Vang danh khóm Cầu Đúc

Khi những chiếc tem truy xuất nguồn gốc được dán lên khóm Cầu Đúc, đó cũng là lúc ông Vu Sủi - một lão nông trồng khóm ở Hỏa Tiến - bận rộn gom khóm cung cấp cho các siêu thị đặt ở TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Hàng ngày, ông Vu Sủi phải “lui cui” với chiếc điện thoại, vừa chụp hình rẫy khóm như một cách ghi nhật ký sản xuất theo quy trình VietGAP, vừa lo dán tem cho khóm. Bù lại, ông và hơn 100 gia đình ở Hỏa Tiến có được niềm vui khi đầu ra khóm Cầu Đúc ngày càng có nhiều “cửa”.

Nông dân thu hoạch khóm trong niềm vui “được mùa, thắng giá”

Khi khóm Cầu Đúc dán tem vào siêu thị

Với gần 40 năm gắn bó với khóm Cầu Đúc, ông Vu Sủi hiểu được những thăng trầm của loài trái “trăm mắt” này. Ông là người trồng khóm thuộc “thế hệ thứ hai”, kế thừa theo kiểu “cha truyền con nối” ở vùng khóm Cầu Đúc. Sự cần cù, chịu khó bám lấy rẫy khóm ở vùng đất phèn mặn của ông Vu Sủi được người dân tin tưởng, bầu chọn ông làm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thạnh Thắng (xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh). Từ 75 xã viên với diện tích trồng khóm là 160ha, nay số lượng tham gia vào HTX lên 102 xã viên với diện tích trên 200ha là minh chứng sinh động cho sức hút từ chuyện dán tem cho khóm được hình thành trong gần 2 năm qua. “Bình thường giá khóm khoảng 6.000 đồng/kg là nông dân sống được rồi. 2 tháng qua (từ tháng 5-2020), khi chiếc tem được dán lên khóm Cầu Đúc đưa vào siêu thị thì giá khóm bật lên 13.000 đồng/kg, nông dân ở đây vui lắm. Đây là mơ ước bao đời của người dân trồng khóm Cầu Đúc ở Hỏa Tiến”, ông Vu Sủi tâm sự.

Người dân sống hai bên bờ sông Cái Lớn - nơi tiếp giáp giữa huyện Gò Quao (Kiên Giang) và Vị Thanh (Hậu Giang) - xem khóm Cầu Đúc là một lựa chọn khôn ngoan của những người đi trước. Bởi khóm Cầu Đúc là loại cây trồng thích nghi với phèn mặn. Ngược dòng lịch sử, theo những người cố cựu ở đây, vào năm 1930, người dân Hỏa Tiến thấy cây khóm giống tốt, bắt đầu nhân giống ra trồng cặp bờ sông Cái Lớn. Cây khóm bám rễ và trụ vững cho đến ngày nay. Cái tên khóm Cầu Đúc được hình thành do lúc đó ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng bắc ngang sông Cái Lớn tại xã Hỏa Tiến, bà con mang khóm ra đó để bán. Thương lái từ khắp nơi đến tập kết tại Cầu Đúc để mua khóm và chở đi bán buôn khắp vùng sông nước miền Tây.

Vùng trồng khóm Cầu Đúc đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của các bạn trẻ

Khóm Cầu Đúc là một trong 11 sản phẩm nông, thủy sản của Hậu Giang được gắn tem truy xuất nguồn gốc: trà mãng cầu, cá thát lát, xoài cát Bảy Ngàn, sữa dê Ngọc Đào, chanh không hạt… Đây là một nỗ lực của tỉnh Hậu Giang khi triển khai thực hiện Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong 2 năm qua. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cho 3 triệu tem dán trên các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của tỉnh.

Từ khi hình thành đến nay người dân trồng khóm Cầu Đúc vẫn sử dụng giống khóm Queen (Nữ hoàng). Bởi giống khóm này như “ưng ý” với vùng đất phèn mặn. Nét độc đáo của giống khóm Queen là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, thịt màu vàng sậm, ít xơ, ăn giòn và ngọt. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày mà không bị thối. Cây khóm Cầu Đúc cao trên 1m, trọng lượng trung bình 1,5-2kg/trái. Gần đây, trong các đề tài nghiên cứu khoa học của tỉnh đề cập đến việc nhân giống khóm sạch bệnh và trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP - một hướng đi mới cho người trồng khóm, cụ thể hóa chủ trương hội nhập.

