Vàng chuyển mạnh thành tiền: Tăng nguồn lực phát triển kinh tế

Thị trường vàng ổn định, không gây bất ổn vĩ mô là nhờ người dân tin tưởng gửi tiền vào ngân hàng hơn giữ vàng, ngoại tệ và nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế đang ngày càng giảm.

Khách hàng giao dịch tại Maritime Bank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Kiên định mục tiêu
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về quản lý thị trường vàng mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, lượng tiền gửi bằng VNĐ trong dân cư tăng rất mạnh, lượng tiền gửi ngoại tệ giảm. Lượng ngoại tệ lớn của người dân nắm giữ đã được chuyển hóa sang VNĐ, minh chứng dự trữ ngoại hối tăng mạnh trong năm qua. Cũng theo Thống đốc NHNN, nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã không tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng, thị trường vàng ổn định và không gây bất ổn vĩ mô.

Bên cạnh thị trường vàng, cho vay BĐS đang tăng chậm lại, chỉ chiếm 7,4% tổng tín dụng. Cho vay chứng khoán chỉ tăng 1,7% so với cuối năm 2017 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%; tín dụng BĐS tăng 5,2% còn tín dụng với các dự án BT, BOT tăng khoảng 6,5%.
Thống đốc NHNH Lê Minh Hưng

Chuyện huy động vốn nhàn rỗi trong dân không hề mới tại Việt Nam. Thời gian qua, việc này được đưa ra bàn luận tranh cãi nảy lửa nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất và chưa có một giải pháp nào được phê duyệt. Theo TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT, nếu không làm rõ được hiệu quả kinh doanh vốn của người dân thì khó huy động được vàng của dân để làm động lực phát triển kinh tế. TS Lưu Bích Hồ đánh giá, với người dân hoặc DN, nếu muốn huy động tài sản của họ, cần phải chắc chắn mang lại cho họ một mức lợi nhuận lớn hơn mức họ tự đầu tư, kinh doanh. Theo thống kê, có khoảng 500 tấn vàng trong dân, trong trường hợp huy động, ngân sách không đủ tiền, Nhà nước buộc phải in thêm tiền để mua vàng. Làm theo cách này, Chính phủ sẽ phải đối diện với nguy cơ lạm phát rất lớn. “Quá trình chuyển hóa phải dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác, sẽ không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng” - TS Lưu Bích Hồ nói.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, quan điểm nhất quán trong chỉ đạo của Chính phủ và NHNN trước hết là tập trung cho nền tảng vĩ mô, giữ lạm phát 3 năm ở mức thấp và cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh để người dân và DN yên tâm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm bằng VNĐ thay vì nắm giữ các tài sản như vàng hay ngoại tệ.
Nhu cầu vàng giảm mạnh, thị trường lặng sóng
Từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm. Số liệu từ Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho thấy, giao dịch vàng miếng trên thị trường hiện ở mức thấp. Quy mô giao dịch vàng miếng bình quân mỗi ngày chỉ đạt khoảng 10.000 lượng, giảm tới 75% so với đầu năm 2013. Đặc biệt, lượng vàng gửi dưới dạng giữ hộ tại các tổ chức tín dụng đã giảm rất mạnh. Tổng lượng vàng từng gửi tại các ngân hàng vào năm 2012 lên tới khoảng 160 tấn nhưng đến cuối 2017 đã chỉ còn lại khoảng 2,8 tấn gửi dưới dạng giữ hộ.
Thực tế, nếu một nhà đầu tư găm giữ vàng trong suốt 5 năm qua thì chắc chắn lỗ. Nhìn vào lịch sử giá vàng thấy: Giá vàng thời điểm năm 2012 là 48 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên đến 50 triệu đồng nhưng đến nay giảm chỉ còn dưới 36,55 triệu đồng/lượng. Thị trường cũng không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng để lướt sóng đầu cơ, trong khi hiện nay nhiều kênh khác sinh lời.
Giả sử nếu tâm lý giữ vàng lo bất ổn nhưng với diễn biến kinh tế trong những năm qua, lạm phát được kiềm chế, giá trị tiền đồng ổn định thì không ai giữ vàng. “Do vậy, huy động vàng từ dân, để dân không đem số vàng chắt chiu được cất dưới gầm giường chính là để họ yên tâm vào đồng tiền nội tệ. Khi họ tin tưởng hơn, họ sẽ bán vàng lấy tiền gửi vào ngân hàng để hưởng lãi hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” - TS Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
NHNN cho biết, thay vì liên tục nhập khẩu về để đáp ứng như 2013 trở về trước, thực tế hơn 5 năm qua, không có một lượng vàng miếng SJC nào được dập mới. Cuối năm 2017, NHNN đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về Đề án “Giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020”. Trong đó, cơ quan này cho rằng bên cạnh các giải pháp quản lý thị trường vàng, giải pháp về kinh tế vĩ mô nhằm ổn định, nâng cao giá trị VNĐ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là tiền đề để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng vàng hóa, từng bước chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vang-chuyen-manh-thanh-tien-tang-nguon-luc-phat-trien-kinh-te-329766.html