Vẫn 'nóng' chuyện Hãng phim và không 'đánh bóng' danh hiệu công nhận di sản

Sáng, 3-1, Bộ VHTT&DL đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý IV/2019 nhằm thông tin về các hoạt động của ngành trong thời gian qua. Nhiều vấn đề được báo chí quan tâm đặt câu hỏi. Tuy nhiên, không phải câu hỏi nào, vấn đề nào được đặt ra cũng có câu trả lời thỏa đáng.

Lễ hội đã an toàn

Năm 2019 vừa qua cũng có thể coi là năm "được mùa" trên lĩnh vực di sản khi 7 di tích đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) cùng với đó là công nhận 27 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 8). Kho tàng di sản có thêm 37 di tích quốc gia và 30 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đáng chú ý, Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các hồ sơ "Nghệ thuật Xòe Thái", "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm" tiếp tục được hoàn thiện để trình UNESCO. Năm 2019 cũng đánh dấu một năm an toàn của lễ hội. Không còn nhiều những hình ảnh "cướp lộc", "cướp ấn", "cướp lương" tả tơi, phản cảm. Các lễ hội mang tính hiến sinh đẫm máu cũng đã giảm thiểu so với các mùa lễ hội trước.

Trong lĩnh vực điện ảnh, đã hoàn thiện trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi); Tổ chức thành công Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI tại thành phố Vũng Tàu. Thị trường phát hành phim thương mại có số lượng phòng chiếu là 1050 phòng tại 204 cụm rạp với hơn 148.500 ghế trên cả nước, ước tính doanh thu chiếu phim thương mại đạt hơn 4000 tỷ đồng. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn,tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về nghệ thuật biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật Trung ương đẩy mạnh hoạt động tự chủ. Các hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; bảo vệ bản quyền tác giả và các quyền liên quan; quản lý nhà nước về gia đình cũng đạt nhiều kết quả quan trọng...

Vẫn “nóng” ở Hãng phim Truyện Việt Nam

Sự việc ở Hãng phim Truyện Việt Nam và quá trình thoái vốn của nhà đầu tư chiến lược Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) sau kết luận của Thanh tra Chính phủ vẫn là đề tài được báo chí quan tâm.

Nhiều người tiếc nuối cho thời hoàng kim của Hãng phim Truyện và thực tại buồn

Nhiều người tiếc nuối cho thời hoàng kim của Hãng phim Truyện và thực tại buồn

Một số câu hỏi đã được đặt ra cho người chủ trì cuộc họp báo là ông Nguyễn Thái Bình- Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VHTT&DL như: Việc kỷ luật các cán bộ được xác định có sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam sẽ được thực hiện như nào? Đời sống hiện tại của văn nghệ sĩ? Hoạt động của Hãng phim trong năm 2019 cùng phương hướng nhiệm vụ năm 2020?

Ông Nguyễn Thái Bình cho biết, Hãng phim hiện tại đã được cổ phần hóa, và thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Hoạt động cụ thể trong năm qua như nào thì Hãng phim chưa có báo cáo gửi Bộ.

Người phát ngôn của Bộ VHTT&DL nói thêm: “ Đề nghị các bạn có quan tâm đặc biệt tới vấn đề của Hãng phim Truyện Việt Nam thì có thể liên hệ trực tiếp, tôi chưa thể trả lời được…”

Hãng phim Truyện Việt Nam đã từng có những bộ phim đi vào lịch sử Điện ảnh Việt với nội dung và những khuôn hình mẫu mực

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi, hiện tại Bộ VHTT&DL vẫn có một số lượng cổ phần nhất định tại Công ty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, vậy tại sao lại không yêu cầu báo cáo hoạt động? Ông Nguyễn Thái Bình trả lời: “Bộ đã nhận được văn bản Thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, sau cuộc họp này, nếu nhà báo nào có nhu cầu tìm hiểu thêm thì có thể liên hệ trực tiếp với tôi tôi cho xem văn bản, chứ tôi không thể công bố nội dung văn bản ở đây được”.

“Chính phủ chỉ đạo Bộ xác định số tiền cụ thể để hoàn trả nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay Bộ đang xử lý thoái vốn, sau đó sẽ xem xét xử lý các cá nhân liên quan”- ông Nguyễn Thái Bình cho biết thêm.

Nói lại cho rõ về ồn ào quanh chuyện vinh danh di sản

Cùng với vấn đề của Hãng phim Truyện Việt Nam, khá nhiều câu hỏi được đặt ra quanh các thuật ngữ “vinh danh”, “ghi danh”, “tôn vinh” di sản phi vật thể thời gian qua. Giải đáp các thắc mắc này, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam "chạy" danh hiệu, "đánh bóng" danh hiệu hay hình thức gì cả. Hiện UNESCO đã ghi danh 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, gần đây nhất là di sản "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam".

UNESCO có những tiêu chí cụ thể để ghi danh các di sản văn hóa phi vật thể, đi kèm với các danh hiệu là trách nhiệm của các quốc gia có di sản được ghi danh. 13 di sản của Việt Nam sau khi được UNESCO ghi danh đều được cộng đồng sở hữu tích cực bảo vệ, trao truyền, truyền dạy, làm giàu thêm giá trị, góp phần để di sản văn hóa tiếp tục đi vào đời sống, làm giàu đẹp thêm giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Việt Nam, đồng thời chứng minh sự đa dạng của văn hóa Việt Nam với thế giới…

Các hoạt động thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cũng được cộng đồng sở hữu di sản, các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện trong nhiều năm qua theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Quỳnh Vân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/van-nong-chuyen-hang-phim-va-khong-co-chuyen-danh-bong-danh-hieu-cong-nhan-di-san/838584.antd