'Vàng xanh' xứ núi Văn Yên

'Sống giữa khí trời thuần khiết, trong lành, lại được hưởng những điều kiện thổ nhưỡng đặc thù nên quế Văn Yên được người dân phong cho cái danh hiệu 'đệ nhất cao sơn ngọc quế', quả không sai. Từ lâu, quế trở thành cây trồng quen thuộc, nhờ có nó mà đời sống người nông dân chúng tôi mới khá khẩm lên được…' - anh Triệu Quý Tài, một trong những nông dân 'làm quế' được xem là giỏi nhất ở bản Khe Dứa, khoe với chúng tôi trong ánh mắt đầy tự hào.

Cây quế đã "bám rễ" ở Văn Yên. Ảnh: Đặng Đình Lâm

Theo anh Tài, trong số 11 bản ở xã vùng cao Viễn Sơn (huyện Văn Yên, Yên Bái), hiện có rất nhiều "đại gia" sở hữu cả rừng quế bao la san sát nhau, từ đồi này sang đồi khác. Phải tận mắt chứng kiến, tận tay sờ những "cụ quế" cao tuổi, trên vỏ đã ngả màu vàng ươm, tứ bề là những tán lá như tự cong thân mình ra để hứng lấy ánh sáng buổi sớm mai, đồng thời thấy rõ hành trình của sản phẩm vỏ quế trên thị trường thì mới thấu hết giá trị của loại "vàng xanh" này. "Giữa xứ núi tưởng đâu chỉ có "chó ăn đá, gà ăn sỏi" mà lại có được một "của để dành" như ở Văn Yên thì kể cũng lạ..." - anh Tài hào hứng nói.

"Cây vàng, cây bạc"

Tiếp lời anh Tài, ông Bàn Thừa An, cũng là chủ hộ "làm quế" vào hàng nhất, nhì ở bản Khe Dứa thủng thẳng mào đầu câu chuyện bằng lời "kết luận" ngắn gọn: "Nói cây quế là của để dành là còn khiêm tốn, với người dân nơi đây, những cánh rừng quế đã đem lại sự đổi đời theo đúng nghĩa. Như thế phải gọi là "cây vàng, cây bạc" mới đúng...". Đoạn, ông An cho chúng tôi biết thêm, những năm đầu của thập kỷ 50, khi ông còn ở cái tuổi vô lo vô nghĩ, đã thấy trong vườn nhà của người Tày, người Dao ở Văn Yên thường có dăm bảy cây quế.

Thế nhưng khi đó, vỏ quế thu hoạch được chủ yếu được các gia đình dùng làm quà biếu cho người thân hoặc bán cho những người thu mua về làm thuốc, vì thế, chẳng ai coi những cây quế ấy là nguồn thu chính trong nhà. Bây giờ, vỏ quế được coi là nguyên liệu quý để sản xuất thuốc chữa bệnh cho con người, chế biến những đồ mỹ phẩm, hương liệu có giá trị xuất khẩu nên người Văn Yên ai ai cũng coi quế là lộc trời ban cho vùng núi rừng này. Riêng ở bản Khe Dứa cũng như cả xã Viễn Sơn, hầu như nhà nào cũng trồng quế, nhà ít nhất cũng vài chục cây, nhà nhiều thì tới cả hàng nghìn cây, như nhà "đại gia quế" Triệu Quý Tài hiện sở hữu gần 6ha quế, trong đó, số cây trên 20 năm tuổi có thể tính tới hàng nghìn.

Cũng theo ông Bàn Thừa An, cây quế phát triển tốt tại Văn Yên do phù hợp với loại đất và sinh trưởng ở địa hình cao. Người dân Văn Yên gắn bó với rừng quế từ bao đời nay như kiểu cha truyền con nối, trồng một lần và cho thu hoạch cả chục năm sau. Hiện nay, Văn Yên là nơi có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước với khoảng 23.000ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao như Viễn Sơn, Phong Dụ Hạ, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm... Điều đáng quý là người dân Văn Yên không chỉ coi những cánh rừng quế là "báu vật", là "cây vàng, cây bạc" đơn thuần về mặt kinh tế, mà còn coi nó như là "di sản". Nhờ quế mà vùng đất Văn Yên vang danh khắp cả nước và du khách từ khắp mọi nơi đến với Văn Yên ngày càng nhiều hơn.

Ấm no từ đời này sang đời khác

Nhà ông Bàn Tài Chu ở bản Đồng Lụa, xã Viễn Sơn có hơn 25ha cây quế, trong đó có đến phân nửa là những cây mươi, mười lăm tuổi. Từ nhà ông Chu ở trong bản vào đến đồi quế của gia đình phải đi bộ mất gần một cây số đường đồi. "Rừng quế nhà tôi còn gần chán. Ở Viễn Sơn này cũng như ở bên Đại Sơn, Phong Dụ Hạ, Tân Hợp, Châu Quế Hạ... nhiều nhà trồng quế rất xa, đi bộ cả ngày dốc mới đến nơi..." - ông Chu vừa nói chuyện rổn rảng với chúng tôi trên đường đến thăm đồi quế của gia đình.

