'Vàng đen' thất thế: Ngoạn mục cách nông dân xoay chuyển tình thế

Cách làm sáng tạo, đầy kinh nghiệm của nhiều nông dân Bình Phước đã khiến họ hoàn toàn chủ động xoay chuyển tình thế, bất chấp giá hồ tiêu lao vực…

Thấy rủi giữa thời huy hoàng của “vàng đen”

Huyện biên giới Bù Đốp từng được xem là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước với diện tích trên 4.300 ha. Thế nhưng, những năm gần đây, cây hồ tiêu bị chết nhiều do dịch bệnh, giá cả lại bấp bênh khiến nhiều nông dân điêu đứng.

Vậy nhưng, cũng có nhiều nông dân nhờ ứng biến linh hoạt, sử dụng kinh nghiệm "xương máu" của mình trong suốt quá trình lăn lộn với nghề nông đã tạo ra nhiều kết quả bất ngờ.

 Toàn bộ quy trình kỹ thuật canh tác đều được ông Nam áp dụng theo hướng hữu cơ bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Toàn bộ quy trình kỹ thuật canh tác đều được ông Nam áp dụng theo hướng hữu cơ bền vững. Ảnh: Trần Trung.

Năm 2015, khi giá tiêu ở mức gần 200 ngàn đồng/kg, các nhà vườn nhiều nơi trong huyện ồ ạt chặt các loại cây trong vườn, thậm chí lên tận tỉnh Đăk Nông thuê mướn đất để trồng “vàng đen”, thì ông Phạm Hữu Nam (ấp 3, xã Thanh Hòa) đã bắt tay trồng bưởi da xanh xen vào 1,2 ha tiêu. “Tôi làm nông mấy chục năm nên có chút kinh nghiệm. Khi giá cả nông sản ở đỉnh điểm, nông dân đang “nóng” việc chạy theo một loại cây nào thì vài năm sau sẽ là giai đoạn khủng hoảng thừa của mặt hàng đó. Tôi trồng xen bưởi vào để đề phòng tiêu rớt giá”, ông Nam nhớ lại.

Đúng như dự đoán của ông Nam, khi giá tiêu bắt đầu giảm, ông mạnh dạn cưa bỏ tiêu cho bưởi phát triển. Tính đến nay, vườn bưởi của ông Nam đã bước sang năm thu hoạch thứ 5 với năng suất đạt gần 20 tấn/ha, với giá dao động 25.000 – 30.000 đồng/kg được thương lái đến tận vườn thu mua, bao tiêu sản phẩm. Sau khi trừ chi phí, ông lời khoảng 400 triệu đồng/ha/năm.

Cán bộ khuyến nông huyện Bù Đốp đồng hành cùng nhà nông về chuyển đổi cây trồng. Ảnh: Trần Trung.

“Tại diện tích tiêu bị bệnh chết, người dân không nên trồng lại tiêu mà thay thế bằng những cây trồng khác. Tuy nhiên, khi chuyển đổi cần chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, đất đai, khí hậu của địa phương. Phải áp dụng đồng bộ khoa học, kỹ thuật, canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, không trồng ồ ạt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy”, ông Nam khuyến cáo.

Tương tự, sau nhiều lần thất bại với cây hồ tiêu, ông Nguyễn Thanh Hùng (khu phố Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình) quyết định chuyển 1.000 trụ tiêu bệnh qua trồng 100 cây bưởi da xanh. Tuy diện tích ít nhưng nhờ áp dụng thành công khoa học, kỹ thuật nên vườn bưởi nhà ông Hùng phát triển rất tốt. Đến nay, sau 5 năm, vườn bưởi da xanh của gia đình ông Hùng gần như cho trái quanh năm, thu hoạch định kỳ mỗi tháng/lần. Bưởi da xanh nhà ông được người tiêu dùng đánh giá là ngon, ngọt và nhìn khá bắt mắt. Do vậy, bưởi chín đến đâu là được tiêu thụ hết đến đó, sau khi trừ chi phí mỗi năm ông Hùng bỏ túi không dưới 100 triệu đồng.

Vườn bưởi được đầu tư bài bản của HTX bưởi da xanh Global Gap Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Điểm nổi bật trong mô hình trồng cây bưởi da xanh của hầu hết người dân ở huyện biên giới Bù Đốp là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi. Đặc biệt, chủ vườn không phun thuốc “xử lý” trái vụ mà thực hiện cắt tỉa cành, điều chỉnh bón phân và tưới nước để cây trổ bông, thu hoạch đúng dịp; năng suất cao, mẫu mã đẹp mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, kéo dài tuổi thọ của cây.

"Cú hích" HTX bưởi da xanh Global Gap

Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, các nhà vườn ở huyện biên giới Bù Đốp còn chủ động liên kết sản xuất, thành lập các hợp tác xã để xây dựng “cánh đồng lớn chuyên canh bưởi sạch”, tạo vùng nguyên liệu tiến tới xây dựng thương hiệu, từng bước đưa quả bưởi Bù Đốp vươn xa. Trong đó, HTX bưởi da xanh Global Gap Bù Đốp là một minh chứng.

