Vàng từ… đất công phải trả về ngân sách

Việc chấm dứt sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định là một nhiệm vụ khó.

Hẳn đã có những cái nhướn mày và những nụ cười nhẹ. Việc Bộ Xây dựng buộc phải đăng đàn để… đòi công sản quả là chưa có tiền lệ. Có lẽ, đối với Bộ này, đó cũng là việc cực chẳng đã. Cùng phận công bộc, chẳng hay ho gì cái chuyện vạch áo cho người xem lưng. Thế nhưng, Bộ Xây dựng đã lên tiếng nhiều lần mà không nhận được phản hồi tích cực.

Lẽ dĩ nhiên, nhiều mũi dùi phê phán, chê trách vội hướng vào những nhân vật mới trong vở kịch “quên” trả nhà công vụ. Bản tính vô lo đã khiến nhiều người vội quên hành trình nhiều năm trời đòi lại căn nhà số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, vốn được một vị cựu lãnh đạo địa phương này thuê chưa đúng quy định.

Chuyện chây ì trả nhà công vụ không phải là hiện tượng cá biệt và đã từng có những hành vi dai dẳng và gây bức xúc hơn. Nếu vậy, có vẻ như không hẳn vì áp lực của dư luận, truyền thông, mà 12 vị cựu lãnh đạo đã đẩy nhanh tốc độ liên lạc với các cán bộ ngành xây dựng, thông báo về chuyện trả nhà công vụ.

Khu đất vàng đang bị kiến nghị thu hồi từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh Vietnambiz

Khu đất vàng đang bị kiến nghị thu hồi từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh Vietnambiz

Trả lời truyền thông về lùm xùm này, một vị cựu quan chức thành thật, bà đã nghe phong thanh về chủ trương hóa giá nhà công vụ, vì thế mới có ý chờ đợi. Lời giải thích khó lọt tai dư luận này có thể lại rất thật lòng. Khi đã chia tay với những quyền lợi vô hình và hữu hình thời đương chức, nếu đặt hi vọng vào một chính sách ưu đãi về nhà ở, âu cũng là lẽ rất thường tình.

Vấn đề nằm ở chỗ, khi phán quyết được Bộ Xây dựng tuyên bố chắc nịch trước bàn dân thiên hạ, ai cũng buộc phải hiểu sẽ không thể có một sự du di, ưu ái hay vượt rào quy định nào. Phản ứng hợp lý và khôn ngoan sẽ là trả lại nhà, thậm chí trả càng nhanh càng tốt. Đó là điều mà cả 12 vị cựu quan chức đang làm. Chiếc chìa khóa của việc thu hồi nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định xuất hiện.

Ở đây, có lẽ không cần phải đợi chờ tới tính huống ‘bất đắc dĩ’ để buộc phải nêu danh những đồng nghiệp cũ. Nhiều ngày nay, biện pháp này đã được nhiều người hưởng ứng, như một cách đánh vào lòng tự trọng, để những người đang còn chần chừ, lưu luyến căn nhà không thuộc về mình phải biết xấu hổ mà rút lui. Chỉ có điều, đâu đó vẫn có hiện tượng ‘mặt dày’, đến mức đeo vàng, đi xe sang vẫn tranh thủ xách vài gói quà từ thiện. Mà suy cho cùng, khi đồng tiền đang dần được coi như tiêu chuẩn của sự thành công, thì ngượng mặt chỉ là chuyện nhỏ.

Giải pháp căn cơ nhất chính là các cơ quan quản lý nhà nước phải xác quyết tinh thần không phá lệ, không ưu tiên bất cứ một trường hợp nào thuộc diện phải trả nhà công vụ, với bất kỳ lý do hay áp lực nào. Không thể để tồn tại những suy nghĩ đợi chờ ‘dễ người dễ ta’, mong nhận được món quà hậu hĩ cuối cùng trong nghiệp ‘quan trường’. Chúng ta đã có mục tiêu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng sai quy định, và để đạt được kết quả này, chắc chắn cần thêm nữa những hành xử thể hiện đủ quyết tâm, công bằng và nghiêm minh.

