Vẫn nhiều tồn tại trong phòng cháy, chữa cháy

Liên tiếp các vụ cháy nổ xảy ra gần đây trên địa bàn TP. Hà Nội song hiện công tác phòng chống cháy nổ của các cơ quan chức năng và người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

Được biết, thời gian qua liên tiếp các vụ cháy lớn nhỏ xảy ra, đặc biệt như vụ cháy nhà xưởng ở quận Nam Từ Liêm khiến không ít người giật mình về công tác quản lý loại hình này.

Các vụ cháy nổ lớn thời gian qua xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân từ ý thức người dân, chủ DN vẫn coi thường công tác phòng cháy chữa cháy.

Các vụ cháy nổ lớn thời gian qua xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân từ ý thức người dân, chủ DN vẫn coi thường công tác phòng cháy chữa cháy.

Do vậy, tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP khóa XV, nhiều đại biểu đã chất vấn Sở Văn hóa, Thể thao và Công an TP về các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh karaoke, các chung cư, khu công nghiệp, xưởng sản xuất...

Đại biểu Lê Vĩnh Sơn chất vấn, hiện có 5 khu công nghiệp chưa hoàn thành hạ tầng và hệ thống chữa cháy, 7/9 khu công nghệ cao chưa thành lập đội phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp. Đại biểu này đề nghị Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp chế xuất làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong vấn đề này?

Bên cạnh đó, cũng theo đại biểu Sơn, trên địa bàn TP còn hơn 1.100 chung cư cũ, tình trạng kinh doanh tại tầng 1, cầu thang, bịt lối thoát nạn, lắp chuồng cọp, thiếu hệ thống cảnh báo cháy tại các chung cư này còn rất phổ biến. Vậy có giải pháp gì để hạn chế thiệt hại nếu có cháy tại các chung cư này?

Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho rằng, hiện trên địa bàn có hơn 1.600 điểm kinh doanh karaoke, nhưng chỉ khoảng 500 cơ sở kinh doanh đủ điều kiện, hơn 1.000 không đủ điều kiện và các quận, huyện đã đình chỉ các cơ sở này, tuy nhiên theo quy định pháp luật, chúng ta chưa rút được giấy phép của các cơ sở.

Cũng theo ông Động, Sở Văn hóa, Thể thao là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm quản lý loại hình kinh doanh này nên đã tiến hành kiểm tra 394 cơ sở, phạt hơn 1 tỷ đồng, đồng thời, điều chuyển cho địa phương biết, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh karaoke.

Tuy nhiên theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, việc quản lý không chỉ có trách nhiệm của Sở mà các quận, huyện cũng phải có trách nhiệm. Song thực tế cho thấy, hiện chính quyền một số cơ sở vẫn buông lỏng quản lý. Vậy nên Sở Văn hóa, Thể thao đề nghị chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý, giám sát các cơ sở kinh doanh karaoke bởi hiện vẫn nhiều cơ sở không đủ điều kiện nhưng lén lút hoạt động.

Trả lời đại biểu về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, ông Đoàn Duy Dương, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua cơ quan này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp vi phạm về phòng cháy chữa cháy với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Cũng từ năm 2016 đến nay, Công an TP đã kiểm tra hơn 123.800 lượt cơ sở, lập hơn 123.800 biên bản kiểm tra hướng dẫn về phòng cháy chữa cháy, kiến nghị cơ sở khắc phục hơn 280.000 trường hợp còn tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 10.000 trường hợp với số tiền gần 30 tỷ đồng, ra quyết định đình chỉ 1.520 trường hợp, tạm đình chỉ 1.025 trường hợp.

Đến thời điểm này, Công an TP đang đình chỉ hoạt động 1.150 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 204 cơ sở, chủ yếu thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke và một số hạng mục thuộc công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, chợ vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Phân tích về nguyên nhân của công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn chưa đạt kỳ vọng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, các vụ cháy nổ lớn thời gian qua xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân từ ý thức người dân, chủ DN vẫn coi thường công tác phòng cháy chữa cháy.

Chủ tịch TP dẫn chứng, vụ cháy nghiêm trọng tháng 4/2019 tại nhà xưởng của quận Nam Từ Liêm vừa qua là chủ nhà khóa kín cửa, khi có cháy, nạn nhân chạy ra đến cửa nhưng không mở được, nạn nhân tử vong ngay tại cửa. Hoặc tại nhà riêng, nhà ống, người dân, chủ cửa hàng chưa quan tâm đến việc thiết kế cầu thang thoát hiểm khiến khi cháy nổ xảy ra, việc thoát thân khó khăn hơn.

Vậy nên, Chủ tịch UBND TP cho rằng cần phải đưa kỹ năng phòng cháy, chữa cháy đào tạo cho học sinh ngay từ khi ngồi tên ghế nhà trường để khi lớn lên mọi người thành thạo kỹ năng ứng phó khi không may cháy nổ xảy ra. "Thực tế thời gian qua, nhiều vụ tử vong xảy ra trong hỏa hoạn có thể không xảy ra nếu nạn nhân chỉ cần hiểu biết kỹ năng phòng cháy, chữa cháy", Chủ tịch TP nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Chung cũng thừa nhận, trên địa bàn Thủ đô, nhiều cơ sở hạ tầng của DN đến nay đã hết thời hạn nhưng việc giám sát thay hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa được quan tâm. Hơn nữa, nhiều tòa nhà chung cư cũ được xây dựng từ lâu, trước khi Luật phòng cháy chữa cháy ra đời, nên không có thệ thống phòng cháy chữa cháy.

Chủ tịch UBND TP mong mỗi người dân, gia đình trang bị kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho chính bản thân mình và người thân. Đồng thời, kiểm tra công trình của gia đình hoặc đang quản lý; thường xuyên kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy, nếu chưa có phải lắp đặt, nếu hết hạn phải thay mới. Cùng với đó, các đơn vị chức năng thẩm định chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy với các hình thức tuyên truyền hiệu quả.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/van-nhieu-ton-tai-trong-phong-chay-chua-chay-107844.html