'Vàng' Olympic ước mơ thành bác sĩ

Từ nhiều năm nay, chủ nhân của những tấm huy chương Olympic quốc tế Hóa học và Sinh học đều chọn Đại học Y Hà Nội là nơi học tập, nghiên cứu, để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh, cứu người.

Nguyễn Đình Hoàng và cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Hải Linh

Nguyễn Đình Hoàng và cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Hải Linh

Ba năm liền đoạt giải Nhất quốc gia

Nguyễn Đình Hoàng - học sinh (HS) đoạt Huy chương Bạc Olympic Hóa học quốc tế năm 2019 - đang học năm thứ nhất ngành Y đa khoa cho biết: Một lần đến thăm người thân tại bệnh viện, em nhận ra rằng sức khỏe là thứ quý giá nhất. Em muốn được trở thành một bác sĩ để được chữa bệnh cho mọi người. Vì thế, em đã cố gắng học thật giỏi môn Hóa học và Sinh học để có thể theo học tại Đại học Y.

Với Hoàng, môn Hóa học thực sự là niềm đam mê nên năm học lớp 9, em đã đoạt giải Nhất môn Hóa cấp tỉnh. Trước mọi kỳ thi, em đều không đặt ra cho bản thân mục tiêu có giải, bởi theo em cứ thoải mái tinh thần mà thi thì sẽ đạt được kết quả tốt. Từ khi biết đến môn học này, em đã xem nó như một người bạn đồng hành thân thiết. Những năm học cấp 3, Hoàng là HS xuất sắc, đạt được nhiều thành tích học tập nổi trội; HS đầu tiên mang về cho tỉnh Yên Bái chiếc Huy chương Vàng Olympic quốc tế, cùng với đó là 3 giải quốc gia liên tiếp trong 3 năm học, trong đó có 2 giải Nhất.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Hoàng cho biết, ngay từ khi bắt đầu tiếp xúc với Hóa học, em thường tự tìm hiểu các tài liệu nâng cao, chỗ nào chưa hiểu, em hỏi thầy cô. Càng tìm hiểu, em càng ham và thấy nó rất hay, chứ không hề biết rằng chính những kiến thức mình đã tìm hiểu ấy lại là một phần trong hành trang đi thi học sinh giỏi quốc gia. Nắm bắt được năng lực của Hoàng, cô Phạm Thị Hải Linh - giáo viên môn Hóa, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành đã lập hẳn một kế hoạch riêng, khơi gợi tiềm năng và dìu dắt Hoàng tham gia các cuộc thi.

Cô Linh chia sẻ: Hoàng nổi trội hơn hẳn so với các bạn. Thầy cô chỉ cần cho tài liệu là em có thể tự nghiên cứu, giải quyết những bài tập khó một cách rất đơn giản. Từ ngày tôi chủ nhiệm lớp đến giờ, đây là lần đầu tiên có một học sinh có khả năng tự học, tự nghiên cứu tốt như vậy. Yên Bái là một tỉnh miền núi nên việc HS tiếp cận với các phương thức, dụng cụ hiện đại, tiên tiến cũng như cơ hội thực hành môn Hóa học trong quá trình học tập khá khó khăn. Do đó, Hoàng đã được gửi xuống Hà Nội để theo học các thầy cô giỏi và tiếp cận nhiều hơn với các phòng thí nghiệm hiện đại. Có được cơ hội này, Hoàng đã không để lỡ.

Hoàng tâm sự, kiến thức về lý thuyết có thể tìm đọc trên sách vở và bây giờ khi Internet phát triển rộng rãi nên dễ dàng tìm hiểu hơn nhưng khả năng thực hành thì chỉ có cách phải rèn luyện. Được gửi đi ôn luyện ở Hà Nội, em đã cố gắng quan sát tỉ mỉ, cẩn thận hơn và lập ra một kế hoạch rõ ràng cho việc thực hành. Sau thành tích xuất sắc tại Olympic Hóa học quốc tế, Hoàng đã nộp hồ sơ theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội. Là sinh viên của trường đại học với bề dày lịch sử bậc nhất cả nước, Hoàng rất tự hào về điều này. Em mong được lĩnh hội đầy đủ kiến thức để sau này sẽ trở thành một bác sĩ giỏi.

Lập cú đúp Olympic Sinh học quốc tế

Hoàng Minh Trung - chủ nhân của 2 tấm huy chương Olympic Sinh học quốc tế

Cũng chọn Trường Đại học Y Hà Nội là điểm dừng để học tập, Hoàng Minh Trung - cựu HS Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) là chủ nhân Huy chương Vàng và Huy chương Bạc của Olympic Sinh học quốc tế trong 2 năm liên tiếp 2018 và 2019.

Ấn tượng đầu tiên về Hoàng Minh Trung là dáng người nhỏ nhắn, cặp kính cận dày 6 đi-ốp. Trong suốt 12 năm học phổ thông, Trung đã đạt được nhiều thành tích học tập xuất sắc như thủ khoa lớp 10 Trường THPT chuyên Lam Sơn, Huy chương Đồng kỳ thi Duyên hải Bắc Bộ, giải Nhì HS giỏi quốc gia; Huy chương Vàng tại Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2018 và Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2019.

Trong những năm học cấp 1 và cấp 2, Trung học đều các môn. Trong đó, môn Toán và Vật lý là những môn học em yêu thích nhất. Dự định của Trung là dự thi vào chuyên Toán. Trung chỉ “bén duyên” với môn Sinh học từ năm lớp 9 và quyết định thi vào chuyên Sinh của THPT chuyên Lam Sơn. Đây cũng là mong muốn của gia đình khi hướng em theo học ngành y.

Trung cho biết, ban đầu theo đuổi môn Sinh học em cũng chưa hứng thú lắm. Từ năm lớp 10, em cũng học Sinh học nhưng ngang bằng với các môn học khác. Bắt đầu từ năm lớp 11 em mới tập trung vào học môn Sinh. Trên lớp, em chú ý học đều tất cả các môn, về nhà dành thời gian nhiều cho môn Sinh học.

Chia sẻ về phương pháp học tập của mình, Trung cho biết: Em không đọc dàn trải mà những cái gì mình cần và chưa biết thì tìm tài liệu đọc. Về lý thuyết môn Sinh có nhiều phần, nên phải có kế hoạch thời gian để học từng phần, bao quát và giới hạn về kiến thức mà mình sẽ học. Việc sắp xếp thời gian cũng phải linh hoạt. Ngoài ra, nên dành thời gian chơi, giải trí, không học quá khuya.

Anh Hoàng Đạt Chiến, bố của Trung kể, ngay từ nhỏ Trung đã bộc lộ khả năng quan sát và ghi nhớ rất nhanh. Mọi việc đều do con tự xoay xở và tìm tòi. Bố mẹ cũng chỉ biết tạo thời gian cho con học chứ không biết giúp gì. Với lực học và tính tự giác của Trung khiến bố mẹ hoàn toàn yên tâm. Trung đam mê nghiên cứu về y học nên gia đình mong muốn sau con có thể trở thành bác sĩ.

Nói về lý do lựa chọn Trường Đại học Y Hà Nội là nơi học tập, Trung cho biết đây là ngôi trường có truyền thống lâu đời với nhiều thầy cô giỏi. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành bác sĩ giỏi. Là sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội em thấy tự hào được khoác lên mình màu áo trắng cao quý, để trang bị cho mình một cái nghề hết sức đặc biệt, đó là chữa bệnh cứu người.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/vang-olympic-uoc-mo-thanh-bac-si-4068114-b.html