Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ Sở Tư pháp TP Hà Nội để tìm hiểu hướng giải quyết nhưng chưa được trả lời. Để rộng đường dư luận, Báo tiếp tục giới thiệu ý kiến khác nhau của các chuyên gia về vụ tranh chấp mới lạ này. Ông Phạm Công Hùng, thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM: Chỉ một công chứng viên mà nhận góp vốn là sai Văn phòng công chứng (VPCC) Đống Đa do một người là công chứng viên (ông Cáp Văn Chinh) đứng ra thành lập, một người không phải công chứng viên (luật sư Hoàng Đàm) cùng góp vốn. Việc góp vốn này không được pháp luật thừa nhận. Bởi vì theo Luật Công chứng, trường hợp VPCC do một công chứng viên thành lập như VPCC Đống Đa chỉ được hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, trưởng văn phòng chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Theo tôi, pháp luật quy định khắt khe như vậy là cần thiết. VPCC là một loại hình doanh nghiệp với ngành nghề đặc biệt là thực hiện một dịch vụ công được nhà nước giao phó. VPCC được công chứng các giao dịch của cá nhân, tổ chức, trong đó có nhiều giao dịch có giá trị rất lớn. Do đó, trưởng VPCC phải là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng. Nếu có sự góp vốn của cá nhân, tổ chức khác thì hoạt động của VPCC sẽ bị chi phối. Mặt khác, nếu cho phép góp vốn vào VPCC thì VPCC sẽ hoạt động theo dạng công ty cổ phần. Tôi cho rằng như vậy rất nguy hiểm vì lúc đó các thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản theo tỷ lệ vốn góp. Trở lại với tranh chấp giữa ông Đàm và ông Chinh, do việc góp vốn của ông Đàm không được thừa nhận nên có hai hướng giải quyết. Cách thứ nhất là một trong hai bên có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự (góp vốn) trên là vô hiệu. Khi đó, tranh chấp giữa các bên sẽ được giải quyết bằng một bản án của tòa. Cách giải quyết thứ hai là ông Chinh có thể xin giải thể VPCC. Lưu ý rằng tuy hiện nay giữa ông Đàm và ông Chinh có tranh chấp với nhau nhưng người chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của VPCC Đống Đa là ông Chinh (công chứng viên) chứ không phải ông Đàm. Trong tranh chấp trên, Sở Tư pháp TP Hà Nội không phải là cơ quan có thẩm quyền đứng ra giải quyết. Sở Tư pháp tuy là cơ quan cấp giấy đăng ký hoạt động cho VPCC nhưng Sở chỉ có quyền rút giấy đăng ký hoạt động của VPCC nếu văn phòng ấy vi phạm Luật Công chứng, cụ thể là không hoạt động liên tục từ ba tháng trở lên sau khi đã hoạt động. Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng: Được nhận góp vốn nếu... Nếu VPCC tư hoạt động theo loại hình công ty hợp danh (nếu có từ hai công chứng viên trở lên - PV) thì không có vấn đề rắc rối về mặt pháp lý. Một cá nhân hay một đơn vị tham gia góp vốn để mở VPCC là chuyện hết sức bình thường. Mối quan hệ này được điều chỉnh bằng quy định của pháp luật. Nếu Luật Công chứng và Luật Doanh nghiệp chưa có sự điều chỉnh rõ ràng thì áp dụng theo Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, không thể lấy lý do là góp vốn nhiều hơn sẽ được phép đứng ra quản lý, điều hành mọi hoạt động của VPCC được. Giữa chuyên môn nghiệp vụ công chứng và vốn góp là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Người góp vốn nhiều hơn cũng chỉ được điều hành về vấn đề chiến lược làm ăn, phân chia lợi nhuận... Công chứng viên hoàn toàn độc lập về chuyên môn nghiệp vụ của mình. Trường hợp bên góp vốn giới thiệu khách hàng đến công chứng tại VPCC mà mình góp vốn thì cũng không có gì sai trái. Nếu có xảy ra thiệt hại thì chính công chứng viên là người chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật vì ông ta có quyền từ chối công chứng nếu xét thấy hồ sơ yêu cầu công chứng không hợp lệ. Theo dòng sự kiện - Tháng 9-2008: VPCC Đống Đa bắt đầu hoạt động. - Từ tháng 4-2009: VPCC Đống Đa ngưng hoạt động gần hai tháng. Sở Tư pháp TP Hà Nội đã bốn lần kiểm tra, lập biên bản về việc văn phòng này ngưng hoạt động. Trưởng VPCC thừa nhận luật sư Hoàng Đàm đã góp vốn vào VPCC Đống Đa, do phát sinh tranh chấp về quyền điều hành hoạt động của văn phòng nên mới ngưng hoạt động.
Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/nha-nuoc/view.aspx?news_id=259474