Văn xuôi ở vùng đất bên bờ di sản

Hội VHNT TP Hạ Long hiện có 30 hội viên ở Ban Văn xuôi. Nhìn chung, các tác giả đang sinh sống và viết văn tại TP Hạ Long là những cây bút vững vàng được bạn đọc trong và ngoài tỉnh biết đến.

Văn nghệ sĩ thực tế sáng tác trên Vịnh Hạ Long.

Văn nghệ sĩ thực tế sáng tác trên Vịnh Hạ Long.

Các tác giả văn xuôi đang sinh sống trên địa bàn TP Hạ Long đã có nhiều tác phẩm xuất bản đưa số lượng ấn phẩm tăng cao. Trong 5 năm vừa qua, Hạ Long đã có hơn 100 đầu sách được các tác giả văn xuôi xuất bản thuộc các thể loại như truyện, ký và tiểu thuyết. Một số tác giả dù là ở lĩnh vực khác rẽ ngang nhưng cũng đã lấn sân sang thử sức ở thể loại dài hơi hơn đó là tiểu thuyết: Nguyễn Thị Huệ Ninh với “Cây nước mắt”, Phạm Ngọc Hưng với “Ngôi đình xưa”, Ngô Hải Đảo với “Lửa cháy sông Mang”, Hoàng Tuấn Dương với “Cửa rừng” v.v..

Lực lượng viết văn ở TP Hạ Long đã kế thừa truyền thống của giai cấp công nhân, truyền thống của người thợ mỏ. Họ cũng là lực lượng tiêu biểu cho những người sáng tác về đề tài công nhân mỏ, đề tài biển đảo, đề tài biên giới. Sống ở thành phố bên bờ di sản nên lực lượng viết văn đã và đang tập trung phản ánh đề tài biển đảo mà cụ thể nhất là Vịnh Hạ Long. Vì thế, có thể nói không quá rằng tác phẩm của họ đang “nhìn ra phía biển”. Có thể kể ra những tác phẩm tiêu biểu như: “Du ca Hạ Long” của Vũ Thảo Ngọc, “Vịnh Hạ Long - Hành trình một kỳ quan” của Thi Sảnh, “Ca dao dân ca của dân chài trên Vịnh Hạ Long” của Tống Khắc Hài v.v..

Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi của các tác giả, văn xuôi ở vùng đất bên bờ di sản đã có những thành tựu rực rỡ. Một số nhà văn, nhà thơ đã được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT như: Trần Nhuận Minh, Lý Biên Cương, Dương Hướng. Nhiều tác giả được chọn in vào các tuyển tập văn xuôi được giải thưởng của các báo, tạp chí, nhà xuất bản và của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Dương Hướng với tiểu thuyết “Bến không chồng”, nhà văn Vũ Thảo Ngọc với tiểu thuyết “Ánh đèn lò” được giải của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả Nguyễn Thị Huệ Ninh đoạt giải Cánh diều bạc với tập lý luận phê bình “Tiếp thu giá trị văn hóa dân gian để viết kịch bản phim truyện truyền hình”. Nhà văn trẻ Đinh Phương đoạt giải “Văn học tuổi 20” của NXB Trẻ. Nhiều tác giả khác đã đoạt giải cao giải thưởng Văn nghệ Hạ Long của UBND tỉnh như: Tống Khắc Hài, Mai Phương, Tạ Kim Hùng, Đinh Phương, Nguyễn Thị Huệ Ninh v.v..

Lãnh đạo tỉnh tham quan không gian trưng bày tác phẩm của văn nghệ sĩ tại TP Hạ Long.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, văn xuôi đang bị hẫng hụt rất lớn đội ngũ kế cận. Có lúc niềm hy vọng được nhen nhóm lên khi lực lượng sáng tác trẻ ở Quảng Ninh xuất hiện một vài cây bút như: Vũ Thảo Ngọc, Nguyễn Thanh Nga, Đinh Phương, Nguyễn Thị Hạnh v.v.. Tuy nhiên, trên con đường văn chương vốn có quá nhiều lối rẽ, không ít người trong số các cây bút trẻ đó đã dừng bước, chuyển hướng sang lĩnh vực khác, hay có người vẫn viết nhưng dần đánh mất đi cái xông xáo buổi ban đầu, mãi quẩn quanh với lối đi quen thuộc dễ tạo cảm giác nhàm chán cho người đọc; có người chuyển công tác đi nơi khác làm cho đội ngũ viết văn trẻ ở địa phương vốn đã mỏng nay lại càng thưa vắng. Thêm nữa, các tác giả văn xuôi lại ít khai thác đề tài người thợ mỏ, đề tài công nghiệp sản xuất than. Theo nhà văn Dương Hướng, viết về đề tài ngành than nói chung và người công nhân nói riêng những năm gần đây đều ít đi. Số lượng công nhân thì ngày càng tăng lên nhưng nghịch lý là tác phẩm viết về họ lại có xu hướng giảm đi.

Nói về lực lượng sáng tác văn xuôi ở thành phố bên bờ di sản, nhà văn Vũ Thảo Ngọc, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, những nhà văn, nhà thơ đang gắn bó với Hạ Long như: Lê Hường, Nguyễn Châu, Tạ Kim Hùng, Trần Nhuận Minh, Thi Sảnh, Lê Toán, Nguyễn Đăng Sâm đang có những đóng góp không nhỏ về văn học nghệ thuật không chỉ cho thành phố mà còn ở phạm vi toàn tỉnh thậm chí toàn quốc. Một số nhà văn trưởng thành từ Hạ Long đã đạt được các giải thưởng trên phạm vi toàn quốc như: Nguyễn Châu, Thi Sảnh, Mai Phương, Trịnh Công Lộc, Đinh Phương.

Nhìn chung, cảnh đẹp và con người Hạ Long đã tạo ra nguồn động lực, tạo sức bật mạnh mẽ để cho nhiều cây bút trưởng thành vững vàng hơn về nghề nghiệp và vươn xa hơn ra những sân chơi lớn hơn trong sáng tác của mình. Và một lần nữa những sáng tác đó lại quay trở lại làm đẹp hơn cho thành phố, làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần của những con người đang sống ở mảnh đất bên bờ di sản.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201905/van-xuoi-o-vung-dat-ben-bo-di-san-2440260/