Vẫn thiếu giáo viên dạy học sinh khuyết tật ở TPHCM

Cơ quan quản lý cũng thừa nhận việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật cho học sinh nhiều nơi chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành giáo dục đặc biệt ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ sở, nhất là đối với những trường có nhiều học sinh học hòa nhập.

Sáng 25-10, tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 khối giáo dục đặc biệt do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP) cho biết, năm học 2018-2019, toàn TP có 21 trường chuyên biệt, 12 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tiếp nhận học sinh chuyên biệt (học sinh khuyết tật mức độ nặng) và 725 trường công lập từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT dạy học sinh hòa nhập (học sinh khuyết tật mức độ nhẹ, đủ khả năng học hòa nhập với học sinh bình thường tại các trường phổ thông công lập). So với năm học trước đó, tổng số học sinh hòa nhập tăng 376 em ở 8 trường và 28 lớp.

Hiện nay, cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh khuyết tật tại các trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ sở và hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,3.

Riêng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục có học sinh học hòa nhập được hưởng phụ cấp ưu đãi theo mức: Tiền lương 1 giờ dạy của giáo viên x hệ số 0,2 x tổng số giờ dạy thực tế của giáo viên.

Học sinh khuyết tật được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của nhà nước về an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, có quyền tham gia hòa nhập với cộng đồng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... Căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng và năng lực từng học sinh, nhà trường sẽ quyết định miễn, giảm nội dung môn học hoặc giảm số lượng môn học cho các em.

Đến nay, chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh được giữ vững và ngày càng được nâng cao thể hiện qua các hoạt động tại cơ sở. Công tác truyền thông, tư vấn được thực hiện thường xuyên nhằm phục vụ tốt việc vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng thừa nhận việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật cho học sinh nhiều nơi chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành giáo dục đặc biệt ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ sở, nhất là đối với những trường có nhiều học sinh học hòa nhập.

Cần thêm nhiều chính sách thu hút giáo viên dạy trẻ khuyết tật

Cần thêm nhiều chính sách thu hút giáo viên dạy trẻ khuyết tật

Ngoài ra, đại diện Sở GD-ĐT cho biết, đội ngũ giáo viên tại các trường chuyên biệt có biến động trong những năm gần đây. Trong đó, nhiều giáo viên xin nghỉ việc, chuyển công tác khác gây khó khăn cho việc duy trì và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Bên cạnh đó, số lượng học sinh học hòa nhập và chuyên biệt ngày càng tăng khiến các trường áp lực nhiều về sĩ số, cơ sở vật chất không đủ đáp ứng nhu cầu về chỗ học cũng như các điều kiện phục vụ cho từng dạng tật như thiết bị dạy học, phương tiện sinh hoạt, phòng hỗ trợ hòa nhập...

Đặc biệt, việc giảm sĩ số học sinh trên lớp khi tiếp nhận học sinh khuyết tật tại các trường dạy học hòa nhập chưa thực hiện được, gây ảnh hưởng chất lượng giảng dạy. Một số địa phương chưa có kế hoạch xây dựng cơ sở giáo dục đặc biệt để hỗ trợ trẻ khuyết tật tại địa phương, nhiều trường chuyên biệt chưa thực hiện việc mở rộng đối tượng, dạng tật nên hạn chế trong việc tiếp nhận học sinh.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy học sinh khuyết tật, Sở GD-ĐT TP kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, giới thiệu các chương trình giáo dục nghề cho đối tượng học sinh khuyết tật với những dạng tật và mức độ tật khác nhau, song song với các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật.

Ngoài ra, TP cũng kiến nghị có thêm chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhân viên khối gián tiếp trong trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/van-thieu-giao-vien-day-hoc-sinh-khuyet-tat-o-tphcm-624545.html