Văn Quyến ở đâu trong lịch sử bóng đá Việt Nam?

Sự nghiệp của Văn Quyến với tuyển Việt Nam có những khoảnh khắc trái ngược nhau, nhưng đặc biệt đáng nhớ và để lại dấu ấn chính bởi tất cả những hỉ, nộ, ái, ố ngày đó.

“Công Vinh đã có cố gắng nhưng nếu nói năng khiếu đặc biệt ở thời điểm đó thì Văn Quyến mới là người đặc biệt. Đó là người mà khi đã ra sân đá thì khắp cả nước, đi sân nào, người ta cũng xem đông như Công Phượng, thậm chí còn hơn Công Phượng bây giờ. 18, 19 tuổi, Văn Quyến đã đi đá cho đội Olympic tại Busan (Hàn Quốc)”, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh từng kể lại với Zing.

Giải đấu tại Busan (Hàn Quốc) mà ông Vinh nói tới là ASIAD 2002. Văn Quyến khi ấy đã là hiện tượng sau khi giúp đội U16 Việt Nam đánh bại Trung Quốc và giành vị trí thứ tư tại VCK U16 châu Á năm 2000.

Tuy nhiên, đó lại không phải thời điểm của đội Olympic Việt Nam khi chúng ta thua cả 3 trận, không ghi được bàn nào và rời giải ở vị trí bét bảng.

 Văn Quyến sở hữu tài năng thiên phú nhưng anh có sự nghiệp khá ngắn ngủi. Ảnh: Getty.

Văn Quyến sở hữu tài năng thiên phú nhưng anh có sự nghiệp khá ngắn ngủi. Ảnh: Getty.

Với bóng đá Việt Nam khi ấy, thành tích đó không bất ngờ. Song thất bại năm ấy sau cùng lại mở ra một trong những chiến thắng gây kinh ngạc và đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Hào quang của Quyến

Năm 2003, trên đất Oman trong khuôn khổ Vòng loại Asian Cup. LĐBĐ Việt Nam ngày đó chỉ cử đội U23 đấu với ĐT Hàn Quốc tại vòng loại Asian Cup. Hàn Quốc khi ấy vừa về thứ tư tại World Cup 2002 và sớm cho thấy là đối thủ quá mạnh khi đè bẹp thầy trò Alfred Riedl tới 5-0 ở trận lượt đi.

Là phóng viên duy nhất theo chân đội tuyển ngày đó tới Oman, nhà báo Trương Anh Ngọc không quên điều gì đã diễn ra. “Tôi hỏi nhiều phóng viên Việt Nam khác rằng có đi sang Oman tác nghiệp không thì nhiều người lắc đầu, vì họ tin kiểu gì đội tuyển cũng thua”, anh chia sẻ với Zing.

Sự bi quan ấy của truyền thông Việt Nam trái ngược hoàn toàn với tâm thế tự tin đến mức kiêu ngạo của đối thủ. “Khi đó tôi nói có nói chuyện với trợ lý của đội Hàn Quốc. Họ tỏ ra khinh thường đội Việt Nam, và khẳng định sẽ thắng đến 4,5 bàn”, nhà báo Anh Ngọc nói.

ĐT Hàn Quốc ngày đó đã thua Việt Nam khi không thể kiềm tỏa được Văn Quyến. Ảnh: Getty.

Những gì diễn ra trên sân thật khó tin với những ai không theo dõi trực tiếp. Chúng ta tạo ra cơn địa chấn khi thắng Hàn Quốc 1-0 dù bị ép sân cả trận. Văn Quyến là người ghi bàn vào giữa hiệp 2 sau một pha phản công cực nhanh từ đường chuyền của Tuấn Phong.

Thủ thành giúp Hàn Quốc thắng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy tại World Cup 2002, Lee Won-jea, hoàn toàn bất lực trước cú sục bóng kỹ thuật của Quyến ở pha bóng đối mặt.

