Vành đai kinh tế sông Dương Tử - Điển hình chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc

Làng Yucun từng một thời nghèo khó, người dân phải hứng chịu ô nhiễm từ nhà máy xi măng và mỏ than đá. Nhưng nay làng Yucun lột xác thành điểm thu hút du lịch nhờ những ngọn núi đẹp như tranh với hồ nước bao quanh. Ngôi làng đã trở thành hình mẫu điển hình trong kế hoạch lớn của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Người dân Trung Quốc bên bờ sông Dương Tử. Ảnh: Reuters

Người dân Trung Quốc bên bờ sông Dương Tử. Ảnh: Reuters

Tờ Nikkei Asia dẫn lời một quan chức có tên Yu Xiaoping ca ngợi sự chuyển mình của làng Yucun: “Hiện nay thu nhập bình quân của người dân tại đây là 65.000 nhân dân tệ (10.000 USD)/năm, tăng từ mức 8.000 nhân dân tệ năm 2005. Cách đây 16 năm ông Tập Cận Bình từng gợi ý rằng "núi xanh và nước trong là những tài sản giá trị của nơi đây”.

Làng Yucun tại tỉnh Chiết Giang thuộc Đồng bằng sông Dương Tử - khu vực bao gồm cả Thượng Hải, tỉnh An Huy, Giang Tô. Đồng bằng sông Dương Tử có diện tích bằng nước Đức, với dân số 235 triệu người và đóng góp 1/4 GDP của cả nước.

Kế hoạch đồng bằng sông Dương Tử được hình thành vào năm 2018 để bổ trợ cho hai cụm siêu độ thị là Khu vực Vịnh lớn tại miền Nam và Kế hoạch Tích hợp Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc ở vùng Đông Bắc.

Chính phủ Trung Quốc đã chọn đồng bằng sông Dương Tử là khu vực tiên phong trong mục tiêu thân thiện môi trường và đạt được tự cung tự cấp về kinh tế. Bắc Kinh muốn nước này chuyển mình khỏi mô hình phát triển dựa trên xuất khẩu và mở thêm cơ hội cho thị trường nội địa 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó tiếp cận được những lĩnh vực then chốt.

Trong nhiều thế kỷ, sông Dương Tử đã đóng vai trò là “động mạch” của kinh tế Trung Quốc. Tại cuộc họp tổ chức tháng 8/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình chia sẻ rằng một mẫu hình phát triển mới cho kết nối Đồng bằng sông Dương Tử đang định hình. Ông Tập Cận Bình chủ trương coi khu vực này là tiên phong trong cải tiến công nghiệp, công nghệ Trung Quốc, hỗ trợ chiến lược “vòng tuần hoàn kép” hướng tới giảm ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong khi kế hoạch "Made in China 2025" được đưa ra cách đây 6 năm có phương hướng tăng năng lực công nghệ của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực then chốt thì “vòng tuần hoàn kép” lại được đưa ra ở thời điểm có nhiều thách thức mới trong môi trường quốc tế phức tạo hơn. Tại hội nghị tổ chức vào tháng 8/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập trí thông minh nhân tạo, kỹ thuật y sinh là các lĩnh vực then chốt các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên tại Đồng bằng sông Dương Tử.

Ông Nick Marro tại nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit thuộc tạp chí The Economist nhận định: “Trung Quốc đã thức tỉnh rằng thúc đẩy phát triển công nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị. Và Bắc Kinh đang tìm cách để sửa chữa điều này”.

Chiến thuật của chính phủ Trung Quốc là tạo phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường nội địa. Điều này bao gồm phối hợp lớn hơn giữa công và tư trong một số lĩnh vực then chốt như sản xuất ô tô.

Dây chuyền lắp ráp xe nâng tại nhà máy Noblelift. Ảnh: Nikkei Asia

Trong một chương trình thăm Yucun trong tháng 4 do chính phủ Trung Quốc tổ chức, các phóng viên đã được đến thăm quan dây chuyền lắp ráp xe nâng tại nhà máy Noblelift ở huyện Changxing. Công nhân nơi đây vận hành dây chuyền với các cánh tay robot.

Một lãnh đạo của Noblelift cho biết nếu không có tự động hóa, họ sẽ cần 1.200 công nhân làm việc tại nhà máy, như vậy công nghệ hiện đại đã giúp cơ sở này tiết kiệm rất nhiều. Nay họ chỉ cần 300 công nhân và số tiền lương trung bình của những người lao động này là 10.000 nhân dân tệ/tháng.

Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc trong tháng 5 nhận định cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang khá quan ngại về chiến lược “vòng tuần hoàn kép”. Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc lập luận rằng Bắc Kinh sẽ ưu tiên giành được công nghệ chiến lược và ngăn các nhà đầu tư nước ngoài cạnh tranh công nghệ tại Trung Quốc một cách công bằng. Phòng Thương mại Mỹ cũng ghi nhận những cải thiện trong Luật đầu tư nước ngoài mới của Trung Quốc có hiệu lực từ 1/1/2020. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tâm lý lo ngại giữa các nhà đầu tư nước ngoài.

Nikkei Asia tháng 4 vừa qua đưa tin rằng tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã bán phần lớn cổ phần tại một đơn vị ở Trung Quốc trong năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc được chính phủ nước này chống lưng.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vanh-dai-kinh-te-song-duong-tu-dien-hinh-chuyen-doi-mo-hinh-kinh-te-cua-trung-quoc-20210613171035352.htm