Vẫn phát sinh 'giấy phép con' trong một số nghị định, thông tư

Trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, việc 'cài cắm' thêm các loại giấy phép con vẫn diễn ra.

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019, với nhiều nhận định, kiến nghị quan trọng về môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doah.

Theo VCCI, một trong những quy định mạnh mẽ nhất để bảo hộ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp là Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Theo đó, chỉ có những ngành nghề kinh doanh thuộc Phụ lục này thì mới thuộc diện phải xin các loại giấy phép con trước khi kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, việc “cài cắm” thêm các loại giấy phép con vẫn diễn ra.

Cụ thể, dịch vụ đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch không thuộc danh mục Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, tại Thông tư 06/2017/TT- VHTTDL, Điều 5 quy định về các tiêu chí để xin phép cung cấp dịch vụ tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch với các điều kiện cụ thể như phải có chuyên ngành đào tạo; đề án tổ chức thi, quy trình, cơ sở vật chất, hội đồng thi; lý lịch.

Việc phát sinh giấy phép con trong các thông tư, nghị định sẽ gây khó cho các DN. Ảnh minh họa: nguồn internet

Việc phát sinh giấy phép con trong các thông tư, nghị định sẽ gây khó cho các DN. Ảnh minh họa: nguồn internet

“Các quy định này được hiểu là các điều kiện để một cơ sở đào tạo được phép đào tạo và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch và là một dạng điều kiện kinh doanh. Điều 7 Luật Đầu tư nêu rõ, điều kiện kinh doanh chỉ có thể được quy định trong văn bản từ cấp Nghị định trở lên. Vì vậy, việc Thông tư quy định về các điều kiện này là không phù hợp”, Báo cáo của VCCI nêu.

Hay với Nghị định 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thành lập công ty thông tin tín dụng. Trong đó, có yêu cầu doanh nghiệp phải có “phương án kinh doanh khả thi”. Đây là quy định rất chung chung và không có cơ sở nào để cơ quan nhà nước có thể đánh giá phương án kinh doanh của doanh nghiệp là khả thi hay không?

“Doanh nghiệp đã bỏ tiền kinh doanh thì họ là người nắm rõ nhất tính khả thi của phương án đầu tư kinh doanh, cơ quan nhà nước không cần thiết phải đánh giá lại. Quy định này đã được rà soát nhiều lần khi soạn thảo Nghị định 57/2016/NĐ-CP8, Nghị định 16/2019/NĐ- CP9 và gần đây nhất là dự thảo Nghị định về thông tin tín dụng nhưng vẫn không được bãi bỏ”, VCCI nhận định.

Cũng theo các DN, Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy cũng có các quy định không minh bạch như cơ sở phải “có quy định, nội quy, biển cấm, iển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở” và “hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở”.

Tuy nhiên, hiện nay không có quy định chi tiết như thế nào là “phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở”. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 79/2014/NĐ-CP đang được lấy ý kiến và vẫn chưa có sự thay đổi ở điểm này.

Nghị định 38/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khí tượng thủy văn cũng đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi. Trong đó, các nội dung về điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch vẫn còn tồn tại như doanh nghiệp phải “có quy trình kỹ thuật, công cụ dự báo, bảo đảm tính khoa học, độc lập, khách quan”.

Tuy nhiên, các điều kiện này còn mang tính định tính: không rõ phương án dự báo như thế nào sẽ đảm bảo “tính khoa học, độc lập, khách quan” của các sản phẩm dự báo?

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/van-phat-sinh-giay-phep-con-trong-mot-so-nghi-dinh-thong-tu-175452.html