Văn Quyết, Raul và những danh thủ vô duyên với tuyển quốc gia

Việc một chân sút xuất sắc và có tầm ảnh hưởng lớn ở CLB Hà Nội như Văn Quyết không được triệu tập lên ĐTQG là điều không mới trong lịch sử bóng đá.

1- Eric Cantona: "King Eric" là huyền thoại của Man United nhưng chỉ là cái bóng mờ ở ĐT Pháp. Cantona không thể giúp Les Bleus giành quyền tham dự 2 VCK World Cup 1990 và 1994. Tại Euro 1992, ĐT Pháp với Cantona làm đầu tàu bị loại ở vòng bảng.

Trước thềm Euro 1996, HLV Aime Jacquet quyết định loại Cantona và David Ginola khỏi ĐTQG để đặt niềm tin vào cầu thủ trẻ Zinedine Zidane. Quyết định này đưa ĐT Pháp tới thời kỳ thành công nhất lịch sử với chức vô địch World Cup 1998 và Euro 2000.

2- Raul Gonzalez: Raul là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất của ĐT Tây Ban Nha trước khi David Villa xuất hiện và xô đổ kỷ lục. Dẫu vậy thì ĐT Tây Ban Nha vô duyên với toàn bộ những danh hiệu khi Raul sắm vai đầu tàu. Tại World Cup 1998 và Euro 2004, ĐT Tây Ban Nha thậm chí bị loại ở vòng bảng.

Thành tích cao nhất mà Raul có được cùng ĐTQG chỉ là vòng tứ kết. Sau World Cup 2006, mâu thuẫn giữa Raul và HLV Luis Aragones bùng nổ. Dù Raul sau này xin lỗi Aragones công khai nhưng "Chúa nhẫn" vĩnh viễn bị loại khỏi ĐTQG, và ĐT Tây Ban Nha bước vào giai đoạn thành công nhất lịch sử với 2 chức vô địch Euro liên tiếp, xen kẽ là 1 chức vô địch World Cup.

3- Roy Makaay: Tiền đạo có biệt danh "Bóng ma" là chân sút dội bom của Bayern Munich nhưng Makaay chỉ là cầu thủ dự bị ở ĐT Hà Lan cho Patrick Kluivert và Ruud van Nistelrooy. Makaay chỉ có 6 bàn cho ĐT Hà Lan trong cả sự nghiệp, và chỉ 1 trong số đó đển ở những giải đấu lớn. Bàn duy nhất ấy của Makaay là vào lưới ĐT Latvia ở Euro 2004.

4- Clarence Seedorf. Là cầu thủ duy nhất trong lịch sử vô địch Champions League với 3 CLB khác nhau, nhưng Seedorf không thể hiện được vai trò kỷ lục gia ấy ở ĐT Hà Lan. Dù có 87 trận cho Oranje, nhưng Seedorf không tạo ra quá nhiều dấu ấn ở những giải đấu lớn.
Sau Euro 2004, Seedorf bị gạt khỏi ĐTQG khi HLV Marco van Basten muốn gạt bỏ những công thần không còn hứng thú cống hiến cho ĐTQG. Anh không được triệu tập tham dự VCK World Cup 2006 và Euro 2008.

5- Hernan Crespo: Tiền đạo người Argentina là một trong những trường hợp đen đủi của bóng đá xứ sở tango khi hồi trẻ không cạnh tranh được vị trí với Gabriel Batistuta. Khi về già anh lại lép vế trước Gonzalo Higuain, Sergio Aguero...

Ở giải đấu diễn ra trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp là World Cup 2002, Crespo chỉ là phương án dự bị của Batistuta khi đó đã luống tuổi. World Cup 2006 là giải đấu lớn duy nhất Crespo được coi là "kép chính" của ĐT Argentina, dẫu vậy Albiceleste phải dừng bước ở tứ kết trước ĐT Đức.

6- Giovane Elber: Là chân sút ngoại quốc vĩ đại bậc nhất lịch sử Bayern Munich và Bundesliga, song Elber chỉ là chân sút hạng xoàng tại ĐT Brazil. Giữa một rừng chân sút thượng thặng như Ronaldo, Romario, Bebeto, Edmundo, Rivaldo..., Elber chưa từng được tin tưởng. Anh có 140 bàn cho Bayern trong cả sự nghiệp, nhưng chỉ có 4 bàn sau 12 trận cho ĐT Brazil.

7- Văn Quyết: Là đội trưởng của CLB Hà Nội thống trị V.League nhưng Văn Quyết không có duyên với ĐTQG. Tại AFF Cup 2018, Văn Quyết là cầu thủ đeo băng đội trưởng nhưng không thi đấu dù chỉ 1 phút ở giai đoạn knock-out.

Đó cũng là giải đấu lớn cuối cùng Văn Quyết được triệu tập lên ĐTQG, dù trong màu áo CLB Hà Nội, tiền đạo này liên tục ghi bàn giúp đội bóng thủ đô vô địch V.League 2019 sớm 2 vòng.

Quang Hải bấm bóng kiến tạo cho Văn Quyết ghi bàn Phút 36 trong trận đá bù với đội khách Nam Định ở vòng 22 V.League tối 11/9, Quang Hải có pha bấm bóng tinh tế giúp Văn Quyết nâng tỷ số lên 3-1 cho CLB Hà Nội.

Nhật Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/van-quyet-raul-va-nhung-danh-thu-vo-duyen-voi-tuyen-quoc-gia-post992474.html