Thị trường lao động cuối năm có bớt màu xám để bứt phá?

Thị trường lao động Việt Nam thời gian tới vẫn sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch Covid-19. Ngay cả khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, kinh tế vẫn khó bứt phá do chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng, đứt gãy.

Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB-XH, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 29.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính riêng trong quý 2/2020, số lao động thất nghiệp trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) là khoảng 1,3 triệu người, tăng 192.800 người so với quý 1 năm 2020 và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị quý 2 là 4,46%, tăng 1,28% so với quý trước và 1,36% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của khu vực này trong vòng 10 năm qua.

Ảnh minh họa. (Nguồn: KT)

Ảnh minh họa. (Nguồn: KT)

Hiện tại đang là tháng cuối của năm dương lịch 2020 và còn hơn 2 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi so với thời điểm đầu năm, song liệu có thể bứt phá là kỳ vọng của cả doanh nghiệp và người lao động.

Dự báo về thị trường lao động từ nay đến hết năm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, mặc dù hơn 100 ngày nay, trên địa bàn TP Hà Nội không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, trên thế giới hoặc các đối tác có giao thương với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn đang gặp phải những khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Ông Thành cho rằng, trong thời gian tới, có thể dự trù nhiều kịch bản khác nhau cho thị trường lao động, để sẵn sàng đối diện với nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ông Thành cho rằng, tình hình thị trường lao động trong thời gian tới còn phụ thuộc phần lớn vào công tác phòng dịch Covid-19. Dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, song tại các nước khác trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu từ các đối tác quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng thị trường lao động trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào tình hình dịch bệnh. (Ảnh: KT)

Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, nếu thời gian tới, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế sẽ có sự chuyển biến rõ rệt, tạo nhiều việc làm cho lao động. Nếu kịch bản xấu hơn, tác động đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ đẩy lao động vào tình trạng thất nghiệp. Do đó, thị trường lao động có chuyển biến tốt hay không, phụ thuộc phần lớn vào công tác phòng dịch tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, ông Vũ Quang thành cho biết, trong thời gian tới, đặc biệt là quý 4, các hoạt động thuộc nhóm ngành nghề nội địa, phục vụ lễ tết có xu hướng phát triển mạnh. Nhu cầu tuyển dụng lao động thuộc nhóm lĩnh vực thương mại dịch vụ, bán hàng, kinh doanh sẽ tăng mạnh, đặc biệt là nhu cầu sử dụng lao động bán thời gian.

“Trong thời gian vừa qua, nhóm ngành nghề thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển. Sau dịch, nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, nên nhóm ngành nghề này có xu hướng tăng. Như hàng năm, dịch vụ lưu trú, khách sạn nhu cầu sử dụng lao động năm tăng lên cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, nhu cầu lao động về ngành nghề này cũng không nhiều”, ông Thành cho biết.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), các ngành nghề của Việt Nam chia thành các nhóm ngành chính. Nhóm thứ nhất phục vụ nhu cầu nội địa, nhóm 2 phục vụ liên doanh, liên kết và nhóm 3 phục vụ thị trường quốc tế. Từ 3 hệ thống nhóm ngành, có thể dự báo rằng, nhóm ngành phục vụ nhu cầu nội địa là nhóm ngành có khả năng có khả năng phục hồi ở mức nhanh trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ LĐ-TB-XH). (Ảnh: KT)

Bà Hương đơn cử như dịp Tết, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đi lại trong nước sẽ hạn chế. Tuy nhiên, từ nay đến Tết, vẫn theo truyền thống, nhu cầu về vận chuyển và các nhu cầu khác chắc chắn vẫn sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, ngành xây dựng và chế biến vẫn tăng trưởng, phục vụ nhu cầu trong nước. Do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phục hồi của nhóm ngành phục vụ thị trường nội địa.

Đối với nhóm ngành phục vụ thị trường quốc tế, thời điểm này, bà Lan Hương cho biết, năm 2021 chưa thấy những điểm sáng: “Tạm thời, làm thế nào để cùng các doanh nghiệp trong nước ổn định tình hình nội địa, chờ thời cơ thị trường lao động quốc tế mở cửa, chúng ta lại tiếp tục”, bà Hương nói.

Giải pháp nào “cấp cứu” do doanh nghiệp lúc khó khăn

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế đình đốn, vai trò của Chính phủ là rất quan trọng, việc Chính phủ cho doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ người lao động là giải pháp an sinh xã hội để doanh nghiệp mở rộng cơ hội việc làm, giữ chân người lao động.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tiếp cận của người lao động, doanh nghiệp chưa đạt được mong muốn. Một trong những nguyên nhân do điều kiện còn khắt khe.
“Khi thị trường lao động khó khăn, yếu tố nào phải tháo gỡ nhanh, có những bước đột biến. Khi hỗ trợ người lao động, điều kiện tối thiểu nhận hỗ trợ là gì, nếu muốn hỗ trợ cho doanh nghiệp thì làm thế nào hỗ trợ đến nhanh, đến nhiều đến thực chất người cần. Mục tiêu nhanh phải đặt lên hàng đầu. Chính sách của chúng ta tốt, nhưng khi tiếp cận đến người lao động lại yếu. Giải pháp “cấp cứu” phải đến được người đang gặp khó khăn”, bà Hương nói.

Theo chuyên gia này, Chính phủ nên mở rộng gói hỗ trợ dù ảnh hưởng của dịch còn lớn. Nên có gói hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại, hỗ trợ người lao động nhận biết khả năng tìm kiếm việc làm.

Đối với nhóm lao động bị mất việc, bên cạnh giải pháp hỗ trợ họ tồn tại, cũng cần tìm ra những cơ hội việc làm tương tự để kết nối khi cần thiết. Quan trọng nhất là công tác đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung để chuyển hệ thống việc làm đang có sang hệ thống việc làm mới. Vì vậy, nhóm lao động này cần giải pháp đồng bộ, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu việc làm, đảm bảo họ có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc mới. Đồng thời giải quyết việc làm, cũng là cơ hội chuyển dịch cơ cấu việc làm, tạo ra năng suất lao động cao hơn.

Ông Vũ Quang Thành cũng khuyến nghị những lao động mới tham gia thị trường lao động cần tiếp tục đầu tư, nâng cao kiến thức chuyên môn, đặc biệt là thích ứng với những yêu cầu công việc mới, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, kỹ năng. Nhóm lao động đã có quá trình tham gia thị trường lao động, cần lưu ý bổ sung kỹ năng hay việc đào tạo lại để dịch chuyển nghề./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thi-truong-lao-dong-cuoi-nam-co-bot-mau-xam-de-but-pha-822033.vov