Trong hai mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong năm 2020, việc chấm dứt sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định xem ra khó hoàn thành hơn.

Thứ nhất, đây là vấn nạn chung đã diễn ra trong một thời gian rất dài, xảy ra ở tất cả các cấp quản lý từ địa phương lên tới các bộ ngành. Còn nhớ, trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản lên Quốc hội giữa năm 2019, hàng loạt bộ ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số đơn vị trực thuộc, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đều bị điểm danh sai phạm trong liên doanh, liên kết, cho thuê, mượn đất không đúng quy định tại Báo cáo Kiểm toán Nhà nước về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản.

Thậm chí, đến Bộ Xây dựng, đơn vị đang được ủng hộ vì kiên quyết đòi lại nhà công vụ CT1 – CT2 Yên Hòa, cũng nằm trong dánh sách ‘đen’ vì đã sử dụng tài sản là nhà đất để cho thuê (Viện Vật liệu xây dựng), liên danh liên kết (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia) không đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Lỗi lầm không chỉ riêng ai.

Thứ hai, các sai phạm đều liên quan tới những người đương chức, đối tượng được giao trọng trách quản lý tài sản nhà nước nhưng lại chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình. Một mặt, bàn tay còn nhiều quyền lực của họ khiến cho vi phạm trở nên có hệ thống và khó phát hiện hơn. Mặt khác, trừ một số vụ việc nổi cộm ở Đà Nẵng, TP.HCM đã và đang được xử lý nghiêm minh, các biện pháp xử lý kỷ luật liên quan tới việc liên kết cho thuê mượn, sử dụng đất công vì mục đích kinh doanh vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của dư luận.

Quả thật, người dân đã hởi lòng hởi dạ khi mới đây Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thu hồi hai lô đất vàng ở số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cảm xúc tương tự cũng đến khi những tranh cãi, kiện tụng dai dẳng liên quan đất vàng Hãng phim Truyện I ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội kết thúc bằng một chỉ đạo doanh nghiệp phải trả lại mảnh đất này cho hãng phim. Thế nhưng, trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Nếu vẫn còn những biểu hiện thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm, sẽ vẫn còn nhiều người muốn liều mình làm sai.

Thứ ba, dù ghi nhận sự chênh lệch rất lớn giữa giá trị đất đai theo khung giá nhà nước và giá trị thực trên thị trường, chúng ta lại còn chấp nhận những biện pháp liên doanh, liên kết phi thị trường, không thông qua đấu giá công khai. Xem ra, đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho sai phạm trong liên doanh, liên kết, sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh có nhiều cơ hội để tồn tại.

May thay, nhân diện ra vướng mắc cũng đồng thời giúp tìm ra con đường để hóa giải. Đã có nhiều đề xuất sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 được bàn thảo, trong đó có các nội dung về đấu thầu dự án có sử dụng đất, điều chỉnh quy định Nhà nước giao đất cho thực hiện dự án BT, cập nhật vấn đề khung giá đất và bảng giá đất sát với thị trường, quy định công khai thông tin về Nhà nước giao đất cho thuê đất hay giá đất... Đây có thể coi là cách sửa tân gốc những bất cập trong việc sử dụng đất đai ở Việt Nam hiện nay, có tác động trực tiếp tới việc quản lý tài sản công.

Trong khi chờ đợi giải pháp toàn diện, việc minh bạch thông tin liên quan tới các dự án liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công vì mục đích kinh doanh, tổ chức đấu thầu công khai… sẽ là cách để hạn chế bớt những nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc này sẽ vấp phải sự phản đối của những người vốn được hưởng lợi từ tình trạng mập mờ hiện tại, thế nhưng trở ngại này hoàn toàn có thể vượt qua.

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/vang-tu-dat-cong-phai-tra-ve-ngan-sach-3401577/