trung ương đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến cơ chế kiểm soát quyền lực.

Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, diễn ra sáng nay (3/11), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã có những phân tích cụ thể về công tác phòng chống tham nhũng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.

- Trên nghị trường, một số đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những thách thức về tham nhũng, trong đó có cả những hành vi tiêu cực của một bố phận cán bộ, công chức, vậy ông đánh giá vấn đề này ra sao?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Trong các báo cáo chính thức của Chính phủ, Quốc hội cũng như các Nghị quyết của Đảng cũng đã nêu thực trạng tham nhũng, tình trạng suy thoái về đạo đức.

Ý kiến của các đại biểu nêu ra tại nghị trường cũng hoàn toàn chính xác, do đó câu hỏi đặt ra như các Nghị quyết đã nêu là chúng ta vẫn chưa đẩy lùi và ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, tức là lợi ích nhóm đi ngược lại với liêm chính, do vậy chúng ta rất cần có giải pháp và biện pháp.

Tới đây Quốc hội sẽ sửa đổi luật phòng chống tham nhũng, đây cũng là biện pháp mạnh mẽ từ phía cơ quan lập pháp để làm sao có những bước đột phá trong việc xây dựng liêm chính trong đội ngũ cán bộ công chức.

- Thưa ông, Tổng Bí thư có nhắc đến việc xây dựng "lồng" để kiểm soát quyền lực, theo ông việc triển khai những chỉ đạo của Tổng Bí thư cần được quán triệt như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Tổng Bí thư nói hình tượng trên cho dễ hiểu, còn bản chất và hàm ý của Tổng Bí thư là xuất phát từ Hiến pháp, theo đó Hiến pháp đã quy định mọi tổ chức, cá nhân, mọi ngành, mọi cấp đều phải tuân thủ pháp luật. Còn về Đảng cũng vậy, các tổ chức và Đảng viên đều phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.

Câu nói của Tổng Bí thư rất đúng, ở đây cái "lồng" của cơ chế chính là những quy định pháp luật, khung pháp lý hiện có, cao nhất là Hiến pháp và các luật pháp khác, điều này theo đúng nguyên tắc của nhà nước pháp quyền, nếu vi phạm sẽ không từ một ai và ai cũng phải làm việc trong hành lang pháp lý đó.

Vấn đề của chúng ta lâu nay là nói nhưng chưa làm được, do vậy cần phải làm thế nào để luật pháp nghiêm minh. Hiện có một số hướng đề ra, cụ thể phải bắt đầu từ những người lãnh đạo cao nhất đều phải tuân thủ pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nếu làm tốt thì mọi thứ sẽ được cải thiện rất nhiều.

Còn vì sao có việc khi cán bộ sai phạm, vi phạm pháp luật và xử không nghiêm minh là do người lãnh đạo cấp trên của người vi phạm có vấn đề nên không xử nghiêm minh được, hoặc do quan hệ họ hàng hoặc có lợi ích đan xen nhau hoặc thậm chí có tiêu cực nên không xử lý được vi phạm.

Còn nếu người đứng đầu gương mẫu thì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về cán bộ liêm chính, cán bộ tuân thủ pháp luật.

- Một số lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ theo kiểu chạy hưu, phải chăng câu chuyện gương mẫu và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn nặng nề ở một số nơi, thưa ông?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Hiện có nhiều hiện tượng, đơn cử như nhiều lãnh đạo sắp nghỉ hưu thì bổ nhiệm người thân, người nhà vào các vị trí lãnh đạo, tất cả việc bổ nhiệm này thực tế bộ máy của chúng ta có thể kiểm tra được. Trên nguyên tắc, kiểm tra từng trường hợp, từng hồ sơ và giải trình từng trường hợp, từ đó sàng lọc ra.

Có thể trong mấy chục trường hợp bổ nhiệm đó có trường hợp phù hợp, khách quan. Còn những trường hợp không hợp lý, không khách quan cũng có thể do nể nang, tình cảm và trường hợp nữa là có sai phạm, tiêu cực, hoàn toàn không đúng tiêu chuẩn mà vẫn bổ nhiệm.

Nói về quy định thì bộ máy đã có đủ cơ chế, có đủ quy định và năng lực để kiểm soát toàn bộ những trường hợp bổ nhiệm đó. Khi kiểm tra sẽ phát hiện được, nếu hợp lý thì giữ lại, còn có tiêu cực thì phải sửa lại và hủy bỏ quyết định bổ nhiệm không đúng.

- Thực tế là đã có xảy ra hiện tượng trên, vậy theo ông việc bổ nhiệm tràn lan thì cần có giải pháp như thế nào?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Nếu nói rộng hơn thì có phạm trù suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, công chức, điều này cũng đã được đề cập trong một số Nghị quyết Đảng.

Khi có sự suy thoái đạo đức dẫn tới việc bổ nhiệm bừa bãi, bổ nhiệm theo vây cánh, lợi ích nhóm thì những người được bổ nhiệm sẽ liên kết với nhau để tham nhũng, làm các điều tiêu cực, sai trái rồi che chắn cho nhau khiến không xử lý được.

Đảng đã nhận diện được căn bệnh về suy thoái đạo đức và đề ra các Nghị quyết, mới đây nhất là Nghị quyết Trung ương 4 nhưng quan trọng là việc thực hiện như thế nào. Còn nếu không thực hiện được sẽ thất bại trong công tác cán bộ và những người xấu, tiêu cực lọt vào bộ máy nhà nước mà vì lợi ích cá nhân sẽ trở thành thảm họa cho đất nước.

- Xin cảm ơn ông./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vao-bo-may-nha-nuoc-ma-vi-loi-ich-ca-nhan-se-tro-thanh-tham-hoa/414104.vnp