Vận tải hàng hải lo chi phí gia tăng do quy định về nhiên liệu

Đánh giá về tình hình hoạt động của vận tải hàng hải và phương hướng trong nửa cuối năm, nhiều doanh nghiệp cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang giúp lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam có sự gia tăng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khá lo lắng về việc các hãng tàu biển chuyển sang dùng nhiên liệu sạch từ đầu năm sau được dự báo sẽ đẩy chi phí vận tải lên cao.

Từ đầu năm 2020, tất cả các hãng vận tải biển phải tuân thủ quy định giảm lượng lưu huỳnh tối đa trong nhiên liệu từ 3,5% xuống còn 0,5% nhằm giảm lượng khí thải. Trong ảnh: Cảng Hải Phòng. Ảnh: S.T.

Từ đầu năm 2020, tất cả các hãng vận tải biển phải tuân thủ quy định giảm lượng lưu huỳnh tối đa trong nhiên liệu từ 3,5% xuống còn 0,5% nhằm giảm lượng khí thải. Trong ảnh: Cảng Hải Phòng. Ảnh: S.T.

Tăng trưởng không như kỳ vọng

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, quý I/2019, hệ thống cảng biển Việt Nam đón hơn 128 triệu tấn hàng hóa, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, lượng hàng hóa container đạt gần 4,1 triệu TEUs. Có được kết quả trên là nhờ kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tại Việt Nam tiếp tục tăng. Cụ thể, trong quý I, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 58,51 tỷ USD, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt gần 58 tỷ USD, tăng lần lượt 4,7% và 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo về sản lượng hàng hóa qua cảng biển trong thời gian tới, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, sản lượng hàng hóa qua cảng biển trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ được nhịp tăng trưởng khi vừa qua hàng loạt các hãng tàu lớn như Maersk, SITC... liên tiếp mở thêm các tuyến dịch vụ vào làm hàng tại các cảng biển khu vực Hải Phòng, Đà Nẵng và Cái Mép - Thị Vải.

Quý I/2019, cũng ghi nhận tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt gần 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 46 tỷ đồng của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Trong đó, sản lượng của khối vận tải biển ước đạt hơn 5,2 triệu tấn, sản lượng container đạt khoảng 74.000 Teus. Khối cảng biển có sản lượng hàng hóa thông qua đạt gần 24 triệu tấn (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018), sản lượng container đạt hơn 1.150 Teus (tăng 42,1% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên theo đánh giá của một số doanh nghiệp vận tải hàng hải, doanh thu quý I/2019 đã không được như kỳ vọng trước đó. Cụ thể, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Trưởng phòng Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Dịch vụ hàng hóa Tài Phát, lợi nhuận quý I/2019 của Công ty thấp hơn từ 25-30% so với quý I/2018. Nguyên nhân chính được ông Phúc chỉ ra là do số lượng tàu của các doanh nghiệp vận tải nước ngoài đã liên tục gia tăng trong thời gian qua. Cùng với đó, việc các doanh nghiệp vận tải nước ngoài mở thêm nhiều chuyến mới trong nội Á cũng khiến các doanh nghiệp nội phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn.

Lo lắng chi phí tăng 8-12%

“Hầu hết các doanh nghiệp vận tải nhỏ thường chỉ khai thác trong các tuyến nội Á, khi các doanh nghiệp vận tải nước ngoài với đội tàu nhiều, tải trọng lớn với mức giá vận tải cạnh tranh hơn nhiều so với các doanh nghiệp vận tải Việt Nam thì việc các doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh được về giá là hết sức khó khăn. Chính vì vậy, ngoài các đơn hàng đã được chúng tôi ký và làm hợp đồng từ cuối năm 2018 thì hầu như chúng tôi không kiếm thêm được đơn hàng nào mới cho 5 tháng đầu năm nay. Trong những tháng tiếp theo, chúng tôi xác định sẽ liên kết với 3 hãng vận tải nữa để nâng chuyến nhằm giảm chi phí từ đó tạo thêm sức cạnh tranh về đơn hàng cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Bùi Phương Thảo, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Xuất nhập khẩu hàng hóa (khối cảng biển) Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải giao nhận Thiên Hòa cho biết, trong những tháng tiếp theo Công ty đã xác định sẽ gặp nhiều khó khăn bởi theo thông báo của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO), từ đầu năm 2020, tất cả các hãng vận tải biển phải tuân thủ quy định giảm lượng lưu huỳnh tối đa trong nhiên liệu từ 3,5% xuống còn 0,5% nhằm giảm lượng khí thải. Việc tuân thủ quy định này sẽ ảnh hưởng đến cước phí tàu biển, đặc biệt là dịp cuối năm khi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu khá lớn.

“Một số hãng tàu đã có thông báo về việc điều chỉnh phụ phí nhiên liệu BAF, cụ thể là sẽ tăng từ 70-100 USD/Teus trên một số tuyến, theo tính toán của chúng tôi việc tăng phụ phí này sẽ làm tăng 8-12% cước phí vận chuyển. Như vậy chắc chắn doanh thu của chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Trong khi nguồn cung đang ngày càng nhiều mà số lượng tàu của các hãng tàu nước ngoài lại ngày càng tăng. Đáng chú ý, hiện nay hàng hóa xuất nhập khẩu đều được các đối tác nước ngoài chỉ định hãng tàu nên sự cạnh tranh trên các đơn hàng còn lại càng gay gắt hơn”, bà Phương Thảo phân tích.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/van-tai-hang-hai-lo-chi-phi-gia-tang-do-quy-dinh-ve-nhien-lieu-106396-106396.html