Vắng dần những chương trình nhân ái trên truyền hình

Nhiều ngày qua, trên các diễn đàn, công chúng bày tỏ sự quan tâm khi chương trình 'Như chưa hề có cuộc chia ly' sắp kết thúc. Chương trình tạm ngưng sản xuất và phát sóng không phải vì không còn người bị thất lạc để thân nhân tìm kiếm, mà vì không có nhà tài trợ.

Nhà báo Thu Uyên, “tác giả” của “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Nhà báo Thu Uyên, “tác giả” của “Như chưa hề có cuộc chia ly”.

Trước đó nhiều chương trình từ thiện xã hội trên truyền hình cũng bẽ bàng đóng máy vì bài toán kinh phí.

Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” được thực hiện từ năm 2008, với mục đích kết nối những người xa cách do chiến tranh và loạn lạc được đoàn tụ với nhau. 12 năm qua, “Như chưa hề chia ly” đã giúp hàng ngàn trường hợp trở về bên gia đình. Dù đã có Công ty TNHH Xã Hội Nối Thân Thương đứng ra lo liệu, thì chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” vẫn liên tục gặp khó khăn về tài chính. Cách đây không lâu, những người thực hiện đã phát đi lời kêu gọi doanh nghiệp và cá nhân “Hãy chung tay cùng Như chưa hề có cuộc chia ly”, nhưng kết quả không mấy khả quan.

Tiêu chí của “Như chưa hề có cuộc chia ly” vẫn được giữ nguyên như ban đầu, đó là hướng đến một chương trình thiết thực để kết nối cộng đồng nhằm tìm kiếm và chia sẻ thông tin về những mảnh đời không may mắn phải lìa xa con người và mảnh đất từng gắn bó máu thịt. Vào lúc 16 giờ Chủ nhật đầu tháng, nhiều khán giả vẫn hồi hộp đón xem và sẵn sàng rơi nước mắt với “Như chưa hề có cuộc chia ly” phát sóng trực tiếp trên VTV9. Đáng tiếc, “Như chưa hề có cuộc chia ly” đứng trước nguy cơ phải chia ly vì không thể giải quyết bài toán kinh phí.

Dù đã bước vào giai đoạn thoái trào, nhưng game show vẫn là mảnh đất màu mỡ nhất để thu hút quảng cáo trên truyền hình. Oái oăm thay, những nhà tài trợ chỉ có nhiều hứng thú với những chương trình nhún nhảy váy ngắn chân dài. Liên tục nhiều chương trình từ thiện - xã hội rất uy tín như “Ngôi nhà mơ ước” hỗ trợ mái ấm cho người nghèo trên Đài Truyền hình TPHCM hoặc “Lục lạc vàng” cung cấp cơ hội đổi đời cho đối tượng khó khăn trên Đài Truyền hình Việt Nam cũng lần lượt đóng máy. Trong tình trạng kinh tế đang gánh chịu hệ lụy Covid-19, chắc chắn “Như chưa hề có cuộc chia ly” sẽ chịu chung số phận như những chương trình kia do không thể tìm được tiếng nói chung với các “Mạnh Thường Quân”.

Vì sao có những đại gia sẵn sàng quyên góp vài chục tỷ đồng để xây chùa, mà lại không có mấy ai chi khoản tiền như vậy cho chương trình nhân đạo “Như chưa hề có cuộc chia ly”? Câu hỏi rất khó trả lời.

Cách đây một thập niên, các chương trình xã hội từ thiện trên truyền hình nở rộ với hàng loạt thương hiệu được yêu thích như “Vượt lên chính mình”, “Tiếp sức hồi sinh”, “Mở cửa tương lai”, “Kết nối yêu thương”, “Ước mơ từ làng”, “Cùng xây ước mơ”, “Thần tài gõ cửa”… Những người thực hiện các chương trình nhân ái không những không có lời nhiều mà đôi khi còn phải bỏ tiền túi cho những chi phí mới phát sinh, nhưng càng đi càng thấy ở những nơi vùng sâu vùng xa, người dân còn nhiều khó khăn vất vả, càng cần sự sẻ chia của cộng đồng. Bởi lẽ, nếu ai cũng làm game show giải trí thì ai giúp những người nghèo.

Một trong những tên tuổi rất được yêu thích với chương trình “Ngôi nhà mơ ước” là MC Đỗ Thụy cũng thở dài ngao ngán khi đề cập đến việc tìm kiếm tài trợ. Sau khi du học ở Anh trở về, MC Đỗ Thụy làm chương trình “Xin chào cuộc sống” với mục đích hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho những trẻ em bất hạnh. Chị cho biết, chương trình phải đi xin từng “khúc” kinh phí, xin doanh nghiệp rồi xin thêm chính Bệnh viện Nhi đồng TPHCM mới có thể làm được vài chục tập.

Hầu hết các game show trên tivi đều hợp tác giữa đài truyền hình và đơn vị tư nhân, nên vấn đề tài chính phải tự hạch toán. Chương trình nào không xin được tiền thì tự động dẹp bỏ, chứ không có chuyện san sẻ lẫn nhau. Có một nghịch lý là đài truyền hình cũng cần chương trình nhân ái để tạo uy tín nhưng càng cần hơn những game show nhí nhảnh để có nguồn lợi vật chất. Trong sự giằng co ấy, mới thấy sức mạnh của đồng tiền ghê gớm như thế nào.

Đại diện một công ty quảng cáo nắm trong tay nhiều game show truyền hình khẳng định rằng doanh nghiệp nào cũng muốn bán hàng nên họ không chịu bỏ tiền cho các chương trình không có khả năng kích cầu thị trường. Bây giờ, dễ lấy tài trợ nhất là những chương trình nói về ẩm thực hoặc chương trình thi thố của trẻ em. Bởi lẽ, các game show ấy được phát vào giờ vàng, nhiều người xem và thông điệp của sản phẩm cũng đánh động nhanh chóng đến người tiêu dùng.

Nếu những chương trình trên truyền hình chọn lựa một thước đo duy nhất là tiền bạc, thì thật đáng buồn cho đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt thời hội nhập.

TUY HÒA

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/vang-dan-nhung-chuong-trinh-nhan-ai-tren-truyen-hinh-129332-129332.html