'Vàng tặc' lộng hành ở Bồng Miêu (Kỳ cuối: Hệ lụy kéo dài)

Mới đây, ngày 5-3, Tổng cục Địa chất và khoáng sản (thuộc Bộ TN&MT) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Tại buổi làm việc, các ngành chức năng cho rằng, để thực hiện đề án đóng cửa mỏ phải tốn kinh phí gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án khai thác vàng đã 'cao chạy xa bay' sau khi lấy đi hơn 7 tấn vàng và để lại muôn vàn hệ lụy.

Mới đây, ngày 5-3, Tổng cục Địa chất và khoáng sản (thuộc Bộ TN&MT) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Tại buổi làm việc, các ngành chức năng cho rằng, để thực hiện đề án đóng cửa mỏ phải tốn kinh phí gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án khai thác vàng đã "cao chạy xa bay" sau khi lấy đi hơn 7 tấn vàng và để lại muôn vàn hệ lụy.

Hóa chất "vàng tặc" để chảy tràn ra môi trường xung quanh mỏ vàng Bồng Miêu.

Hóa chất "vàng tặc" để chảy tràn ra môi trường xung quanh mỏ vàng Bồng Miêu.

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, Cty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu được Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương) cấp giấy phép khai thác khoáng sản vàng gốc tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, thời hạn giấy phép đến ngày 5-3-2016. Trong quá trình hoạt động, Cty cũng thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường một phần diện tích đã khai thác. Tuy nhiên, quá thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản mà Cty vẫn chưa thực hiện hoàn chỉnh việc cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ theo quy định mà để cho các cá nhân khác vào khai thác khoáng sản trái phép. Trước tình hình đó, Bộ TN&MT đã nhiều lần yêu cầu, đôn đốc Cty lập hồ sơ đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu trình Bộ xem xét thẩm định, phê duyệt và hạn cuối cùng thực hiện là hết tháng 6-2017. Tuy nhiên đã hết thời hạn nhưng Cty vẫn không thực hiện theo yêu cầu nên Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Địa chất khoáng sản Việt Nam kiểm tra thực tế, triển khai việc lập đề án đóng cửa mỏ vàng. Đến tháng 12-2018, Bộ TN&MT gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam có ý kiến đối với đề án đóng cửa mỏ sau khi đơn vị tư vấn đã chỉnh sửa, đồng thời đề nghị tỉnh bổ sung dự toán chi ngân sách năm 2019, trình HĐND cùng cấp thông qua làm cơ sở bổ sung kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ.

Mỏ vàng Bồng Miêu tan hoang nhìn từ trên cao.

Về kinh phí đóng cửa mỏ, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ TN&MT bố trí ngân sách để đảm bảo thực hiện đề án vì đây là đề án do Bộ làm chủ đầu tư. Do đó, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ TN&MT khẩn trương phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu và chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy nhanh đẩy tiến độ thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường tại mỏ vàng. Ông Lê Trí Thanh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, địa phương đã đề nghị Bộ TN&MT bố trí ngân sách để đảm bảo thực hiện đề án đóng cửa mỏ vì đây là đề án do Bộ làm chủ đầu tư. "Hiện đang thiếu khoảng 13 tỷ đồng để thực hiện đề án vì trước đó Cty ký quỹ phục hồi, cải tạo môi trường chỉ 6,4 tỷ đồng, trong khi kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ cần hơn 19 tỷ đồng. Sau cuộc họp này, phía Bộ TN&MT sẽ báo cáo với Chính phủ để bố trí kinh phí thực hiện đề án, sau đó Bộ TN&MT mới phê duyệt đề án đóng cửa mỏ"- ông Thanh thông tin.

Về việc đóng cửa mỏ phải dùng kinh phí của nhà nước để chi trả, nhiều người cho rằng Cty vàng Bồng Miêu là doanh nghiệp nước ngoài, dự án này không có vốn ngân sách nhà nước đầu tư thì tại sao lại lấy vốn ngân sách ra để xử lý hệ quả của môi trường? Liên quan đến hoạt động của Cty vàng Bồng Miêu, ngày 28-11-2018, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở hội nghị chủ nợ đối với Cty. Tại hội nghị, người dân bức xúc trước việc Cty mỗi năm khai thác hàng tấn vàng nhưng để nợ lên đến hơn 1.260 tỷ đồng, trong đó nợ thuế nhà nước hơn 116 tỷ đồng. Như vậy, trong câu chuyện này, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, quản lý, thu hồi nợ thuộc về tổ chức, cá nhân nào?

Khu vực bãi thải của Cty Vàng Bồng Miêu chưa được xử lý môi trường sau khi dừng hoạt động.

Còn theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, đến nay số tiền nợ của Cty Bồng Miêu coi như mất trắng. Bên cạnh đó, hơn 100 chủ nợ là các doanh nghiệp với số tiền hơn 800 tỷ đồng cũng khó đòi được. Trong khi đó, kết quả kiểm kê cho thấy tài sản tại Cty có giá trị chỉ hơn 34,8 tỷ đồng. Điều đáng nói, tài sản này gắn liền trên đất tại mỏ vàng Bồng Miêu nên chỉ có giá trị khi tiếp tục phục vụ khai thác vàng, còn nếu thanh lý thì giá trị rất thấp. Trong khi đó, ông Nguyễn Đạo, Phó Chủ tịch UBND H. Phú Ninh cho rằng, nếu có kinh phí thì việc hoàn thổ, đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đã được thực hiện từ năm 2016 sau khi Cty hết hạn giấy phép khai thác. Tuy nhiên, việc kéo dài hơn 3 năm qua đã để lại những hậu quả vô vùng nặng nề, những cánh rừng lớn bị đào xới tan hoang; hầm, hố bị "vàng tặc" xâm hại có thể sập bất cứ lúc nào. Tình trạng khai thác vàng trái phép cũng khiến những dòng sông, dòng suối bị đầu độc trong khi chính quyền không thể nào truy quét hết được.

BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_203515_-vang-tac-long-hanh-o-bong-mieu-ky-cuoi-he-luy-.aspx