Vẫn song ca khúc nhạc tình ân cần

Sau 15 năm định cư tại Mỹ, đôi nghệ sĩ Phương Thảo – Ngọc Lễ tái ngộ công chúng yêu nhạc trong nước bằng ca khúc 'Tôi yêu tiếng Việt tôi' và được đón nhận khá nồng nhiệt. Thời gian khắc nghiệt luôn làm thay đổi nhiều thứ, nhưng hình ảnh Phương Thảo – Ngọc Lễ hôm nay vẫn giữ nguyên cảm xúc mà khán giả từng ngưỡng mộ họ qua những ca khúc 'Xe đạp ơi', 'Xa rồi tuổi thơ', 'Ba ngọn nến lung linh'… Họ vẫn là cặp tình nhân tung hứng trên sân khấu và song hành ngoài đời thường một cách chân thành, mộc mạc và ân cần!

Vợ chồng nghệ sĩ Phương Thảo – Ngọc Lễ

Vợ chồng nghệ sĩ Phương Thảo – Ngọc Lễ

Người viết ca khúc “Tôi yêu tiếng Việt tôi” là nhạc sĩ Ngọc Lễ, nhưng hồn vía bài hát đến với đám đông phải cần có sự cộng hưởng của ca sĩ Phương Thảo. Các ca khúc trước đây của nhạc sĩ Ngọc Lễ cũng vậy, và ca khúc “Tôi yêu tiếng Việt tôi” hôm nay cũng vậy: “Tôi yêu tiếng Việt tôi từ khi còn trong nôi. Tôi yêu tiếng Việt tôi. Sắc, nặng, huyền, hỏi, ngã. In sâu tháng năm tuổi thơ với bao mộng mơ đến bây giờ. Mong sao nước Việt tôi, tương lai sẽ sáng ngời. Mong sao cháu con mãi yêu hoài tiếng nước tôi. Sẽ không bao giờ phôi pha, không bao giờ chia xa, không bao giờ quên đi cội nguồn…”.

Trong tình yêu tiếng Việt được bồi đắp qua nhiều thế hệ, nhạc sĩ Ngọc Lễ không phải người đầu tiên tụng ca tiếng Việt. Chính nhạc sĩ Ngọc Lễ cũng thổ lộ bản thân đã được kích hoạt cảm hứng “Tôi yêu tiếng Việt tôi” từ bài hát “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy: “Thưở nhỏ tôi nghe các chị ở nhà thường hát “tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”, thấy sao hay và thiêng liêng quá. Bài hát của bác Phạm Duy tuyệt vời làm rung động tâm hồn một đứa trẻ chỉ thích nhạc Pháp và nhạc Mỹ như tôi. Tôi tự nhủ mình sẽ phải viết một bài về cái tiếng nói của cha mẹ mình nói, tiếng nói đã theo mình từ lúc còn trong nôi, nhưng mãi vẫn chưa viết xong. Khi sang Mỹ sống tôi mới càng cảm thấy thương tiếng Việt mình, lúc nào cũng lo con mình sẽ quên tiếng Việt thì làm sao trò chuyện với người thân ở Việt Nam được. Nhiều cha mẹ người Việt ở Mỹ rất khổ tâm khi không trò chuyện thân mật với con cái được vì bọn trẻ không biết tiếng mẹ đẻ. Điều này càng làm tôi muốn viết một bài về tiếng Việt. Thế là tôi ngồi viết rồi cùng Phương Thảo hòa âm và thu âm tại nhà. Lúc thu cả hai chúng tôi cũng đều rất xúc động bởi chính bài hát mình viết. Cảm thấy thật tự hào vì cùng bạn bè mỗi người góp một tay làm đẹp cho tiếng Việt mến yêu của chúng ta”.

Ca khúc “Tôi yêu tiếng Việt tôi” không chỉ mang giá trị một lời tự tình của người Việt xa quê, mà còn đánh dấu sự trở lại của một trong những đôi tình nhân đẹp nhất showbiz Việt. Năm nay nhạc sĩ Ngọc Lễ đã 52 tuổi, còn ca sĩ Phương Thảo nhỏ hơn một tuổi, nhưng ánh mắt họ nhìn về đối phương vẫn nồng nàn như tuổi đôi mươi. Nếu ai đó trót tin rằng, tình nghệ sĩ luôn bèo dạt mây trôi, thì cũng phải nghĩ lại khi nhìn Phương Thảo – Ngọc Lễ.

