'Văn Toàn đá thế, hết đất cho Công Phượng'

Đó là nhận xét của một nhóm CĐV Việt Nam rời sân Thuwunna hả hê sau chiến thắng. Họ ấn tượng với Văn Toàn và cảm thấy cơ hội dành cho Công Phượng ngày càng nhỏ lại.

Văn Toàn vốn không phải người cạnh tranh trực tiếp vị trí với Công Phượng ở ĐT Việt Nam. Nhưng Văn Toàn đang lớn nhanh như thổi, còn Công Phượng thì chững lại.

Ở lứa tuổi U19, Văn Toàn chỉ là kép phụ so với Công Phượng. Trong mắt thầy Giôm và bầu Đức, Công Phượng là hạt nhân của lối chơi, còn Văn Toàn mới là dạng tiềm năng và cần giải quyết bài toán “mỏng cơm”.

Công Phượng không được vào sân ở trận mở màn AFF Cup 2016. Ảnh: Quốc Bảo.

Chính vì thế, Công Phượng sớm được đi du học cùng những nhân tố nổi bật nhất của “lò” đào tạo HAGL, còn Văn Toàn thì ở lại chơi một mùa V.League dự báo đầy chông gai.

Nhưng từ đám chông gai đó, Văn Toàn thoát khỏi cái bóng của những đồng đội ưu tú cũ. Anh không chỉ chiếm được cảm tình của người phố Núi mà còn tạo dấu ấn cho HLV Hữu Thắng, khi ông mới ngồi ghế thuyền trưởng ĐT Việt Nam.

Hữu Thắng chọn Văn Toàn cho sự khởi đầu của mình, một quyết định bất ngờ với khá nhiều người vào thời điểm đó. Nhưng tấm chân tình của ông đã được cầu thủ Hải Dương đáp lại bằng kết quả như mơ (một cú đúp cùng Công Vinh trong trận thắng Đài Loan 4-1).

Từ thời điểm đó, vị trí của Văn Toàn ngày càng được khẳng định vững chắc. Anh nằm trong nhóm cầu thủ được sử dụng thường xuyên nhất, cùng với Công Vinh, Ngọc Hải, Đình Luật, Xuân Trường…

Công Phượng thì ngược lại. Từ khi sang Nhật ngồi dự bị dài dài, tiền đạo xứ Nghệ không thể chứng minh được sự cần thiết của mình trong các sơ đồ chiến thuật của Hữu Thắng.

Dù Hữu Thắng luôn chọn sẵn cho Công Phượng một chỗ trong các đợt gọi tập trung đội tuyển, rõ ràng là khả năng được thi đấu của Công Phượng không cao. Lúc này, ĐT Việt Nam tại AFF Cup đang tôn thờ lối đá chặt chẽ và cẩn trọng.

Có một điều đáng chú ý là HLV Hữu Thắng không gò ép Công Phượng phải chơi đồng đội như Miura. Ông còn khuyến khích Công Phượng rê dắt, qua người trong các buổi tập. Để anh đóng vai “phá cách” khi cần.

Tuy nhiên, “nguy hiểm” cho Công Phượng là kiểu chơi phá cách này đang được Văn Toàn thực hiện đều đặn và ngày càng hiệu quả. Sự khác biệt nằm ở chỗ Văn Toàn đá chính, còn Công Phượng thì không.

Văn Toàn đang hoàn thiện kỹ năng qua người "ngọt" không kém gì Công Phượng. Anh lại hiệu quả hơn Công Phượng ở sự phối hợp với đồng đội. Ảnh: Quốc Bảo.

Vốn dĩ Văn Toàn được ưu tiên sử dụng bởi anh có tốc độ và đóng rất xuất sắc vai một tiền đạo ảo từ biên đánh thốc vào trung lộ. Giờ đây, Văn Toàn lại đang hoàn thiện thứ vũ khí vốn là “đặc sản” của Công Phượng: đột phá.

Trong trận mở màn AFF Cup 2016, Văn Toàn chính là người chơi “rộ” nhất trong hiệp 1 chứ không phải Văn Quyết với bàn mở điểm. Cầu thủ HAGL liên tục có những pha dốc bóng qua 2, 3 đối thủ, xé toang đội hình phòng thủ của Myanmar.

Trong bàn thắng của Văn Quyết, Xuân Trường thực hiện một đường chuyền sắc lẹm, nhưng không thể quên pha di chuyển khôn ngoan của Văn Toàn buộc hậu vệ chủ nhà phải hốt hoảng bỏ vị trí, giúp Văn Quyết như vào chỗ không người.

Lúc này, Văn Toàn đang được HLV Hữu Thắng bố trí đá khá tự do. Anh đảm nhiệm hành lang phải, nhưng thường xuyên cầm bóng đi vào giữa. Như cá gặp nước, cầu thủ “mỏng cơm” ngày nào đã tạo cho mình một chân đế trên tuyển rất dày.

Nhìn Văn Toàn sải bước, không thể không chạnh buồn cho Công Phượng. Mái tóc rối bù, Công Phượng miệt mài tập giữa giờ nghỉ với hy vọng được vào đá ở hiệp 2. Nhưng thế trận không cho phép.

Khi Trọng Hoàng, Thành Lương lần lượt vào sân, nhiều khán giả thầm mong Hữu Thắng sẽ dành suất cuối cùng cho Công Phượng. Tuy nhiên, đó lại là thời điểm cách biệt mong manh, và Văn Thắng được dùng bởi anh đá an toàn, đơn giản.

Đá an toàn, đơn giản chưa bao giờ là thế mạnh của Công Phượng cả. Nhưng đá lắt léo, đột biến, bây giờ Hữu Thắng có thể trông cậy Văn Toàn. Cơ hội dành cho Công Phượng có vẻ đang ở rất xa…

Quốc Bảo (từ Yangon, Myanmar)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/van-toan-da-the-het-dat-cho-cong-phuong-post699425.html