Văn xuôi phi hư cấu về chiến tranh

Viết về chiến tranh hiện nay, bên cạnh những tác phẩm thuộc thể loại hư cấu đã được khẳng định, văn xuôi phi hư cấu đang ngày càng thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng độc giả.

Những câu chuyện, những sự kiện, những cuộc đời, những số phận của một thời tưởng như trôi vào quên lãng, nay được “sống lại” một cách chân thực, sinh động, giàu sức ám gợi. Không ít tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi chất hiện thực ngồn ngộn, tươi ròng cùng cái nhìn mới về hiện thực chiến tranh và chân dung người lính: Được sống và kể lại (Trần Luân Tín), Lính Hà (Nguyễn Ngọc Tiến), Mùa chinh chiến ấy (Đoàn Tuấn), Hồi ức lính (Vũ Công Chiến), Quân khu Nam Đồng (Bình Ca), Quảng trị 1972-Hồi ức của một người lính (Nguyễn Quang Vinh), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sỹ)…

Kể lại những trải nghiệm máu thịt của mình, với các tác giả, trước hết đó là một đòi hỏi tự thân, bởi người lính luôn tâm niệm được sống và trở về là một may mắn; không ai khác, chính họ phải là người nói về thế hệ mình một cách chân thực, khách quan nhất: “Nếu những người trong cuộc không viết ra thì làm sao để mọi người biết, trong chiến tranh, chúng tôi đã sống và chiến đấu thực sự như thế nào” (Hồi ức lính). Nhiều người trong số họ không phải là nhà văn chuyên nghiệp, họ không có ý thức “làm văn” và “trở thành nhà văn”. Tác phẩm của họ là tiếng nói được cất lên từ lương tâm và ý thức trách nhiệm của người lính. Trong thẳm sâu trái tim và khối óc của những người còn sống, viết như trả một món nợ: “Món nợ với những đồng đội, những người vào sinh ra tử, sát cánh bên nhau, những ân nhân muôn đời không quên. Họ đã hóa thành Đất. Đất nằm ngoài Tổ quốc thân yêu. Những người còn sống? Họ đi đâu? Về đâu? Phiêu dạt chân trời nào? Bao giờ tôi mới tìm được những ân nhân đáng kính của mình?” (Mùa chinh chiến ấy).

Các tác phẩm đều được kể lại dưới dạng hồi ức của một người lính đã từng đi qua cuộc chiến. Với lối viết mộc mạc, tự nhiên, giọng điệu chân thành, da diết, các tác giả đã tái hiện một giai đoạn lịch sử khốc liệt và hào hùng, cay đắng và vinh quang, ẩn sâu là số phận những người lính bình dị và phi thường, đau thương và bi tráng. Không tô hồng hay bôi đen, không màu mè kiểu cách hay u ám đơn điệu, câu chuyện về chiến tranh và người lính được kể lại trung thực đến tận đáy, bởi tất cả được đặt cọc bằng máu xương của chính họ và đồng đội.

Khởi nguồn của việc cầm bút tưởng chừng như đơn giản-kể lại trung thực những điều đã thấy, đã nghe, đã làm, song lại nặng trĩu những cảm xúc, suy niệm, trầm tư của người trong cuộc. Ở cự ly gần, nhìn từ dưới lên, từ trong ra của một-người-lính-bình-thường, họ hiểu hơn ai hết “chiến tranh không phải trò đùa” và trong mỗi người lính “đều chứa đựng rất nhiều điều kỳ diệu và bí ẩn để mình học hỏi” (Mùa chinh chiến ấy). Nếu như trước năm 1975, hiện thực chiến tranh chủ yếu được soi rọi bằng cái nhìn sử thi, hào hùng và cảm hứng lạc quan, lãng mạn; đến nay, mặc dù cái nhìn và cảm hứng ấy vẫn được duy trì trong những trang viết về chiến tranh, song đã bắt đầu xuất hiện cái nhìn đa chiều, trần trụi hơn ở nhiều góc độ: Bi tráng, khốc liệt; đời tư, thế sự, nhân văn; văn hóa, tâm linh. Dù đó là cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc trên chính mảnh đất quê hương; hay là cuộc chiến thực thi nghĩa vụ quốc tế trên đất nước bạn; nhưng tất cả đều có điểm chung ở sự khốc liệt, bi tráng, hào hùng. Được sống và chiến đấu trong những thời điểm cam go nhất của lịch sử, họ luôn có mặt ở những điểm “nóng” của cuộc chiến. Đó là Mặt trận Quảng Trị máu lửa (Được sống và kể lại, Quảng Trị 1972-Hồi ức của một người lính), chiến trường B3 Tây Nguyên ác liệt (Hồi ức lính), hay chiến trường biên giới Tây Nam hẻo lánh (Lính Hà, Chuyện lính Tây Nam)…

Và cũng từ đây, gương mặt người lính hiện lên rất đời, rất người. Đa phần họ là những người trẻ, thế hệ thứ ba cầm súng ra chiến trường, vừa quen thuộc vừa tươi mới so với thế hệ cha anh. Chân dung tinh thần lính chiến được các tác giả khắc họa sinh động, nhiều chiều: Vẻ hào sảng, bi tráng; nét trữ tình, lãng mạn; chất hồn hậu, bình dị; sự trẻ trung, hóm hỉnh. Bước chân đầu tiên vào đời là cuộc sống quân ngũ, những chiến binh cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân đã giao phó. Cuộc sống nơi trận mạc đã rèn luyện cho người lính những phẩm chất tuyệt vời, và cũng là nơi thắp sáng vẻ đẹp tâm hồn cao thượng. Và chính trong thử thách nghiệt ngã này, số phận và nhân tính của người lính được các nhà văn thể hiện chân thực đến nghẹn lòng. Song dù phải đối diện với những thử thách khốc liệt từ bên ngoài và bên trong, nhưng người lính đã can trường vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, chiến thắng hoàn cảnh, bản thân, quyết tâm chiến đấu để góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Với những trang hồi ức ấm nóng, các tác giả đã trở thành người thư ký trung thành của thời đại, nói về thế hệ mình-tiếng nói được cất lên từ lương tâm người lính, từ ý thức trách nhiệm của con người với Tổ quốc, quê hương, với đồng đội-những người còn sống, những người đã khuất, với thế hệ hôm nay và mai sau. Câu chuyện của người lính về chính mình và đồng đội đã truyền được cảm xúc cho người nghe; và chắc chắn sẽ còn sống lâu dài trong tâm khảm những người đã từng hay chưa từng bước qua cuộc chiến.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/van-xuoi-phi-hu-cau-ve-chien-tranh-569249