'Vàng trắng' tan theo bão, dân nghèo khóc ròng

Hàng chục năm trời bỏ tiền cùng mồ hôi vun xới cho cây 'vàng trắng' hy vọng đổi đời. Chỉ sau một trận bão dữ, bà con xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) đã trắng tay.

Cây cao su ngả đổ la liệt ở khu vực Khe Ma, xã Phong Mỹ.

Cây cao su ngả đổ la liệt ở khu vực Khe Ma, xã Phong Mỹ.

Rừng tan hoang, nợ nần ập đến

Đứng nhìn rừng cao su rộng hơn 3 ha bị gãy đổ, ánh mắt lão nông Đồng Hữu Sang trú ở thôn Hiền Hòa, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) đượm buồn. Bão tan, người dân trồng cao su ở Phong Mỹ ai cũng khóc như đưa đám.

“Chú xem đó, mủ cây cao su được người dân Phong Mỹ xem là “vàng trắng”. Nhìn từng cây cao su đang vào vụ thu hoạch bỗng chốc ngã gãy, rồi ứa ra từng giọt mủ tiếc đứt ruột. Nhiều gia đình ở đây từ nghèo khó đã vươn lên khá giả nhờ vào cây cao su. Giờ rừng cây tan hoang, bà con nợ nần chồng chất”, ông Sang chua xót kể.

Sau khi trồng cao su hơn 8 năm, đến năm 2017, 3 ha cây cao su của gia đình ông Sang bắt đầu cho mủ. Hàng ngày từ 3 ha rừng này cho gia đình ông thu nhập 1 triệu đồng trong vòng 8 tháng/năm. Tổng thu nhập 1 năm của gia đình ông khoảng gần 300 triệu đồng.

Với số tiền đó ông Sang có thể nuôi sống cả gia đình, trả nợ ngân hàng và cho con ăn học đàng hoàng. Thế nhưng cơn bão số 5 đã làm gãy đổ phần lớn cây cao su ở các khoảnh rừng khiến gia đình ông Sang rơi vào cảnh trắng tay.

Tại khoảnh rừng cao su của ông Sang, hàng trăm thân cây cao su có đường kính gốc 50 đến 60cm bị gãy đổ ngang thân nằm la liệt. Xót của, xót công, sau khi cơn bão số 5 đi qua, gia đình ông Sang cùng nhau vào rừng cao su đốn hạ những thân cây to bị ngã đổ để chờ thương lái đến thu mua làm gỗ tạp.

“Đổ cả vốn liếng, gia tài trồng cao su với mong ước thoát nghèo, nhưng giờ gặp bão mọi thứ tan tành hết. Cao su gãy đổ nằm la liệt có khi bán củi cũng không ai hỏi chú ơi”, ông Sang nói chua chát.

Ông Hồ Đức Lợi (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) cho biết: “Tôi đã trồng được 2.400 cây cao su. Tuy nhiên, cơn bão số 5 đã làm gãy đổ 75% diện tích cao su, gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình. Mong chính quyền quan tâm, hỗ trợ để sớm khôi phục lại diện tích cây cao su, ổn định sinh kế”.

Cách khu vực trồng cao su của ông Sang không xa là khu rừng trồng cao su của bà con thôn Hiền Hòa nằm ở gần khu vực dốc Khe Mạ. 10 năm trước, khu rừng cao su có diện tích gần 100 ha này được xem là mô hình “thoát nghèo bền vừng”.

Nó cũng là lá cờ đầu của phong trào trồng cây công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ấy vậy mà trong hơn 40 phút bão số 5 ập đến, miền đất hứa của những cư dân từ miệt phá Tam Giang lên núi rừng Phong Mỹ làm nơi lập nghiệp đã tan tành. Từ những gia đình vốn sở hữu bạc tỷ với những cánh rừng cao su xanh bạt ngàn đang đến thời kỳ thu hoạch, bà con nơi đây lại trở thành những “con nợ” của ngân hàng.

