Vành đai 4 – Vùng Thủ đô: Cả hệ thống chính trị vào cuộc, thần tốc, quyết liệt, vì lợi ích chung

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng (Trưởng Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội), tuyến đường không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn giúp Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tạo điều kiện để Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ…

Thưa đồng chí Đinh Tiến Dũng, được biết, đồng chí rất tâm huyết với dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội kể từ khi về nhận trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đồng chí có thể chia sẻ về ý nghĩa của dự án này với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh có tuyến đường đi qua cũng như Vùng Thủ đô Hà Nội?

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là một dự án lớn, không chỉ mở không gian phát triển cho Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh mà còn tạo động lực cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng. Dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều cuộc họp thống nhất về dự án này.

Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cuộc họp thẩm tra kỹ lưỡng dự án. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thống nhất thông qua dự án, với tỷ lệ đồng tình rất cao. Đặc biệt, Quốc hội đã đồng ý cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: PV

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: PV

Trước đó, để chuẩn bị cho dự án này, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp bàn nhiều cuộc, xác định thực hiện dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố.

Vì thế, song song nhiệm vụ hết sức quan trọng là phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi vẫn tập trung thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị cho dự án này. Tháng 9/2021, tôi ký ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Chủ trương triển khai dự án là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, mỗi địa phương cần xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ công tác; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, bảo đảm không phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự; giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, phải gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng.

Theo báo cáo, đến nay, tuyến đường Vành đai 3 của thành phố cơ bản hoàn thành nhưng đã thực sự quá tải. Nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía nam đi các tỉnh phía bắc cũng như các tỉnh phía tây và ngược lại, quá cảnh qua Hà Nội hiện nay chủ yếu thông qua tuyến Vành đai 3.

Các cửa ngõ giao thông, đầu mối giao thông ra vào thành phố; các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường Vành đai 3 hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông mà điển hình là khu vực cửa ngõ phía nam thành phố. Vì vậy, Hà Nội xác định việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô là hết sức cần thiết và cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Chỉ trong vòng 1 năm, chúng tôi hoàn thiện xong thủ tục cho dự án rất lớn này. Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112km, đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Với Hà Nội, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường và khu vực ngoại thành; tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đường Vành đai 4 được đầu tư đồng bộ, bài bản.

Một điều có thể nhận thấy, tuyến đường sẽ tạo động lực phát triển cho 7 quận, huyện đi qua, đặc biệt là các huyện vốn nhiều năm nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sau khi sáp nhập về Hà Nội. Tuyến đường cũng sẽ tăng cường khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tuyến đường còn có mục tiêu tạo tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên tuyến đường nói riêng và Vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.

Thưa đồng chí, với tầm vóc một siêu dự án như đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, khối lượng công việc rất nhiều và phức tạp, nhưng lại triển khai rất nhanh, quyết liệt, bài bản. Cách làm là gì, thưa đồng chí?

Tháng 6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo Nghị quyết, đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Chúng tôi nhận định rằng, đây là dự án đặc biệt quan trọng, phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Ảnh 1: Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Bắc Ninh ký kết giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh 2: Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Theo Nghị quyết, thời gian thực hiện dự án chỉ khoảng 5 năm, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027, tiến độ rất nhanh, đòi hỏi phải được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao của các cấp, các ngành và toàn thành phố.

Thành ủy Hà Nội xác định, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chính là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và là uy tín của thành phố. Thành ủy Hà Nội đã lập Ban chỉ đạo cấp thành phố, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo với sự tham gia của các đồng chí Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định về việc ủy quyền phê duyệt và giao nhiệm vụ triển khai thủ tục đầu tư các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các đoạn tuyến của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; ủy quyền cho Chủ tịch UBND 7 quận, huyện có đoạn đường Vành đai 4 đi qua tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.

Xác định việc thực hiện Dự án này là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cấp bách, tháng 9/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án này.

Đây là lần đầu tiên có Chỉ thị riêng của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác giải phóng mặt bằng, chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự ủng hộ của tập thể, cá nhân người sử dụng đất khi nhà nước tiến hành thu hồi đất, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở (nơi có tuyến đường Vành đai 4 đi qua) mở đợt sinh hoạt chính trị với các hình thức phù hợp nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung: Nghị quyết của Quốc hội về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, tầm quan trọng đặc biệt, ý nghĩa của dự án; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cấp bách của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, đơn vị trong thời gian tới.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án; vận động nhân dân thực hiện chủ trương, quyết định thu hồi đất; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quản lý dân cư, quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tiếp công dân, tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và giải quyết, trả lời đúng quy định pháp luật…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trong cuộc làm việc với huyện Thanh Oai về dự án đường Vành đai 4. Ông Thanh yêu cầu, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án Vành đai 4 phải tính theo ngày, chứ không phải tính theo tuần.