Năm 20 tuổi, cô gái Văn Thị Kim Lang rời Sa Đéc lên Sài Gòn lập nghiệp, với nghệ danh Phương Thảo. Khởi điểm của ca sĩ Phương Thảo là ban nhạc Đen Trắng, mà nhạc sĩ Ngọc Lễ cũng là một thành viên chủ lực. Ca sĩ Phương Thảo mang hai dòng máu Việt - Mỹ lúc ấy cũng chưa từng biết mặt cha ruột của mình. Giữa nơi đô hội chen lấn và dửng dưng, ca sĩ Phương Thảo nhận được sự giúp đỡ đặc biệt của nhạc sĩ Ngọc Lễ. Không chỉ viết riêng tặng ca khúc “Ai cho tôi tình yêu”, nhạc sĩ Ngọc Lễ còn ra sức cổ vũ hết ca sĩ Phương Thảo ứng thí cuộc thi “Tuyển chọn giọng hát hay TPHCM năm 1989”. Kết quả, cô ca sĩ “lai” với những lời ca ngậm ngùi “Từng buổi chiều buồn qua đây thấy đôi lứa yêu nhau, sao em vẫn u sầu nghe nỗi buồn dâng tê tái bờ môi. Rồi từng chiều ngồi bâng khuâng nghe cây lá tỏ tình, sao em vẫn một mình ôm bao sầu đau đêm dài thương nhớ” đã giành được vị trí cao nhất và lập tức thành danh. Năm 1993, họ chính thức góp gạo thổi cơm chung. Trên chiếc xe cúp màu đỏ vừa cũ kỹ vừa bền bỉ, Ngọc Lễ chở Phương Thảo đi hát. Nhạc sĩ Ngọc Lễ ôm cây ghi ta cũ cùng ca sĩ Phương Thảo bước lên sân khấu, và tiết mục song ca của họ trở thành đặc sản của những tụ điểm ca nhạc.

Khi còn trong ban nhạc Đen Trắng, nhạc sĩ Ngọc Lễ chỉ hứng thú viết thể loại rock. Thế nhưng, từ khi ca sĩ Phương Thảo nhón chân vào đời mình, nhạc sĩ Ngọc Lễ thay đổi hẳn phong cách sáng tác. Vì sao? Vì Ngọc Lễ muốn có ca khúc phù hợp với ca sĩ Phương Thảo, mà anh nửa đùa nửa thật: “Tôi phải viết làm sao để vợ hát chính, chồng hát phụ thì mới chạy show được!”. Tình yêu ấy đã đem lại cho công chúng nhiều bài hát thú vị như “Xe đạp ơi” hoặc “Cà phê một mình”. Khi đứa con gái đầu tiên chào đời, nhạc sĩ Ngọc Lễ lại có cảm hứng viết những ca khúc thiếu nhi như “Ba ngọn nến lung linh” hoặc “Con heo đất”…

Sau hơn một thập niên như hình với bóng, đôi tình nhân Phương Thảo – Ngọc Lễ trở thành một thương hiệu ăn khách. Gia đình của họ cũng đầy ắp tiếng cười yên ấm. Tuy nhiên, có một điều vướng mắc mà nhạc sĩ Ngọc Lễ luôn muốn tháo gỡ cho vợ, đó là đoàn tụ với người cha bên kia bờ đại dương. Cha ruột của ca sĩ Phương Thảo là cựu binh Mỹ- James Mavin Yoder.

Năm 1967, James Mavin Yoder từng quen với một người phụ nữ ở Đồng Tháp để học tiếng Việt, và không ngờ ông để lại một giọt máu tại Việt Nam. Trở về Mỹ, ông James Mavin Yoder lấy vợ và có 4 đứa con. Nhờ người dò hỏi và tìm được tung tích cha ruột, nhưng ca sĩ Phương Thảo vẫn ái ngại cho một cuộc trùng phùng sau bao nhiêu xa cách. Nhạc sĩ Ngọc Lễ chọn phương pháp riêng để ủng hộ vợ mình. Một buổi sáng ca sĩ Phương Thảo thức dậy, bỗng phát hiện trên bàn có ca khúc “Giấc mơ mong manh” mà chồng vừa viết xong: “Ba bỏ tôi khi còn thơ. Mẹ lìa xa tôi một ngày. Một chiều bên sông nhìn quanh. Giật mình thấy không còn ai. Ngôi nhà không tiếng cười vui. Từng ngày qua đi vội vàng. Một chiều bên sông nhìn quanh. Giật mình thấy tôi mồ côi…”. Ca sĩ Phương Thảo hiểu rằng, nhạc sĩ Ngọc Lễ đã sẵn sàng cùng vợ sum họp với người cha ở xứ sở xa lạ.

Cuối năm 2004, Phương Thảo – Ngọc Lễ tạm biệt sự nghiệp tại Việt Nam để sang Mỹ định cư, để ca sĩ Phương Thảo được gần gũi và chăm sóc cha ruột. Nhạc sĩ Ngọc Lễ chia sẻ: “Bây giờ nhìn lại, chúng tôi hoàn toàn không hối hận vì quyết định này. Đôi khi thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình cũng là một điều thú vị. Ở Mỹ, không chỉ con cái có điều kiện học tập tốt hơn mà bản thân vợ chồng tôi cũng học hỏi được nhiều hơn. Trước kia, mình chỉ tập trung làm mà chẳng chịu học, sau đó mới thấy mình còn hổng và thiếu rất nhiều. Giờ thì vừa được làm nghề, lại vừa được bổ sung kiến thức”. Hiện tại, ông James Mavin Yoder đã qua đời, và Phương Thảo – Ngọc Lễ lại tái ngộ “tôi yêu tiếng Việt tôi”.

Tuy Hòa

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/van-song-ca-khuc-nhac-tinh-an-can-101539-101539.html