Văn nhân Quán Chiêu văn 'Về miền ví giặm'

Trong số hàng trăm diễn đàn văn chương đang hoạt động trên mạng xã hội, Quán Chiêu Văn (QCV) là một diễn đàn văn chương online hoạt động sôi nổi, chuyên nghiệp và lan tỏa mạnh mẽ nhất hiện nay, trong và ngoài nước với sự tham gia của nhiều văn nhân đã nổi danh, thành danh trên văn đàn, thi đàn Việt Nam.

Ban tổ chức tặng hoa Ban quản trị Quán Chiêu Văn. Ảnh: Gió Lào

Dù mới thành lập cách đây vài năm nhưng những gì mà diễn đàn này đã làm được lại vô cùng lớn đối với văn chương Việt hiện nay. Trong 2 năm, nhóm đã có trên 600 tác phẩm văn xuôi, thơ đăng trên các báo, tạp chí và phát trên chương trình văn nghệ của Đài TNVN - VOV. Có những tác phẩm đã được dựng thành phim, nhiều tác phẩm được phổ nhạc thành các ca khúc đã phát trên sóng VOV. Xuất bản 5 đầu sách bao gồm 3 tập truyện ngắn chọn lọc, một tập thơ chọn, một tập tản văn chọn lọc. Tổ chức hơn một chục cuộc thi văn thơ lớn, nhỏ... Xây tặng một ngôi nhà tình nghĩa, tặng nhiều hiện vật như sách vở, quần áo, giầy dép... cho học sinh các trường học ở vùng sâu vùng xa. Hiện đang góp sức cùng chi hội nhà văn Sài Gòn xây dựng nhà tình nghĩa tại tỉnh Phú Yên. Nói như nhà thơ Văn Công Hùng “Trong hai năm mà diễn đàn đã làm được bằng một khối lượng công việc của một Hội VHNT địa phương làm trong 10 năm”.

Tháng 6/2020 này QCV vừa tổ chức hai hoạt động lớn, đó là: Gặp gỡ các cây viết trẻ của Quán khu vực phía nam tại TP. HCM để chuẩn bị cho cuộc thi “Viết về phương Nam” đồng thời mở rộng các hoạt động...

Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tại Du thuyền Giang Đình, Cổ Độ (Sông Lam, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), QCV đã tổ chức chương trình gặp gỡ thành viên 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mở rộng năm 2020, với chủ đề “Về miền Ví, Giặm”.

Ban Tổ chức đã rất khéo, đặc biệt nhà thơ, nhà báo Phạm Thùy Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, một “ái nữ” của QCV đã rất “khéo” khi chọn bến Giang Đình, bờ Nam sông Lam, làm nơi tổ chức cuộc gặp gỡ giao lưu các thành viên QCV khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh. Nghi Xuân là miền “địa linh nhân kiệt”. Nơi có danh thắng núi Hồng Lĩnh – chứa đựng nhiều huyền thoại, truyền thuyết kỳ bí - được khắc vào “Bách khoa thư” Cửu đỉnh đặt ở Đại Nội (Kinh thành Huế) vào năm 1836.

Nhà văn Trần Quỳnh Nga và các tác giả trẻ Hà Tĩnh tham dự hội ngộ

Nghi Xuân còn nổi tiếng với “Nghi Xuân bát cảnh” (8 cảnh đẹp ở Nghi Xuân) và nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn như Khu du lịch sinh thái Đức Đường, Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Đền thờ Tướng công Nguyễn Công Trứ, Homestay Phong Giang, Bến Giang Đình, Khu du lịch biển Xuân Thành…

Đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân, nhà khoa bảng nổi tiếng như Đại thi hào Nguyễn Du; Uy viễn Nguyễn Công Trứ – nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ thời Nguyễn; ông là vị quan có công khai phá, lập nên 2 huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình). Nguyễn Công Trứ còn được biết đến là người đưa ca trù về Hà Tĩnh, sáng tác nhiều bài thơ theo thể hát nói để các cô đầu thể hiện trên chiếu ca trù; Danh tướng Nguyễn Xí – công thần khai quốc thời Hậu Lê; Đại tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm (cha đẻ Nguyễn Du); Nhà thơ Nguyễn Hành – một trong “An Nam ngũ tuyệt”; Nhà sử học Trần Trọng Kim;… Thời nay có NSND. Đào Mộng Long; GS. nhà khảo cổ học Hà Văn Tấn và nhiều danh nhân, người thành đạt trên các lĩnh vực.

Các thành viên của QCV hai tỉnh ví giặm là Nghệ An, Hà Tĩnh, từ người trẻ đến người già, không quản nắng nóng đang những ngày cực điểm đã có mặt hội tụ. "Về miền Ví giặm" các thành viên không chỉ được thưởng thức các đặc sản riêng có của đất Nghi Xuân, mà còn được thả hồn trên mênh mang sông nước; đắm mình trong các làn điệu dâm ca ví, giặm, ca trù mê hoặc trên quê hương “địa linh nhân kiệt”, vừa qua kỷ niệm 550 năm danh xưng.

"Tui mà không đến được các em nó chưởi. Mà dại chi không đến, dù gấp lại tất cả các dự án"NSND. Trịnh Hồng Lựu chia sẻ. Đến với “Về miền Ví Giặm” của QCV chị như trẻ ra chục tuổi.

QCV ngày càng kết nối và lan tỏa

QCV ngày càng kết nối và lan tỏa

Có thể nói rằng miền “đất học, quê thơ” này là nơi chốn để tổ chức gặp gỡ, giao lưu rất “đắc địa”, nhất là với những văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ, những người yêu mến văn chương, nghệ thuật.

Chương trình đã quy tụ được hơn 120 thành viên, trong đó có nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo và những người yêu mến văn chương của 2 tỉnh và các tỉnh bạn. Tại đây, ngoài việc thưởng thức các làn điệu dân ca ví, giặm, các ca khúc mang âm hưởng dân ca; nghe các nghệ sĩ ngâm thơ, kể chuyện… các thành viên còn được nghe Ban quản trị báo cáo hoạt động năm 2019, nửa đầu năm 2020, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Nhiều tâm sự tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên cũng đã thể hiện sự đồng cảm sâu sắc, sự yêu mến văn chương, sự trân quý nhau trong cộng đồng cầm bút, cùng hướng về những giá trị cao đẹp của văn chương, nghệ thuật. Có thể nói, “Về miền Ví Giặm” hè 2020 của QCV đã thành công ngoài mong đợi.

Tuy chỉ là một diễn đàn văn chương online với thời gian hoạt động chưa lâu, nhưng những gì mà QCV thể hiện trong suốt thời gian qua đã để lại dấu ấn sâu sắc. Nó có tác dụng kết nối và lan tỏa giá trị nhân văn mà QCV hướng tới, giúp các cây viết – nhất là lực lượng sáng tác trẻ - có “đất” dụng văn; có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ những bậc đàn anh trong văn giới. Đồng thời kết nối ngày một rộng thêm vòng tay thân ái, nghĩa tình; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những người yêu mến văn thơ trên khắp cả nước và nước ngoài.

Ngô Trần Đức Trung

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/van-nhan-quan-chieu-van-%E2%80%9Cve-mien-vi-giam%E2%80%9D-77638