Các quận ủy, huyện ủy phải thành lập Tổ công tác cấp huyện do đồng chí Bí thư cấp ủy làm tổ trưởng, đồng chí Chủ tịch UBND quận, huyện làm tổ phó; thành lập bộ phận tiếp công dân chuyên trách phục vụ dự án từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn.

Đồng thời, các quận, huyện phải có trách nhiệm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bí thư, Phó Bí thư, các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, các phòng, ban, ngành, các xã, phường nơi có dự án đi qua và huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến nay, thành phố đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ 5/5 đoạn với tổng chiều dài 58,2 km. Ngày 30/11 vừa qua, chỉ giới đường đỏ đoạn từ Quốc lộ 32 đến cầu Hồng Hà cũng đã được công bố. Thành phố cũng hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng, đăng tải tham vấn trên trang điện tử của Bộ TN&MT.

Tôi được giao trọng trách làm Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố. Trong Ban Chỉ đạo còn có các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, đại diện lãnh đạo các Bộ KH&ĐT, Tài chính, GTVT, Xây dựng, TN&MT…

Mỗi tỉnh, thành phố cũng có Ban Chỉ đạo của từng địa phương, thực hiện đến cấp cơ sở do Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo. Ba địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, thể hiện quyết tâm chính trị, tinh thần chung sức, đồng lòng, tất cả vì thành công của dự án, vì tương lai phát triển chung của Vùng Thủ đô và đất nước.

Thưa đồng chí, thời gian tới, để đảm bảo tiến độ dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, Hà Nội và các địa phương Hưng Yên, Bắc Ninh cần tập trung vào vấn đề gì?

Với quy mô và tầm quan trọng của dự án, qua tính toán có thể thấy diện tích đất cần giải phóng mặt bằng là rất lớn. Tôi cùng đoàn công tác Ban Chỉ đạo vừa khảo sát thực địa tại một số nút giao quan trọng của tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn một số huyện ở Hà Nội và trên địa bàn hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến nay, thành phố đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ 5/5 đoạn với tổng chiều dài 58,2 km. Dự kiến, trong quý IV/2022, thành phố sẽ giải ngân được khoảng 1.759 tỷ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh cũng quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ dự án, bảo đảm đến tháng 6/2023, bàn giao ít nhất 70% mặt bằng.

Liên tiếp trong 2 ngày 24, 25/11/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đi thị sát, đốc thúc tiến độ thực hiện dự án Vành đai 4 tại một số huyện trên địa bàn Hà Nội, tại một số vị trí ở hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Ảnh: PV

Hiện nay, khối lượng giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội rất lớn; trong đó, nhiều phần việc khó khăn vẫn còn ở phía trước. Chúng tôi đang đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đồng hành, bám sát tiến độ theo cam kết của thành phố Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên để kịp thời theo dõi, đôn đốc.

Đối với một số vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền cấp tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội sẽ tập hợp và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo giải quyết, trước hết là vấn đề chỉ giới đường đỏ; chính sách trong di dời mồ mả; cơ chế bố trí vốn cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng mới nghĩa trang phục vụ dự án...

Ba địa phương cũng sẽ tăng cường phối hợp thường xuyên, cộng đồng trách nhiệm, bám sát chặt chẽ hơn nữa từng phần việc, thúc đẩy tiến độ các dự án thành phần; lường trước những vấn đề khó, nhạy cảm, còn vướng mắc để chủ động có giải pháp từ sớm, từ xa; kịp thời kiến nghị với T.Ư tháo gỡ; vận động, tuyên truyền, tạo niềm tin để nhân dân đồng hành, ủng hộ.

Tôi tin rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo của T.Ư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và sự đồng hành của các bộ, ngành T.Ư, sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 địa phương, sự đồng lòng của người dân nơi dự án đi qua, sẽ tạo điều kiện cho thành phố và các tỉnh liên quan triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ đặt ra.

Tổng diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô là 1.341 ha, trong đó: Thành phố Hà Nội cần thu hồi khoảng 741ha tại địa bàn 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín); tỉnh Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326 ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, TP Bắc Ninh, Gia Bình); tỉnh Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274 ha tại địa bàn của 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu; Yên Mỹ, Văn Lâm).

Ba địa phương thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công Dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Bài: Hà Nhân - Trường Phong | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vanh-dai-4-vung-thu-do-ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-than-toc-quyet-liet-vi-loi-ich-chung-post1492231.tpo