Vắng bóng phim Việt cho thiếu nhi

Mỗi dịp hè về, khán giả Việt nhỏ tuổi lại mong chờ được xem những bộ phim đúng với lứa tuổi của mình, nhưng dường như đó cũng là ước mơ quá 'xa xỉ' trong bối cảnh có quá ít phim Việt cho thiếu nhi. Điện ảnh Việt được đánh giá là đang phát triển 'nóng' với số lượng và tần suất phim ra rạp không ngừng tăng lên, nhưng mảng đề tài phim cho thiếu nhi vẫn luôn bị bỏ trống...

Thưa thớt phim cho thiếu nhi ra rạp

Mùa phim hè cho thiếu nhi 2018 đã bắt đầu.Trong danh sách phim đang chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia thời điểm này có hai phim Việt là “Em gái mưa” (đạo diễn Kawaii Tuấn Anh) và “Nhắm mắt thấy mùa hè” (đạo diễn Cao Thúy Nhi). Nếu “Em gái mưa” dán nhãn C13 -cấm trẻ em dưới 13 tuổi thì “Nhắm mắt thấy mùa hè” được phép phổ biến rộng rãi, không giới hạn lứa tuổi.

Mặc dù vậy, xét về nội dung “Nhắm mắt thấy mùa hè” không phải thực sự dành cho thiếu nhi. Đây là bộ phim tâm lý với những mối quan hệ đan xen, tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ, câu chuyện về tình yêu, trách nhiệm và niềm tin. Được biết, từ giờ đến cuối năm, không có dự án phim Việt nào cho lứa tuổi thiếu nhi ra rạp.

Tình trạng thiếu vắng phim Việt cho thiếu nhi là câu chuyện đã được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông thời gian qua. Lê Bảo Trung được đánh giá là đạo diễn rất tâm huyết với mảng đề tài cho thiếu nhi. Trong ba năm liên tiếp, Lê Bảo Trung đã cho ra mắt ba phim cho trẻ em là “Bảo mẫu siêu quậy” (năm 2015), “Bảo mẫu siêu quậy 2” (năm 2016) và “Anh em siêu quậy” (năm 2017).

“Anh em siêu quậy” – một bộ phim cho thiếu nhi hiếm hoi ra rạp trong năm 2017.

Mặc dù không tạo nên những kỷ lục về doanh thu phòng vé cũng như hiệu ứng truyền thông rầm rộ, nhưng rõ ràng, loạt phim “siêu quậy” của đạo diễn Lê Bảo Trung là nỗ lực rất lớn của êkip sản xuất trong việc mang đến những thước phim cho lứa tuổi thiếu nhi.

Chia sẻ với báo giới, đạo diễn Lê Bảo Trung cho hay, sở dĩ anh không sản xuất phim hè 2018 vì “né” World Cup. Phim dành cho trẻ em nhưng cha mẹ hoặc người thân luôn đi cùng các em đến rạp. Mà người lớn, giống như anh, tất nhiên đã bị hút hồn vì bóng đá.

Hồi tháng 7/2015, “Siêu quậy lên chùa” (đạo diễn Trần Trung Dũng) là bộ phim hiếm hoi về đề tài thiếu nhi do Nhà nước đặt hàng ra rạp. Với kinh phí đầu tư thấp, gần như không đầu tư quảng bá nhưng “Siêu quậy lên chùa” “trụ” rạp 10 ngày là một thành tích đáng nể. Lý giải vấn đề này, nhiều người cho rằng, “Siêu quậy lên chùa” đề cập đến vấn đề khá nóng trong thời gian gần đây như học kỳ tại thiền viện, học kỳ quân đội dành cho thanh thiếu niên.

Phim cũng đặt ra nhiều vấn đề gần gũi với gia đình Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, “Siêu quậy lên chùa” là phim thiếu nhi nội địa duy nhất ra rạp vào thời điểm hè 2017. Điều đó cho thấy, khán giả rất mong chờ những bộ phim thiếu nhi Việt.

Một số phim Việt khai thác đề tài thiếu nhi nhưng không hoàn toàn dành cho thiếu nhi. “Vú em tập sự” (phát hành tháng 5/2017, đạo diễn Bùi Văn Hải) là bộ phim thuộc thể loại hài, hành động, cấm trẻ em dưới 13 tuổi. “SOS sói trắng” (phát hành tháng 6/2017) của đạo diễn Lê Hoàng đề cập đến nạn ấu dâm nhưng thực chất vẫn hướng đến đối tượng khán giả lớn tuổi nhằm cảnh báo một hiện tượng đang nhức nhối trong xã hội. Đó là chưa kể đến việc “Vú em tập sự” và “SOS sói trắng” bị đánh giá là “làm chưa tới”, kịch bản rời rạc, thiếu logic.

Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, mảng phim dành cho thiếu nhi gần như đang bị bỏ trống. Số lượng phim khai thác đề tài thiếu nhi, dành cho thiếu nhi thưa thớt trong khi chất lượng phim cũng chỉ ở mức độ “thường thường”, chưa có gì nổi trội để tạo sức hút, lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Sản xuất phim thiếu nhi – kênh “đầu tư” đầy may rủi

Câu hỏi đặt ra là vì sao phim Việt cho thiếu nhi vắng bóng? Câu trả lời được nhiều nhà làm phim đưa ra là sản xuất phim thiếu nhi khó, phải đầu tư nhiều tiền bạc, tâm sức, trí tuệ nhưng khả năng thành công lại rất mong manh. Kinh phí sản xuất phim điện ảnh tiêu tốn hàng chục tỷ đồng nhưng nếu ra rạp không thành công thì khả năng thu hồi vốn là điều không thể.

Bên cạnh đó, việc kêu gọi tài trợ cho phim thiếu nhi cũng rất khó khăn. Với các nhà sản xuất phim tư nhân thì bài toán kinh phí phải được đặt lên hàng đầu. Rõ ràng, sản xuất phim thiếu nhi là một “kênh” đầu tư đầy may rủi. Dù có tâm huyết đến đâu thì các nhà làm phim cũng phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Kịch bản phim thiếu nhi là một trong những thách thức lớn nhất. Biên kịch không mặn mà với kịch bản phim thiếu nhi vì nó đòi hỏi người viết phải có vốn sống phong phú và sự am hiểu sâu sắc tâm sinh lý trẻ thơ. Không có kịch bản hay thì không có “bột” để “gột” nên một tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn diễn viên nhí cũng vô cùng gian nan. Phần lớn diễn viên nhí không được qua đào tạo diễn xuất bài bản nên để có thể tìm được gương mặt mới, phù hợp với vai diễn là câu chuyện không hề đơn giản.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được đánh giá là phim dành cho thiếu nhi xuất sắc nhất trong vài năm trở lại đây.

Trong vài năm trở lại đây, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phát hành tháng 10/2015) được đánh giá là phim thiếu nhi thành công nhất. Bộ phim đánh dấu “cái bắt tay đầu tiên” giữa Nhà nước và tư nhân thành công ngoài mong đợi.

Với khoản kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã mang lại doanh thu đáng mơ ước hơn 80 tỷ đồng. Ngoài ra, phim còn gặt hái nhiều giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ, đáng chú ý là giải thưởng Bông sen vàng, “Đạo diễn xuất sắc nhất”, “Quay phim xuất sắc nhất”, “Giải phim hay nhất do khán giả bình chọn” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.

Từ câu chuyện của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, có thể thấy rằng, phim thiếu nhi có thị trường rất tiềm năng. Nếu phim hay, chạm đến cảm xúc của người xem thì vẫn có thể tạo nên cơn sốt phòng vé và mang lại doanh thu không thua kém bất kỳ thể loại phim ăn khách nào khác.

Suy cho cùng, trong mỗi con người trưởng thành đều ẩn chứa trong đó một tâm hồn trẻ thơ. Ai cũng khao khát được trở về tuổi thơ, được sống lại những giây phút trong sáng, hồn nhiên, đầy mơ mộng. Phim cho thiếu nhi nhưng ngay cả những người trưởng thành cũng mong muốn được xem phim để tìm lại ký ức của chính mình. Phim thiếu nhi rất có tiềm năng và điều quan trọng là phải có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản để có được tác phẩm thực sự xuất sắc.

Trong bối cảnh khan hiếm đề tài thiếu nhi hay thì việc khai thác những tác phẩm văn học thiếu nhi được nhiều độc giả yêu thích là giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, cách cảm, cách nghĩ của trẻ em trong thời đại mới.

Tôi cho rằng, để có được những tác phẩm điện ảnh xuất sắc cho thiếu nhi, ngoài sự tâm huyết của các nhà sản xuất phim cần có cơ chế khuyến khích từ các cơ quan quản lý nhà nước. Việc tăng cường đầu tư kinh phí, đặt hàng sản xuất phim về đề tài thiếu nhi là điều hết sức cần thiết vào thời điểm này.

Đối lập với sự ảm đạm của dòng phim thiếu nhi trong điện ảnh Việt, phim hè 2018 vẫn tiếp tục là “mùa làm ăn” của các nhà làm phim ngoại. Những bộ phim hè xuất hiện tại nhiều cụm rạp trên cả nước vào thời điểm này khá đa dạng, như: “Hoàng tử hào hoa” (phim hoạt hình Mỹ, đạo diễn Ross Venokur), “Giải cứu công chúa” (phim hoạt hình Mỹ, đạo diễn Oleh Malamuzh), “Thỏ Peter” (phim hoạt hình Mỹ, đạo diễn Will Gluck), “Doraemon: Nobita và đảo giấu vàng” (phim hoạt hình Nhật Bản, đạo diễn Imai Kazuaki), “Ong nhí phiêu lưu ký: Đại chiến cúp ong mật” (phim hoạt hình Mỹ, đạo diễn Noel Cleary, Sergio Delfino), “Đảo của những chú chó” (phim hoạt hình Nhật Bản, đạo diễn Wes Anderson), “Truy tìm kho báu cùng Leo Da Vinci” (phim hoạt hình Mỹ, đạo diễn Sergio Manfio), “Giải cứu Tí Nị” (phim hoạt hình Trung Quốc, đạo diễn Shen Yu và Wang Yan)…

Tường Phạm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/vang-bong-phim-viet-cho-thieu-nhi-494935/