Theo ông Chu, quế có thể khai thác quanh năm, nhưng mùa thu hoạch quế "chuẩn" nhất vẫn là vụ tháng Ba và vụ tháng Tám hằng năm. Nói là "chuẩn" vì trong thời gian 2 tháng này, những khoáng chất đã đủ kết tụ trong từng thớ gỗ trong thân cây khiến vỏ quế có nhiều tinh dầu và chất lượng tốt nhất. Ông Chu nhẩm tính: "Với giá hiện nay vào khoảng 40 nghìn đồng/kg vỏ quế khô, tính sơ sơ, mỗi ha quế bình quân cho doanh thu cỡ 350-400 triệu đồng. Đấy là chưa kể đến những nguồn thu từ tất tần tật cái gì cũng có từ cây quế; chẳng hạn như gỗ dùng trong xây dựng hay chế tác đồ thủ công mĩ nghệ hiện có giá khoảng 1-3 triệu đồng mỗi khối, tùy độ tuổi và chất lượng. Ngay cả cành, lá quế cũng được bán để chiết tinh dầu với giá 2 nghìn đồng/kg. Nhìn vào đó là đủ biết vì sao bây giờ, từ việc lớn đến việc nhỏ trong nhà, người dân vùng Văn Yên đều có thể ung dung trích từ nguồn thu do quế mang lại để sắm sửa, chi tiêu...".

Tạm biệt ông Bàn Tài Chu, chúng tôi ngược về bản Khe Lợ, xã Viễn Sơn để gặp ông Lý Văn Hín như đã hẹn qua điện thoại. Qua trò chuyện, ông Hín cho biết, ngay ở những khu vườn quanh bản ông cũng có rất nhiều vườn quế cổ thụ. Chỉ về hướng một ngôi nhà hoành tráng đang được xây dựng theo kiểu biệt thự, ông Hín vui vẻ chia sẻ: "Ở Khe Lợ, rất nhiều nhà nhờ trồng quế mà tích góp xây dựng được nhà cao, cửa rộng, cuộc sống gia đình có thể yên tâm là sẽ ấm no từ đời này sang đời khác. Riêng nhà tôi, do mấy năm nay quế được giá, vụ quế mới đây, chỉ cần bóc một cây quế đã thu được 50 triệu đồng. Nói thế để thấy không phải nơi nào cũng may mắn có những rừng quế như Viễn Sơn. Và việc người Dao, người Tày ở Viễn Sơn coi quế như di sản của trời đất cũng không có gì là lạ.

Sơ chế quế phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Đặng Đình Lâm

Những con số "có hậu"

"Hơn 20 năm nay, tôi đã thu mua quế tại xã Viễn Sơn. Sản phẩm quế vỏ của bà con Viễn Sơn nói riêng, huyện Văn Yên nói chung rất nổi tiếng vì chất lượng tốt, cho nhiều tình dầu và có mùi thơm hơn ở các vùng trồng quế khác" - chị Lê Thị Mai, một tiểu thương ở thị trấn Văn Yên chia sẻ với chúng tôi. Chị Mai cũng cho hay, chưa có một thống kê chính xác về số lượng những cây quế nhiều tuổi ở huyện Văn Yên, nhưng nếu chỉ tính riêng ở Viễn Sơn thì đã đủ để những người trồng quế trên toàn quốc ngưỡng mộ. Còn nói như anh Bàn Phúc Hín, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn thì quế quả là một loại cây lưỡng dụng, vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, vừa giúp người dân có thu nhập ổn định, nhờ mỗi năm cả xã thu về hơn 400 tấn quế vỏ khô từ "kho vàng xanh" là 15 nghìn héc ta quế nằm rải rác ở khắp các bản.

Rời Viễn Sơn trong ánh chiều nhập nhoạng, chúng tôi ngoái lại thấy ngút ngàn xanh thẳm là những đồi quế. Ở đó, có những nông dân chân đất lao động cần cù bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Họ đã góp phần tạo nên một sắc diện rất riêng cho vùng quế Văn Yên lớn nhất nhì cả nước với năng suất lên đến 7.000 tấn quế vỏ khô, 300 tấn tinh dầu quế với tổng trị giá khoảng 400 tỷ đồng. Với những gì người Văn Yên nói chung, xã Viễn Sơn nói riêng đang có từ cây quế, chúng tôi tin tưởng rằng, vùng "thánh địa quế" này đang biến mình thành mảnh đất đầy sức sống mà thoạt nghe ai cũng muốn đến. Nhất là khi các tua du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác gắn liền với các món ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây như thịt chua, gà đen, lợn cắp nách cùng xôi ngũ sắc...

Đặng Đình Lâm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vang-xanh-xu-nui-van-yen/