Vang danh làng quạt Chàng Sơn

Làng nghề quạt Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) vốn mang nét đẹp văn hóa, truyền thống cổ xưa, đồng thời cũng là nguồn kinh tế chính của nhiều hộ dân nơi đây.

Xây dựng kinh tế từ nghề truyền thống ông cha

Nghề làm quạt đã xuất hiện hàng trăm năm trước. Người Chàng Sơn từ khi ai sinh ra đã sớm được làm quen với nghề. Nhiều nghệ nhân cao tuổi kể lại, dân làng luôn tự hào rằng ngay từ thế kỷ 19, những chiếc quạt làng Chàng đã được người Pháp đem đi triển lãm tại Thủ đô Paris hoa lệ. Cũng chính những nghệ nhân nơi đây đã dày công sáng tạo nên chiếc quạt dài 15 mét khổng lồ mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội năm 2010.

Làng nghề sở hữu nhiều loại quạt và mẫu mã đa dạng, song công đoạn để sản xuất ra được một chiếc quạt là hoàn toàn thủ công. Để làm nan quạt, người thợ phải tỉ mẩn lựa chọn từng thân tre, sau đó ngâm hằng tháng trời cho tre dẻo và dai. Những thanh tre đủ tiêu chuẩn sẽ được cắt, vuốt kỹ càng tạo thành khung, phơi khô rồi chuyển đến cho các xưởng dán quạt riêng. Khắp các ngõ ngách trong làng, thân tre được phơi thành từng lớp dày dậy mùi tre nứa.

Dán áo quạt với khung là khâu vô cùng quan trọng, làm sao để tách nan quạt thật đều, nan càng đều, quạt càng đẹp. Ở mỗi loại quạt, số lượng các nan sẽ khác nhau, quạt nhiều nan sẽ đảm bảo về độ chắc chắn. Phết keo vào các nan, đưa vải vào và cố định để tạo hình “vỡ” ban đầu.

Quạt dán xong sẽ được treo lên thành hàng hoặc dải dưới đất để phơi khô keo. Sau khi định hình, bàn tay uyển chuyển của những người thợ sẽ đưa dao theo khung kim loại hình bán nguyệt mà cắt đi vải thừa. Bước cuối cùng là gập quạt thành nếp, tán đinh đầu nan và bó thành từng bó riêng.

Đến xưởng quạt lụa lớn Hải Minh (Xóm Ba Lão), được biết mỗi ngày xưởng quạt có thể làm đến hàng nghìn chiếc quạt các loại để xuất xưởng đến khách hàng. Tại đây có những chiếc quạt lụa mềm mịn và quạt múa đa dạng về màu sắc, kích cỡ. Giá mỗi loại sẽ tùy vào chất liệu, thời gian làm.

Quạt lụa trung bình dao động từ 20.000 đến 40.000 đồng/chiếc. Đây không chỉ là nơi cung cấp quạt cho thị trường tiêu thụ, mà còn là điểm đến du lịch hữu ích cho những vị khách muốn tìm hiểu về làng nghề Việt lâu đời. Niềm tự hào ấy vừa công nhận sức sống của một làng nghề truyền thống, vừa khẳng định sự tồn tại một nét đẹp mang nhiều màu sắc lịch sử, văn hóa đậm chất nông thôn xưa.

Ở xưởng quạt Hải Minh, mỗi thợ sẽ phụ trách các khâu khác nhau: người cắt nan, người dán khung, người bôi keo, người cắt vải…

Truyền nghề, giữ lửa

Ở Chàng Sơn, những người tham gia làm quạt chủ yếu là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Công việc nhẹ nhàng, đòi hỏi tự tỉ mỉ, khéo tay được mọi người nâng niu như vật báu lâu đời.

Tại xưởng quạt giấy nhà chị Loan (thôn 1), những chồng quạt giấy cao quá đầu được bó thành từng xấp xếp gọn gàng trong các góc nhà. Khác với xưởng quạt lụa Hải Minh, thợ làm quạt giấy ở đây là các em nhỏ còn đi học và nhiều cụ già đã quá tuổi 80.

Cụ Đức (81 tuổi) đang tỉ mỉ vuốt nan, giọng trầm xuống: “Chúng tôi có tuổi rồi nên đây là nghề chính, còn tụi trẻ thì chỉ làm thêm thôi. Ngày nào khỏe mạnh thì hai buổi làm đều đặn. Công việc cũng nhẹ nhàng nên được thì làm phụ cho các con. Chịu làm còn giữ lấy cái nghề các cụ truyền cho”.

Cho đến ngày hôm nay, khi cuộc sống ngày càng tiện nghi, hiện đại, hình ảnh người dân cầm quạt phe phẩy trước hiên nhà không còn xuất hiện khắp nơi như nhiều năm về trước. Dẫu vậy, quạt giấy Chàng Sơn vẫn luôn có một chỗ đứng vững chắc trong và ngoài nước. Sẽ không có một thiết bị hiện đại nào có khả năng thay thế được giá trị hoài cổ và thẩm mỹ trăm năm của những chiếc quạt cầm tay.

Quạt Chàng Sơn đang dần biến tấu sang nhiều chất liệu khác đẹp và bền hơn phù hợp với nhu cầu cao của xã hội. Song quạt giấy mới là cái nôi của Chàng. Những chiếc quạt thủ công sáng tạo, tinh xảo sẽ mãi phát triển với người dân mảnh đất bình dị này.

Kiều Trang

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/vang-danh-lang-quat-chang-son-527998/