Văn Phú Invest của ông Tô Như Toàn lợi nhuận 'èo uột', gánh nợ vay hàng nghìn tỷ đồng

Quý I.2019, Văn Phú Invest của ông Tô Như Toàn chỉ đạt trên 2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm tới 63% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nợ phải trả của Văn Phú Invest hiện đang là 4.386 tỷ đồng và dòng tiền kinh doanh bị âm hơn 700 tỷ đồng khiến không ít nhà đầu tư thất vọng.

CTCP Đầu tư Văn Phú Invest (HoSE: VPI) của ông Tô Như Toàn mới đây công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn trên 2 tỷ đồng, giảm tới 86% so với cùng kỳ.

Soi cơ cấu doanh thu của Văn Phú Invest, cả 3 chỉ tiêu doanh thu của Văn Phú đều sụt giảm trong kỳ. Cụ thể, doanh thu từ cung cấp dịch vụ giảm 41%, từ mức 429 triệu của cùng kỳ xuống còn 253 triệu trong quý I.2019. Doanh thu kinh doanh bất động sản cũng là nguồn thu chính của Văn Phú giảm mạnh từ 21 tỷ xuống còn gần 1,7 tỷ trong kỳ, tương đương mức giảm trên 12 lần so với cùng năm 2018. Doanh thu từ hoạt động bán hàng không được ghi nhận trong kỳ, trong khi đó cùng kỳ năm trước mảng này mang về cho doanh nghiệp 5,4 tỷ đồng.

Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của Văn Phú Invest chỉ còn lại gần 600 triệu đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng từ gần 965 triệu đồng lên gần 5,4 tỷ đồng (ước tính tăng 458% so với cùng kỳ). Song song với đó, chi phí từ hoạt động tài chính cũng tăng từ 1,48 tỷ đồng lên hơn 8 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí này là chi phí lãi vay của doanh nghiệp.

Chưa kể, chi phí quản lý doanh nghiệp quý vừa qua cũng tăng nhanh với mức tăng trên 200% so với cùng kỳ năm 2018.

Kết quả, quý I.2019, Văn Phú Invest của ông Tô Như Toàn lãi vỏn vẹn 2,2 tỷ đồng trước thuế và 2,1 tỷ đồng sau thuế, giảm mạnh tới trên 63% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, Văn Phú Invest của ông Tô Như Toàn đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2019 là 3.305 tỷ đồng và 472 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, dù quý I đã kết thúc nhưng doanh nghiệp vẫn đang bỏ rất xa kế hoạch lãi ròng cả năm. So với kế hoạch đặt ra, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong quý I mới đạt lần lượt 0,06% và 0,4%.

Theo giải trình của lãnh đạo Văn Phú lý, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý này của doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm 2018, do công ty mới chỉ ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao một số căn hộ thuộc công trình cao tầng (CT9) dự án khu Đô thị mới Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội). Doanh thu từ các dự án khác của công ty mẹ và các công ty con chưa ghi nhận do chưa bàn giao dẫn tới lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo lưu chuyển dòng tiền của Văn Phú cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện âm 731 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước là âm 247 tỷ. Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính lần lượt là 104 tỷ và 663 tỷ, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối quý, giá trị hàng tồn kho của Văn Phú Invest xấp xỉ 2.128 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản công ty. Giá trị hàng tồn kho của công ty chủ yếu do chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang ở các dự án: Thảo Điền - TP HCM, KĐT An Hưng, Hồ Tây, Ngụy Như Kon Tum… Trong đó, dự án Thảo Điền - TP HCM được nhận chuyển nhượng từ Công ty TNHH Xây dựng Thế Minh ngày 4.4 với tổng giá trị chuyển nhượng 162 tỷ đồng.

Ngoài ra, Văn Phú Invest còn khoảng 760 tỷ đồng ghi nhận trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án Lộc Bình – Thừa Thiên Huế (9,8 tỷ đồng); Dự án Hòa Bình – Quảng Ninh (2,5 tỷ đồng); Dự án 83 Hào Nam (398 tỷ đồng); Dự án Văn Phú Complex (57,4 tỷ đồng); Dự án BT xây dựng tuyến đường Phạm Văn Đồng (207 tỷ đồng); Dự án Khu ẩm thực chợ đêm Hải Phòng (56,9 tỷ đồng); Các dự án khác (28 tỷ đồng).

Cuối tháng 3.2019, Văn Phú Invest của ông Tô Như Toàn ghi nhận khoản nợ phải trả hơn 4.386 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn hơn 2.500 tỷ đồng, nợ dài hạn 1.885 tỷ đồng. Đây cũng là lý do khiến cho chi phí lãi vay của Văn Phú tăng tới 400% trong kỳ vừa qua so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nợ vay và thuê tài chính trong kỳ trên 2.886 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu doanh nghiệp và chiếm 42% tổng tài sản của Văn Phú. Ngân hàng TNHH Indovina – CN Thiên Long hiện đang ngân hàng cho Văn Phú Invest vay trên 755 tỷ đồng, và cũng là mức vốn vay lớn nhất của Văn Phú trong những khoản vay ngắn hạn. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang cho doanh nghiệp vay dài hạn gần 379 tỷ đồng.

Chủ nợ “dài hạn” lớn nhất của Văn Phú Invest là ngân hàng ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Thủ Thiêm với trên 750 tỷ đồng.

Huyền Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/van-phu-invest-cua-ong-to-nhu-toan-loi-nhuan-eo-uot-ganh-no-vay-hang-nghin-ty-dong-977253.html