Cây khóm bén duyên vùng đất khó

“Khóm Cầu Đúc rất ngon nhưng thăng trầm bao nỗi. Có lúc giá khóm bán rẻ như cho, nông dân buồn lắm, muốn phá rẫy khóm trồng cây khác. Nhưng ngặt nỗi, vùng đất phèn mặn này như chỉ chấp nhận cây khóm - đó có lẽ là cái duyên mà người xưa đã lựa chọn để hợp thổ nhưỡng vùng đất khó này”, ông Vu Sủi tâm sự.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng nhận ra những tâm tư, trăn trở của nông dân nên đã dành nhiều nguồn lực để tiếp sức cho người dân trồng khóm Cầu Đúc. Theo đó, khóm sạch bệnh và khóm VietGAP được trồng tại xã Hỏa Tiến (Vị Thanh) và Vĩnh Viễn A (Long Mỹ). Gần 3 triệu cây giống được bà con nhận, trồng ở vùng đất phèn mặn. Các kỹ sư nông nghiệp đã tỉ mỉ, nâng niu, chăm chút lựa chọn từng cây giống, loại phân hữu cơ an toàn, chất lượng được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến trên từng rẫy khóm của nông dân. Cách đây 2 năm, nhiều người dân ở vùng khóm Hỏa Tiến vui mừng khi HTX Thạnh Thắng trồng khóm xây dựng được trụ sở để giao dịch bán buôn khóm. Tỉnh Hậu Giang đã dành khoảng 300 triệu đồng để xây dựng trụ sở, tạo điều kiện cho người dân vùng trồng khóm giao thương. Giám đốc HTX Thạnh Thắng Vu Sủi báo tin vui: “Giờ không chỉ khóm bán được giá mà vùng khóm Cầu Đúc 2.000ha đang tạo ra điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn”. Đúng là niềm vui nhân đôi, khi vào siêu thị thì nhìn thấy tem truy xuất nguồn gốc khóm Cầu Đúc (rộng thêm cửa đầu ra cả thị trường nước ngoài), còn lên mạng xã hội thì địa danh này đã trở thành điểm “check in” du lịch cho giới trẻ hiện nay.

Từ lâu những rẫy khóm bạt ngàn ở vùng Cầu Đúc và một phần của Long Mỹ ngày nay là “bầu sữa” nuôi lớn bao thế hệ. Có đến cả trăm người con của xứ khóm thi đậu đại học và có việc làm ổn định. Hàng ngàn người dân trồng khóm ở Hậu Giang giờ như gắn bó thêm và cố chăm sóc cho rẫy khóm ngon lành. Khóm cho trái một lần trong năm, với năng suất 15-18 tấn/ha và giá bán dao động 6.000 -13.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân có thể thu nhập 50-80 triệu đồng/ha, vươn lên làm giàu.

Thương hiệu khóm Cầu Đúc vang danh miền Tây đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận thương hiệu Khóm Cầu Đúc - Hậu Giang. Với 6ha trồng khóm, ông Vu Sủi giờ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, yên tâm bám trụ hành trình với cây khóm. Chia tay ông Vu Sủi, rời vùng đất phèn mặn, trên xe tôi mang về vài trái khóm ngọt của người dân Hỏa Tiến ven sông Cái Lớn gửi tặng. Chợt nhớ cách đây không lâu, có dịp cùng ông Bảy Chánh (Trần Công Chánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang) trở lại thăm rừng U Minh Thượng. Hôm đó, cô Lê Thị Thanh Lam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hậu Giang, đã ngân nga bài vọng cổ Khóm ngọt của soạn giả Ngô Hồng Khanh và nhận được sự đồng cảm của nhiều cán bộ ở Kiên Giang (Cầu Đúc là địa danh giáp ranh giữa Hậu Giang và Kiên Giang). Giọng hát cô Lam như gửi gắm nhiều tâm sự: Qua Vàm Nước Trong, anh chèo sang sông Nước Đục. Em qua Cầu Đúc có nhớ chuyến đò xưa? Hỏa Lựu chiều nay lất phất cơn mưa. Anh chèo ghe khóm… Qua Vàm Nước Trong, tôi chèo sang sông Nước Đục. Vẫn ngọt lịm tình đời qua trong đục, đục trong. Hậu Giang ơi! Dòng đời tôi đó...

Hậu Giang đã triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để nâng cao giá trị hàng nông sản gắn với thế mạnh từng địa phương trong tỉnh. Theo đó, tỉnh xác định dán tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm nông, thủy sản là đòn bẩy để nâng cao giá trị cho hàng hóa nông sản. Hiện Hậu Giang đã thực hiện dán tem trên 11 sản phẩm. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ và mở rộng dán tem truy xuất nguồn gốc để nông dân dán trên các sản phẩm khi thị trường chấp nhận và cần số lượng lớn hơn.
Đặc biệt đối với khóm Cầu Đúc, chúng tôi lựa chọn là sản phẩm để mở mũi quảng bá cho nông sản. Tới đây, một trung tâm ứng dụng công nghệ phần mềm ở TPHCM sẽ hỗ trợ tỉnh Hậu Giang tổ chức cuộc thi với nhiều hình thức khai thác các sản phẩm từ trái khóm (như khóm ngon, khóm nước ép, rượu khóm…), thông qua cuộc thi để quảng bá nâng cao giá trị từ trái khóm. Ngoài ra, trong vùng trồng khóm Cầu Đúc, tỉnh cũng đã hình thành và tiếp tục nâng chất, mở các “tour - tuyến” du lịch sinh thái để phục vụ khách tham quan trong vùng
Ông TRƯƠNG CẢNH TUYÊN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

CAO PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vang-danh-khom-cau-duc-673238.html