Vắng Nga, G7 mất tính hợp pháp?

G7 đã lỗi thời vì không còn 'thống trị' về kinh tế và không thể giải quyết các thách thức toàn cầu mà không hợp tác với các nước ngoài nhóm.

G7 đã lỗi thời?

Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Jim O’Neill có bài viết trên báo chí Anh, trong đó bày tỏ sự “đồng cảm” với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7 vừa diễn ra tại Quebec, Canada hồi tuần trước.

Cựu quan chức Anh này nói thẳng ông nghi ngờ cuộc gặp thường niên giữa lãnh đạo các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ có thể đáp ứng được bất cứ mục tiêu hữu hiệu nào.

Theo ông, ngay từ năm 2001, sự ra đời của BRIC đã báo hiệu tầm quan trọng về kinh tế ngày càng lớn của các nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc và điều này rốt cuộc sẽ đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể của trật tự kinh tế toàn cầu. Theo ông, các thực thể quản trị toàn cầu cần phải có sự hiện diện của ít nhất là Trung Quốc, nếu không phải là tất cả các nước còn lại của BRIC.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Canada Justin Trudaeu

Không có nhiều lý do để Pháp, Đức và Italy có thể đại diện với tư cách cá nhân riêng lẻ bởi họ có một đồng tiền chung, một chính sách tiền tệ và một bộ khung chung cho chính sách tài chính (ít nhất là về mặt nguyên tắc).

Jim O’Neill đặc biệt bày tỏ hoài nghi về vai trò của Canada và Anh trong G7 khi đặt câu hỏi hai nước này có nên tiếp tục đứng trong hàng ngũ các nền kinh tế quan trọng nhất thế giới hay không.

Theo ông, đã 17 năm trôi qua và G7 vẫn tiếp tục không đáp ứng được nhiều mục tiêu. Nhóm này vẫn bao gồm 7 nước phương Tây có các nền kinh tế lớn nhất, song không hẳn như vậy. Nền kinh tế Canada không lớn hơn Australia là mấy và kinh tế Italy cũng chỉ nhỉnh hơn Tây Ban Nha một chút.

G7 hiện đã là một sản phẩm của kỷ nguyên cũ. Trong những năm 1970, khi nhóm G5 có thêm Canada và Italy, nhóm mới này đã thực sự thống trị kinh tế thế giới. Kinh tế Nhật Bản khi đó bùng nổ và nhiều người kỳ vọng nó có thể theo kịp Mỹ; Italy cũng phát triển rất mạnh và chẳng ai nghĩ tới Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc được dự báo sẽ vượt qua toàn bộ khu vực đồng euro. Và với tỷ lệ tăng trưởng hiện nay của mình, Trung Quốc sẽ thiết lập hiệu quả một nền kinh tế mới có quy mô bằng Italy chỉ trong chưa đầy hai năm.

GDP của Ấn Độ hiện cũng đã lớn hơn Italy và một Brazil đang bị khủng hoảng cũng không bị bỏ quá xa.

Các nước G7 không chung "chí hướng" và không thể đại diện cho cả thế giới

Tính “hợp pháp” toàn cầu duy nhất mà G7 tự khẳng định là họ đại diện cho một số nền dân chủ lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ 85% tăng trưởng GDP thế giới (tính theo USD) kể từ năm 2010 lại xuất phát từ Mỹ và Trung Quốc và riêng Trung Quốc đã chiếm gần 50%; 6% đến từ Ấn Độ, trong khi giá trị đồng tiền của các nền kinh tế Nhật Bản và EU thậm chí còn suy giảm.

Xuất phát từ những căn cứ trên, cựu quan chức Anh cho rằng G7 sẽ trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều nếu như Canada, Pháp, Đức và Italy được thay thế bằng Trung Quốc, Ấn Độ và chỉ một đại diện duy nhất của khu vực đồng euro.

Tuy nhiên hiện đã có sẵn một thực thể bao gồm cả các nước G7 lẫn BRIC, đó là nhóm G20 thành lập vào năm 1999. Kể từ sau hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên vào năm 2008, G20 đã đáp ứng được một mục tiêu rõ ràng với tư cách một diễn đàn của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Một thực thể nhỏ hơn nếu muốn được thừa nhận, thì nó phải có tính hợp pháp ngang bằng với G20, và việc bao gồm các thành viên có nền kinh tế lớn nhất vào những năm 1970 hiện không còn là điều kiện đủ nữa.

Đồng minh trở mặt

Theo Jim O’Neill, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây khó chịu khi đề xuất G7 nên có sự trở lại của Nga. Khả năng của G7 được cho là hạn chế bởi vì từ chủ nghĩa khủng bố cho tới sự phổ biến hạt nhân, biến đổi khí hậu, chẳng có vấn đề nào có thể được giải quyết mà không có sự can thiệp của các nước ngoài nhóm G7.

Dù truyền thông phương Tây mô tả ông Trump là "cừu đen" của hội nghị, thì Italy giờ cũng là một chính phủ ủng hộ việc xích lại gần Nga. Diễn biến hội nghị G7 vừa qua đã củng cố suy nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách phương Tây không có khả năng kiểm soát được những vấn đề cấp bách nhất thế giới.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vang-nga-g7-mat-tinh-hop-phap-3360004/