Vẫn tha thiết một nỗi đời xanh

Nếu theo lối tính tuổi ngày xưa, nhà thơ Vương Tâm đã bước qua ngưỡng 'nhân sinh thất thập cổ lai hy' từ lâu, ấy thế nhưng ông vẫn còn trẻ lắm. Trẻ trong cái sự lọ mọ đi nhiều, gặp nhiều, viết nhiều không mỏi mệt. Và trẻ cả trong tâm hồn thơ vẫn ríu rít nỗi yêu đời yêu người 'dịu dàng bừng sáng nụ cười'. Mới đây, tập 'Thơ chọn Vương Tâm' (NXB Hội Nhà văn, 2020) đã ra mắt độc giả, là tập thơ thứ 14 trong gia tài thi ca của ông, đánh dấu quãng đời 40 năm đồng hành cùng thơ kể từ tập thơ đầu tay 'Đất rộng trời xanh' (1980).

Đọc thơ Vương Tâm, với tôi, lúc nào cũng cảm thấy có niềm vui. Thơ ông như chính con người ông vậy, cứ thủ thỉ, dịu dàng mà ấm áp. Dẫu nhà thơ viết về nỗi cô đơn, về sự ly biệt, về những bộn bề lo toan hay: “Có nỗi buồn xa lạ/ Bỗng dưng ướt đẫm tâm hồn/ Vách ngăn vô tình sẻ chia đôi ngả/ Xộc xệch hai màu trắng đen”, thì ẩn sau con chữ vẫn ánh lên sự lạc quan: “Vượt qua mọi niềm vui toan tính/ Và cùng em đi suốt cuộc đời”. Thậm chí, ngay cả lúc đã dự cảm trước: “Rồi thời gian cuốn bay vèo/ Tôi như chiếc lá vàng theo đất trời” thì nhà thơ cũng không lo lắng, ưu phiền, nuối tiếc, mà ông luôn tin rằng đó là một vòng luân chuyển để vạn vật lại được sinh sôi: “Thế rồi ngày ấy tôi rơi/ Ủ cho cây khát bật chồi non tơ”.

Dấu ấn tuổi tác được Vương Tâm ghi nhớ trong thơ của mình: “Ông già, ấy chính là ta/ Mới đây mười tuổi nay đà bảy mươi/ Vẫn mơ mộng suốt một đời/ Vẫn ngơ ngẩn với nụ cười trước hoa”. Nhưng, ở bất kể tuổi nào, tâm hồn thi sĩ vẫn ngân lên giai điệu thơ. Dù là lúc nhà thơ chơi với cháu trong “Trốn tìm”: “Ông muốn trốn cuộc đời/ Sau lo toan phiền muộn/ Cháu như làn gió cuốn/ Kéo ông về tuổi thơ”. Là khi “rũ bụi đường dài” trong “Hương bồ kết”: “Bây chừ tóc bạc cậu ơi/ Quay về với chị nửa đời xa quê”. Hay là niềm mong mỏi “Bố mỗi ngày một già/ Đoạn đời càng ngắn lại/ Chờ các con về nhà/ Sấm rền trời tê tái” (Ghi trong mưa)... thì một đời khát vọng, một đời mê mải kiếm tìm của nhà thơ cũng kết lại trong “Nỗi đời còn xanh”: “Tuổi già, như có, như không/ Trái tim vẫn trẻ tận cùng buồn vui”.

“Bằng chứng” của trái tim vẫn trẻ ấy là số lượng bài thơ tình chiếm tỷ lệ cao trong tập thơ. Có thể thấy thi sĩ Vương Tâm vẫn da diết nỗi nhớ niềm yêu với “Mãi mãi bên em”, “Anh yêu em”, “Huyền diệu nụ hôn”, “Anh cần em”, “Ngắm em hoài không chán”, “Em trong tôi”, “Nhớ”, “Tiếng tình yêu”, “Chút lãng mạn”, “Khi vắng em”, “Giai điệu tình ca”, “Trái tim để quên”, “Gửi cho người đã chia tay”... Không chỉ 99 bài thơ trong phần “Độc ẩm” mới dâng tràn cảm xúc của “nụ em”, “mùa em”, “lời em”, “nỗi em”, “và em”, “nước mắt em”, mà bóng hình “nàng thơ” của Vương Tâm xuất hiện cả ở những thi phẩm vốn không phải thơ tình. Trong phần “Nỗi đời xanh”, dễ dàng gặp một Vương Tâm tha thiết “Để yêu em đến trọn đời/ Để thêm gần gũi muôn người bên tôi”.

Thơ Vương Tâm ít “chơi” với thể loại tự do, nhưng ở tập “Thơ chọn Vương Tâm” có không ít bài thơ nhịp điệu tự do hay như “Mưa chiều phố huyện”, “Hạnh phúc”, “Khúc nhạc cổ”, “Hà Nội”, “Đến phòng cung nữ xưa thành Huế”... Trong tập “Thơ chọn Vương Tâm”, ông còn dành một phần “đất” cho thơ thiếu nhi với 27 tác phẩm được giới thiệu như “Tiếng kèn cọng rơm”, “Sớm xuân”, “Tên của mẹ”, “Trồng nụ trồng hoa”, “Ký họa ngày xuân”, “Em làm thợ xây”, “Đèn hạt bưởi”...

Ngoài ra, ông còn có 30 tập ký sự, truyện ngắn và tiểu thuyết đã xuất bản, cùng vô số bài viết đăng trên các báo Hànôịmới Cuối tuần, Người Hà Nội, An ninh thế giới...

Vân Hạ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/988696/van-tha-thiet-mot-noi-doi-xanh