Vang vọng hào khí Thăng Long

Giữa những ngày Thu tháng 10 tuyệt đẹp, Thăng Long - Hà Nội bước sang 1010 năm tuổi, ngoảnh nhìn lại thấy rõ sự chuyển mình mạnh mẽ của diện mạo đô thị, với tâm thế và dáng vóc mới.

Chuyển biến rõ nét

Hà Nội đang đổi thay theo hướng hiện đại, từ các công trình, quy mô dân số, diện tích đến những sắc thái đô thị. Đặc biệt sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016 - 2020", nền kinh tế Thủ đô đã chuyển biến rõ nét; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể.

 Hà Nội đang đổi thay theo hướng hiện đại và văn minh

Hà Nội đang đổi thay theo hướng hiện đại và văn minh

Cụ thể sau 5 năm (2016 - 2020), 12 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản hoàn thành, 1 chỉ tiêu thành phần đã đạt mục tiêu đề ra trong năm 2018 (sớm 2 năm so với kế hoạch) đó là: Số lượng khách du lịch hàng năm (Kế hoạch năm 2020 đạt 18 triệu lượt, trong đó 4,1 - 4,7 triệu lượt khách quốc tế, nhưng năm 2018 đã đạt 26,3 triệu lượt khách, trong đó 6 triệu lượt khách quốc tế; năm 2019 đạt 28,94 triệu lượt, trong đó 7,03 triệu lượt khách quốc tế). 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và năng suất lao động xã hội tăng bình quân. Bên cạnh đó, 8 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành kế hoạch đề ra.

Cũng trong 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục có sự tăng trưởng khá, qua đó đóng góp tích cực trong tăng trưởng kinh tế cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), bình quân 4 năm 2016 - 2019 tăng 7,36%, cao hơn trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%) và cùng kỳ cả nước (6,72%); quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng; GRDP bình quân đầu người 119,65 triệu đồng, tương đương 5.160 USD.

Tính chung 5 năm (2016 - 2020), GRDP ước tăng 7,39%; GRDP/người đạt 127,6 triệu đồng, tương đương 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Đặc biệt, khu vực kinh tế ngoài nhà nước có đóng góp lớn nhất trong GRDP (từ 37,50% năm 2015 lên 39,2% năm 2019).

Hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng

Không chỉ về kinh tế, Hà Nội còn phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật như: The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, Royal City, Times City… Bởi thế, khi nhắc đến sự đổi thay của Hà Nội, Tiến sỹ, kiến trúc sư Jan Gehl - tác giả cuốn sách "Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc" - đã phải thốt lên: "Diện mạo Hà Nội vụt sáng dậy theo cả chiều rộng lẫn chiều cao".

Quả nhiên 5 năm qua, Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả việc thu hút đầu tư nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở mới. Đến nay, trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công tác ngầm hóa hệ thống cáp điện, thông tin liên lạc kết hợp trồng cây xanh, chỉnh trang hè phố được thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, bộ mặt đô thị ngày càng sạch, đẹp, văn minh.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan thì Hà Nội vẫn còn không ít tồn tại, như tiến độ hoàn thành quy hoạch đô thị, công trình trọng điểm giao thông chậm; vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng còn phổ biến…; đáng lo ngại là việc đang mất dần các không gian mặt nước của Thủ đô. Những tác hại của việc san lấp, lấn chiếm đầm, hồ...

Để khắc phục hạn chế đang tồn tại, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, quản lý đô thị; lập quy hoạch phát triển Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, thành phố sẽ triển khai xây dựng các khu đô thị mới theo hướng đô thị xanh, thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công; tiếp tục đẩy mạnh các dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp; thực hiện có hiệu quả các chủ trương về cải tạo, xây dựng mới khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, tái thiết thành các khu đô thị văn minh hiện đại...

Cùng với cả nước, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, với quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao gấp 1,3 lần bình quân chung của cả nước.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vang-vong-hao-khi-thang-long-145777.html