Loay hoay thu dọn vườn cây cao su bị gãy nát ở khu vực Khe Mạ, bà Nguyễn Thị Vui (đội 4 thôn Hiền Hòa xã Phong Mỹ) ánh mắt đỏ hoe. “Con biết không cả nhà O (cô) trồng 4 ha cao su, dự định thu hoạch xong sẽ trả nợ hơn 200 triệu ở ngân hàng. 3 đứa con đang học đại học ở xa cũng trông chờ vào rừng cao su này đây, giờ thì mất sạch rồi. Trước mắt O không biết lấy tiền mô (đâu) ra để trả lãi cho ngân hàng nữa”, bà Vui than thở.

Ông Nguyễn Chánh Thành, Trưởng thôn Huỳnh Trúc xã Phong Mỹ cho biết, có 90 hộ dân sống dựa chủ yếu vào cây cao su với diện tích 91ha (85ha đã cho thu hoạch). Bão số 5 đã tàn phá 60 - 70% diện tích cao su hiện có, khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh nợ nần.

“Chúng tôi mong muốn tỉnh, huyện hỗ trợ người dân tận thu gỗ cây cao su để giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời có chính sách ưu đãi với người trồng cao su như: Khoanh nợ, giải ngân vốn để trồng mới hoặc chuyển đổi qua cây trồng khác”, ông Thành trao đổi.

Sau bão số 5, người dân Phong Mỹ đổ nợ vì vàng trắng.

Đỏ mắt chờ ngân hàng khoanh nợ

Những địa phương từng được ví là “thủ phủ” cao su của tỉnh Thừa Thiên – Huế như xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền thì nay đang rơi vào cảnh hết sức bi đát. Để đầu tư trồng lại cây cao su, họ phải bỏ thêm nhiều thời gian để trồng mới, chăm sóc. Hẳn đây sẽ là quyết định khiến không ít bà con phân vân.

Còn nhớ tại cuộc hội thảo “Phát triển cây cao su ở Bắc Trung Bộ” được tổ chức tại Quảng Trị cách đây hơn 2 năm trước, tại hội thảo này các chuyên gia về nông nghiệp đã tập trung thảo luận có nên trồng cao su tại khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai như miền Trung hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, cây cao su đã mang đến nhiều cái lợi trong việc đưa bà con nông dân thoát nghèo. Chính vì vậy, nên tiếp tục phát triển loại cây này.

Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, trồng cây cao su ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên - Huế; Quảng Bình, Quảng Trị… là một sự mạo hiểm.

Bởi cây cao su không thích ứng được với môi trường khí hậu khắc nghiệt, không chịu được sức gió, bão… quá cấp 7, cấp 8. Tuy vậy, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa thể nghiên cứu được nên trồng loại cây gì để vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa thích nghi được với thiên tai.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, toàn huyện có 1.700ha cây cao su. Trong đó, có hơn 1.000ha diện tích cây bị gãy đổ sau bão số 5, nặng nhất là xã Phong Mỹ cây cao su với diện tích thiệt hại lên đến 700ha.

Hiện, huyện đang chỉ đạo các xã khắc phục những thiệt hại trước mắt như: Sửa chữa lại các cơ sở dạy học, khám chữa bệnh và nhà dân... “Sau khi khắc phục xong sẽ yêu cầu các xã, thị trấn thống kê thiệt hại chi tiết về cây trồng, căn cứ chủ trương, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ người dân có cuộc sống ổn định sau bão”, ông Bình cho biết.

Qua thị sát, nắm bắt tình hình cây cao su gãy đổ do bão số 5, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu chính quyền địa phương các cấp tiến hành nghiên cứu các phương án hỗ trợ, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, thu hoạch diện tích cây cao su bị gãy đổ để giải quyết những khó khăn trước mắt cho người dân.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/vang-trang-tan-theo-bao-dan-ngheo-khoc-rong-EBhQDGKGR.html