Vườn bưởi được đầu tư bài bản của HTX bưởi da xanh Global Gap Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Được thành lập cuối năm 2016, HTX bưởi da xanh Global Gap Bù Đốp có 11 thành viên cùng canh tác bưởi trên cùng một diện tích đất 52 ha với năng suất khoảng từ 800 đến 1.000 tấn/năm. Đây cũng là HTX trồng cây ăn trái đầu tiên trên địa bàn huyện Bù Đốp nói riêng, Bình Phước nói chung được đầu tư quy mô, bài bản, khoa học hướng đến sản phẩm chất lượng cao đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Anh Ngô Phước Khánh, Giám đốc HTX cho biết: Muốn đưa nông sản ra “biển lớn”, trước hết phải có quy mô sản xuất đủ lớn, năng suất, chất lượng sản phẩm phải đồng đều, ổn định. Ngay từ khi thành lập, HTX đã lên kế hoạch đầu tư chăm sóc theo quy trình Global Gap. “Quy trình sản xuất Global Gap khác hoàn toàn so với kỹ thuật canh tác truyền thống. Vườn cây lúc nào cũng phải sạch sẽ, không được nuôi gia súc, gia cầm trong vườn. Các hệ thống, như: nhà vệ sinh, nhà kho, hệ thống tưới nước cũng phải sạch sẽ và đạt chuẩn, đặc biệt là yêu cầu kỷ luật trong sản xuất rất cao… Đó chỉ là một số quy định trong tổng số trên 240 quy định mà Global Gap đặt ra. Chính vì vậy, để tạo ra được một quả bưởi GlobalGAP là không hề đơn giản”, Anh Khánh chia sẻ.

HTX bưởi da xanh Global Gap Bù Đốp trình diễn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất . Ảnh: Trần Trung.

Bưởi da xanh Global Gap Bù Đốp vinh dự nằm trong 18 sản phẩm được chọn phát triển theo Chương trình OCop của tỉnh Bình Phước. “Đây là "tấm vé" thông hành cho bưởi da xanh của HTX vươn ra thị trường rộng lớn, không những ở trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước lớn, nâng cao giá trị trái bưởi da xanh”, anh Khánh tiết lộ.

Nhờ có chứng nhận Global Gap, bưởi da xanh Bù Đốp dần có thương hiệu nên giá bán được niêm yết ổn định và tạo dựng được thị trường riêng. Hiện nay, bưởi của HTX không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà HTX còn nhận được nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài.

Toàn bộ 52 ha bưởi của HTX đều được lắp đạt hệ thông tưới, châm phân tự động. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Bù Đốp cho biết, thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn được huyện quan tâm thực hiện. Nhiều diện tích đất hồ tiêu kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây khác, trong đó có bưởi da xanh đã mang lại hiệu quả cao.

“Trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp thì việc phát triển cây ăn trái của Bù Đốp là hướng đi đúng. Song, để nâng cao giá trị hơn nữa, ngành nông nghiệp huyện sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung để sản xuất ra sản phẩm đồng nhất, có sản lượng lớn nhằm xây dựng thương hiệu, đồng thời đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân”, ông Thành nhấn mạnh.

Muốn tồn tại, phải thực hiện tốt chuỗi liên kết

Tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 10.000 ha cây ăn quả các loại cùng 119 hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, trang trại sản xuất, kinh doanh nông sản đang hoạt động với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú. Dự kiến đến hết năm 2020 diện tích cây ăn quả tại tỉnh này tăng thêm 2.000 ha. Theo đánh giá của ngành chức năng địa phương, thu nhập của người trồng cây ăn trái luôn cao hơn các loại cây trồng khác trên cùng một diện tích đất. Bình quân mỗi ha cây ăn quả cho thu 200-300 triệu đồng, thậm chí lên đến cả tỷ đồng/ha.

Nhằm khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả, thời gian qua, tỉnh Bình Phước cũng đã quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Lãnh đạo tỉnh cũng “trải thảm đỏ” kêu gọi các nhà đầu tư về Bình Phước xây dựng nhà máy chế biến trái cây sau thu hoạch, bước đầu nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, doanh nghiệp.

Anh Ngô Phước Khánh - Giám đốc HTX chăm sóc vườn bưởi. Ảnh: Trần Trung.

Phó giám đốc Sở NN và PTNT Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết cho rằng, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, người nông dân muốn nông sản có đầu ra ổn định thì phải liên kết với nhau ngay từ khâu sản xuất. Nhà nông có đất, có công chăm bón; nhà doanh nghiệp có vốn, có thị trường và có cả khoa học, kỹ thuật. Sự liên kết khăng khít giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp kết hợp nhà khoa học và các chính sách năng động, linh hoạt của Nhà nước là giải pháp tối ưu để diện tích cây ăn trái chất lượng cao tỉnh Bình Phước vươn ra thị trường thế giới.

Nếu thực hành tốt chuỗi liên kết này, có lẽ không chỉ riêng huyện Bù Đốp mà cả diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bình Phước sẽ trở thành vùng đất lành, trái ngọt như triển vọng nhìn thấy từ HTX bưởi Glopbal Gap Bù Đốp đã và đang thực hiện.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở NN và PTNT Bình Phước:

Hiện nay, Bộ NN và PTNT đang chỉ đạo các địa phương rà soát lại những vùng có diện tích trồng cây ăn trái từ 10 ha trở lên để quy hoạch vùng nguyên liệu. Đây là bước tạo đà để trái cây hướng tới thị trường tiềm năng, như Trung Quốc, EU, Mỹ...

Bước vào sân chơi quốc tế và phát triển bền vững, nông sản phải hình thành được các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi nông dân riêng lẻ rất khó thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nên rất cần vai trò của HTX. HTX là công cụ mấu chốt để xây dựng sự phát triển bền vững và toàn diện cho nông sản trong chuỗi giá trị.

Trần Trung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vang-den-that-the-ngoan-muc-cach-nong-dan-xoay-chuyen-tinh-the-d274143.html