Vẫn vang khúc quân hành

Thế hệ trẻ hôm nay biết ơn và trân trọng những giá trị mà thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh máu xương, tuổi trẻ để mang lại. Những giá trị đó không chỉ là độc lập, tự do của dân tộc mà còn là nghị lực vươn lên, niềm tin cuộc sống, yêu đời, yêu người để vun đắp niềm tin vào tương lai phía trước.

Các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn văn nghệ tặng thương binh.

Luôn lạc quan yêu đời, vươn lên vượt khó

Dẫu câu chuyện về những tấm gương nghị lực vươn lên trong cuộc sống của các thương binh nặng đang an dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên (Hà Nam) đã được báo chí và xã hội nhắc tới nhiều, nhưng không ít lần những đoàn viên, thanh niên trong đoàn công tác của chúng tôi vẫn rơi nước mắt. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Cường là thương binh nặng đã điều dưỡng tại trung tâm hơn 30 năm qua. Ông bị thương vào cột sống, từ ngực trở xuống không còn biết đau đớn, nóng lạnh. Sinh hoạt hằng ngày gắn với chiếc xe lăn, nhưng chỉ với hai bàn tay và nghị lực sống ông đã làm đủ mọi việc như bất cứ một người thường nào. Đó là giặt giũ, nấu cơm, quét nhà, làm vườn... Ông không lấy vợ nhưng có một người con nuôi. Đến nay, người con nuôi đó đã trưởng thành, trở thành sĩ quan quân đội.

Vợ chồng thương binh nặng Trần Văn Quý có 6 người con, tất cả đều tốt nghiệp đại học (2 người là bác sĩ, 2 người là giáo viên, 1 sĩ quan quân đội và 1 kỹ sư xây dựng). Thành tích nuôi dạy con đó quả là mơ ước của bất cứ gia đình nào. Khi được hỏi bằng cách nào mà vợ chồng thương binh nặng có thể làm được điều đó? Ông cười hồn hậu nói: “Nhờ truyền thống cách mạng của quân đội, nhờ truyền thống hiếu học của gia đình”. Điều ông thường nói với các con là: "Hãy nhìn vào tấm gương của cha, của các bác, các chú trong trung tâm đã hy sinh máu xương, tuổi trẻ để có được hòa bình hôm nay, các con hãy cố gắng học để xây dựng đất nước, như vậy mới xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước".

Hai câu chuyện về nghị lực của những thương binh nặng kể trên không phải là trường hợp cá biệt ở trung tâm, dường như trong tất cả đều có những nội lực mạnh mẽ, niềm tin sắt đá và cả tấm lòng nhân ái. Đồng chí Nguyễn Sĩ Lương, Giám đốc trung tâm cho biết: “Trung tâm đứng chân tại huyện Duy Tiên từ năm 1973, lúc cao nhất chăm sóc, điều trị 700 thương binh nặng đến từ khắp cả nước. Trong số đó không ít người đã từng bi quan, tiêu cực nhưng được sự quan tâm, chăm sóc của nhân viên, bác sĩ trong trung tâm và đặc biệt là từ cộng đồng, xã hội, nhiều người đã tìm lại sự lạc quan, yêu đời. Tôi biết rằng trong họ luôn chứa đựng phẩm chất nghị lực, đó là bản chất của Bộ đội Cụ Hồ”.

Các thương binh Trại điều dưỡng thương binh Duy Tiên biểu diễn văn nghệ tặng đoàn công tác.

Nghị lực thương binh tiếp thêm cảm hứng

Trong đoàn công tác hôm nay không chỉ có đoàn viên, thanh niên của các cơ quan, đơn vị mà còn cả những thợ cắt tóc đến từ Công ty TNHH Nghệ thuật và Thời trang Leslie Academy. Trưởng đoàn là anh Leslie Đỗ, một Việt kiều Na Uy, cũng là giám đốc của công ty này. Anh Leslie Đỗ cho biết đoàn có 6 người, đều là những thợ đã đoạt giải “cây kéo vàng” trong các cuộc thi về thời trang tóc cấp quốc gia. Sắp tới, 4 trong số 6 người này sẽ đi tham gia hội thi tay nghề ASEAN ở Thái Lan và mục tiêu xa của họ là tham gia vào cuộc thi thế giới về tạo mẫu tóc. Lý do mà Leslie Đỗ rất hăng hái cho nhân viên mình tham gia là “muốn để các bạn ấy học được nghị lực từ các thương binh”. Anh nói: “Nghề cắt tóc giờ đã thành một nghề có yếu tố nghệ thuật cao. Mà nghệ thuật là sáng tạo và đam mê. Tất cả những điều đó lại cần một nền tảng nghị lực vươn lên vượt qua chính mình, vượt lên hoàn cảnh. Đó chính là bài học tôi muốn các em học được từ đây”.

Đồng quan điểm với Leslie Đỗ, anh Đoàn Quang Huy, Bí thư Đoàn thanh niên cơ sở, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, cho biết: “Ngoài việc học nghị lực từ các bác, các chú, tôi còn muốn các nghệ sĩ trong đoàn có thêm trải nghiệm và cảm xúc từ thực tế. Hãy tưởng tượng xem khi hát những bài ca ngợi sự hy sinh lớn lao của thế hệ đi trước, nếu không biết khai thác cảm xúc, người thể hiện ca khúc sẽ rất thiếu tình cảm, khó thuyết phục người nghe”.

Trong cuộc giao lưu hôm nay không chỉ có những bạn trẻ được truyền cảm hứng mà cả những nghệ sĩ già từng bước qua chiến tranh cũng có được những cảm xúc thăng hoa. Họa sĩ Hải Nghiêm gặp lại nhiều đồng đội cùng đơn vị. Ông nói rằng, lâu rồi không được ký họa những người lính trận, hôm nay được vẽ rất “đã tay”. Các họa sĩ quân đội khác như Bùi Quang Đức, Triều Hải, Đoàn Thân, Trần Đức Thức cũng đã ký họa chân dung của nhiều người, tặng tranh cho các thương binh. Các NSND Tự Long, NSƯT Hà Vi, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Duy Ứng cũng có các tiết mục văn nghệ tặng thương binh và mọi người.

Trong những ngày hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ này, cả trong và ngoài nước vẫn đang diễn ra nhiều hoạt động tri ân người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta. Những tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế” với nghị lực và niềm lạc quan sẽ là cảm hứng cho xã hội noi theo.

Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên (Hà Nam) vừa diễn ra chương trình tri ân “Vang mãi khúc quân hành” do Đoàn thanh niên Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức. Chương trình quy tụ gần 100 đoàn viên, thanh niên của nhiều cơ quan, đơn vị quân đội và công an cùng các doanh nghiệp. Chương trình còn có sự tham gia của các họa sĩ quân đội đến vẽ tranh; các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn văn nghệ; nhân viên của Công ty TNHH Nghệ thuật và Thời trang Leslie Academy đến cắt tóc cho các thương binh.

Bài và ảnh: LÊ NGUYÊN PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/van-vang-khuc-quan-hanh-544214