Kịch bản ngày đó sốc đến mức những hãng tin uy tín nhất thế giới cũng không tưởng tượng nổi để theo kịp. “Phóng viên AFP khi ấy ngồi trên khán đài có tới hỏi tôi người ghi bàn là ai. Anh ta không hề biết. Tôi phải viết tên Văn Quyến ra cuốn sổ, dạy luôn cách phát âm”, nhà báo Anh Ngọc kể.

Sau khi ghi bàn, Quyến dính chấn thương và không thể đi lại bình thường. Nhà báo Anh Ngọc, người dìu Quyến lên xe để trở về khách sạn, đã hỏi anh tặng bàn thắng lịch sử ấy cho ai: "Quyến nói anh tặng bàn thắng cho tổ quốc và mẹ".

Chiến thắng 1-0 ấy của Việt Nam trước Hàn Quốc khiến cả đất nước rúng động. Dù Internet và mạng xã hội chưa phát triển khi đó, nhưng truyền thông Việt Nam ngày đó nhận thức rất rõ đó là chiến công chưa từng có trong lịch sử của đội tuyển và là thành tích cao nhất từ sau khi hội nhập trở lại.

Trước Quyến, bóng đá Việt Nam chưa từng đi xa đến thế. SEA Games 22 được tổ chức trên sân nhà vào cuối năm đó là sân khấu không thể tuyệt hơn cho Quyến. Chưa tròn 20 tuổi, nhưng Quyến là niềm tin lớn nhất cho chiếc huy chương vàng bóng đá nam SEA Games.

Quyến chứng minh tất cả đã đúng khi đặt niềm tin vào mình. Giải đấu cuối năm 2003 chứng kiến chân sút gốc Nghệ bùng nổ dữ dội. Anh ghi 4 bàn trong cả giải đấu, tất cả đều là những pha lập công ở đẳng cấp cực cao. Trong đó 2 cú đá vào lưới Thái Lan ở vòng bảng và trận chung kết đều mang tới những cảm xúc hiếm thấy.

Hình ảnh Quyến giang tay ăn mừng với biểu tượng chú trâu vàng sau lưng áo trở thành biểu tượng lớn cho cả một thế hệ say mê bóng đá nước nhà với thần tượng chính là tiền đạo xứ Nghệ.

Điều Văn Quyến để lại

Nhiều đứa trẻ sinh vào đầu thập niên 90 tại Nghệ An vẫn không quên những ngày mò ra sân tập trên đường Cửa Nam để theo dõi các cầu thủ Sông Lam Nghệ An tập luyện hồi những năm 2000.

Trong đôi mắt những đứa bé mới chỉ loanh quanh 10 tuổi ấy, thần tượng lớn luôn là một chàng trai đầu chẻ ngôi giữa, tâng bóng như dính vào chân. Chúng vỗ tay thán phục mỗi khi thần tượng sút bóng đi thẳng vào góc chữ A hay tâng bóng được cả trăm quả.

Cũng trên chính cái sân đó, còn có một cầu thủ khác, gầy và vụng, hay tâng bóng hỏng. Thay vì vỗ tay, lũ trẻ lại ê a chế diễu. Thần tượng lớn ấy, là Văn Quyến. Còn anh chàng kia, là Công Vinh.

Trong một thời gian dài, Công Vinh chỉ là cái bóng mờ của Văn Quyến. Cả trong màu áo SLNA lẫn ĐTQG. Văn Quyến có mọi thứ mà CĐV muốn, tài năng, phong cách chơi bóng đặc biệt lẫn những khoảnh khắc bùng nổ không thể tìm thấy người thứ hai.

Văn Quyến ghi bàn lịch sử giúp ĐT Việt Nam đánh bại Hàn Quốc tại Vòng loại Asian Cup 2004.

