Văn phòng Chính phủ 'giục' 21 tỉnh bố trí máy chủ bảo mật phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân 21 tỉnh khẩn trương bố trí máy chủ bảo mật và thực hiện kết nối theo hướng dẫn nhằm đảm bảo an toàn thông tin, chất lượng dịch vụ gửi, nhận văn bản điện tử.

Yên Bái là 1 trong 21 tỉnh Văn phòng Chính phủ đề nghị khẩn trương bố trí máy chủ bảo mật và kết nối theo hướng dẫn để bảo đảm an toàn thông tin, chất lượng dịch vụ gửi, nhận văn bản điện tử và dịch vụ tích hợp, chia sẻ giữa Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia (Ảnh minh họa: baotainguyenmoitruong.vn)

Trong văn bản gửi UBND các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Nông, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu về việc bảo đảm hạ tầng phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ cho biết, triển khai Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, từ tháng 3/2019, UBND các tỉnh đã phối hợp với Văn phòng kết nối phần mềm quản lý văn bản và điều hành của địa phương với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Theo đó, việc kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia được thực hiện thông qua máy chủ bảo mật dùng chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp.

Để bảo đảm an toàn thông tin, chất lượng dịch vụ gửi, nhận văn bản điện tử và dịch vụ tích hợp, chia sẻ giữa Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND tỉnh khẩn trương bố trí máy chủ bảo mật và thực hiện kết nối theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Theo báo cáo của Cục kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, sau 1 năm triển khai Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện kết nối, liên thông, thí điểm và chính thức gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan nhà nước; thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử; từ đó giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Tại thời điểm khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 12/3/2019, trong phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ bảo đảm tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng được xem là vấn đề sống còn. “Bảo đảm tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân và tổ chức; không được để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho hay, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho Trục liên thông văn bản quốc gia luôn được đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, triển khai nhiệm vụ này, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai 87 máy chủ bảo mật dùng chung và dùng riêng có tích hợp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ phục vụ mã hóa, xác thực các gói tin liên thông văn bản giữa các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bên cạnh đó, thực hiện giám sát an toàn thông tin mạng cho Trục liên thông văn bản quốc gia, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an (A05, A06) trong kiểm tra, đánh giá an ninh thiết bị CNTT cũng như phần mềm của Trục liên thông văn bản quốc gia; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ (Trung tâm CNTT và giám sát an ninh mạng) trong giám sát điểm truy cập Trục liên thông văn bản quốc gia; đồng thời phối hợp với Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) trong việc giám sát an toàn thông tin cho Trục liên thông văn bản quốc gia tại Trung tâm dữ liệu Nam Thăng Long.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định 28, Bộ TT&TT đã có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về công tác bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành của cơ quan, tổ chức nhà nước, với nội dung hướng dẫn gồm: các thành phần cơ bản, các yêu cầu cơ bản và phương án thực thi để bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Cùng với đó, công tác tập huấn nâng cao kỹ năng bảo vệ các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương cũng đã được tăng cường. Theo đó, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ chuẩn bị nội dung chương trình tập huấn chuyên đề về bảo đảm an toàn thông tin cho Trục liên thông văn bản quốc gia và hệ thống quản lý văn bản điện tử cho các đối tượng là công chức, viên chức thuộc các bộ, ngành, địa phương phụ trách quản trị hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Các khóa tập huấn này được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM trong các tháng 10, 11/2019.

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/chinh-phu-dien-tu/van-phong-chinh-phu-giuc-21-tinh-bo-tri-may-chu-bao-mat-phuc-vu-gui-nhan-van-ban-dien-tu-192659.ict