Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cần sớm thông tin báo chí

Liên quan đến đơn thư của công dân phản ánh đến báo Pháp luật Việt Nam về việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, phóng viên đã đến gửi nội dung làm việc với văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố Hà Nội mong làm rõ sự việc, thế nhưng sau nhiều tháng trôi qua, phóng viên vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào?

Theo đơn thư công dân có địa chỉ tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Gia đình bà T.T.P.L được Sở Địa chính nhà đất Hà Nội cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10105330189 ngày 27/8/2002. Trong đó, phần mục IV thay đổi về nhà ở, đất ở và thế chấp có ghi “chưa nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nhà, đất” là không đúng quy định.

Liên quan đến vụ việc này, Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng bài phản ánh “cán bộ quận Hoàn Kiếm có vi phạm quy định về xử lý đơn thư công dân”, khi công dân đã gửi đơn từ năm 2004 nhưng chưa được đến làm việc hay giải quyết.

Thế nhưng, không chỉ UBND quận Hoàn Kiếm đã “phớt lờ” nội dung phản ánh này của công dân mà Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố Hà Nội cũng theo thói quen “quên” luôn Luật Báo chí.

Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội

Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội

Cụ thể, để làm rõ nội dung phản ánh của công dân, phóng viên đã liên hệ công tác đến VP ĐKĐĐ Thành phố Hà Nội từ ngày 14/7/2020, bao gồm gửi giấy giới thiệu gốc của cơ quan báo chí, thẻ phóng viênvà nội dung liên hệ. Tiếp theo đó, phóng viên nhiều lần trực tiếp đến nhắc nội dung, gọi điện và nhắn tin đến nhiều người liên quan, thậm chí cả liên hệ qua ông Đặng Ngọc Quang – Phó giám đốc VP ĐKĐĐ TP Hà Nội. Nhưng tất cả, vẫn chỉ là sự im lặng đến khó hiểu của tổ chức này.

Theo quy định tại khoản 2 điều 39Luật Báo chí, “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết”.

Cửa số 5 nơi tiếp nhận lịch làm việc ngày 14/7 và cán bộ Văn phòng loay hoay khi phóng viên đến nhắc lịch ngày 17/8

Quy định của Luật Báo chí hay Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước đã được Chính phủ quy định chi tiết. Thế nhưng, không hiểu vì sao Văn phòng ĐKĐĐ Thành phố Hà Nội lại “ung dung” như vậy.

Thiết nghĩ các cơ quan ban ngành có liên quan cần có một câu trả lời rõ ràng với báo chí, giải quyết kịp thời những phản ánh bức xúc của người dân để trả lại sự công bằng ổn định cuộc sống và tôn trọng pháp luật.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/van-phong-dang-ky-dat-dai-ha-noi-can-som-thong-tin-bao-chi-13534/