Sau biến cố lớn vào năm 2005, mọi thứ thay đổi. Quyến đi xuống, còn Vinh bước lên đỉnh cao. Cú lắc đầu tung lưới Thái Lan mang chức vô địch AFF Cup 2008 đưa Công Vinh vào ngôi đền huyền thoại của bóng đá Việt. Sự nghiệp lẫn cuộc đời trong lẫn ngoài sân cỏ của Công Vinh sau đó lên đỉnh cao và đều được chú ý nhất cử nhất động.

Đứng từ thời điểm năm 2020 nhìn lại, Công Vinh có tất cả mọi thứ mà một cầu thủ chuyên nghiệp tại Việt Nam mong muốn: tiền bạc, địa vị đến cả sức hút truyền thông. Quyến đơn giản không thể nào so bì với người đồng đội một thời.

Năm 2009, Quyến trở lại bóng đá. 4 năm xa rời sân cỏ biến Quyến trở thành cái bóng của chính mình. Dẫu vậy, hình ảnh xuất sắc ngày nào vẫn thỉnh thoảng được chân sút xứ Nghệ tái hiện lại trong màu áo SLNA. Cuối năm 2010, Quyến được triệu tập trở lại ĐT Việt Nam dưới thời HLV Henrique Calisto nhưng sau cùng bỏ lỡ cơ hội vì chấn thương.

Hình ảnh Quyến bẽn lẽn nấp sau lưng đồng đội để né tránh ống kính truyền thông ngày đó khiến một bộ phận lớn giới mộ điệu bị ám ảnh. Quyến nói lời chia tay với nghiệp quần đùi áo số vào năm 2014 trong màu áo Ninh Bình. Nhiều năm sau ngày đó, Quyến giờ là HLV đội trẻ tại SLNA, thỉnh thoảng góp mặt trong những chương trình cỡ nhỏ.

Văn Quyến có thể xem là trường hợp tiêu biểu về thứ gọi là tài năng lúa trời của bóng đá Việt Nam. Trời ban cho Quyến đôi chân xuất sắc nhưng cái đầu lại không phải lúc nào cũng chỉ có bóng đá.

Song với mọi vinh quang và tranh cãi, Quyến vẫn để lại nhiều điều cho bóng đá Việt Nam. Trước Quyến, thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức chỉ biết đặt Thái Lan làm mục tiêu đánh bại. Sau Quyến, chúng ta hiểu Việt Nam nhỏ bé có thể làm được điều gì trước những nền bóng mạnh nhất châu Á.

Trước Quyến, không lò đào tạo trẻ nào nhìn nhận được việc phải giáo dục tri thức cho cầu thủ bên cạnh việc rèn luyện đá bóng. Sau Quyến, những buổi học tiếng Anh hay đạo đức trở thành điều không thể thiếu trong thời gian biểu của những lò đào tạo nở ra như nấm khắp cả nước.

Trước Quyến, giới mộ điệu và chuyên môn đều ngờ vực không rõ lý do trước mỗi thất bại. Sau Quyến, cả một thế hệ cầu thủ lớn lên từ những hình ảnh khó quên ấy như Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu... vụt sáng với tư duy và hành động đầy vững vàng: đội U23 hay tuyển Việt Nam có thể thua, nhưng chưa từng bị đặt đấu hỏi về sự nghiêm túc trong hành vi.

Văn Quyến ở đâu trong lịch sử tuyển Việt Nam? Câu trả lời có lẽ là số một. Số một về tài năng, và cả sự tiếc nuối.

Sự nghiệp của Văn Quyến tại cấp độ ĐTQG khó được đánh giá qua con số. Đồ họa: Minh Phúc.

Pha phá lưới Hàn Quốc và những bàn thắng đáng nhớ của Văn Quyến Trước khi giải nghệ vào tháng 4/2014, Phạm Văn Quyến nhiều lần khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam ngất ngây với những khoảnh khắc bùng nổ trên sân cỏ.

Việt Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-quyen-o-dau-trong-lich-su-bong-da-viet-nam-post1069678.html