Văn nghệ sĩ nghiêng mình tưởng nhớ Lưu Quang Vũ

30 năm sau kể từ ngày tai nạn giao thông cướp đi tính mạng của 2 văn nghệ sĩ tài hoa Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và con trai của họ - Lưu Quỳnh Thơ, ngày 20-8, đông đảo nghệ sĩ, nhà phê bình, biên kịch nổi tiếng của nước nhà đã hội ngộ tại trụ sở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng tưởng niệm và tiếp tục vinh danh, khẳng định những đóng góp của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương… và đại diện gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là ông Lưu Quang Định, PGS.TS Lưu Khánh Thơ đã đến dự, lắng nghe ý kiến, chia sẻ của các văn nghệ sĩ gắn bó với sân khấu.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Có chủ đề “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại”, hội thảo là hoạt động trọng tâm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của tác giả Lưu Quang Vũ.

Cùng với các tham luận phân tích về những đóng góp to lớn của cố tác giả Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam, NSND Doãn Châu – người ngồi cùng chuyến xe định mệnh năm 1988 và nhà văn Ngô Thảo, đạo diễn, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - những người đã trực tiếp tham gia lo hậu sự cho tác giả Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và con trai của họ khiến hội trường nhỏ như lặng đi bởi những ký ức rưng rưng về một ngày cuối tháng 8 của 30 năm trước.

Hội trường lặng đi trước những ký ức rưng rưng của các nghệ sĩ về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Nói theo cách của NSƯT Lê Chức thì cũng tại hội trường của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, những người đồng nghiệp của tác giả Lưu Quang Vũ đã tập hợp, đau đớn bàn việc tiến hành tổ chức tang lễ cho chu đáo nhất.

30 năm sau, ông tin, nhà viết kịch tài hoa bạc mệnh ấy vẫn “sống” trong lòng các đồng nghiệp và người yêu sân khấu. Bởi, suốt những năm qua, không có năm nào không có một vài vở của tác giả Lưu Quang Vũ được các đoàn, đơn vị dàn dựng.

Khối kịch bản đồ sộ được sáng tác trong một thời gian không dài đã cung cấp cho nhiều đoàn, nhà hát cả nước một dạng “chất bột” tinh túy để gột “nên hồ”.

“Mất Lưu Quang Vũ, sân khấu có một khoảng trống vắng lớn trong nhiều năm. Nhiều kịch bản của Vũ vẫn có giá trị về đề tài, những vấn đề mâu thuẫn xã hội và tâm lý… cho tới hôm nay. Nhưng, phẩm chất của vấn đề thì cao hơn tính thời sự thông thường và đòi hỏi lòng dũng cảm nghệ nghiệp, dám viết của người cầm bút” – Đạo diễn, NSƯT Lê Chức nhấn mạnh.

NSND Doãn Châu kể lại ngày ông ngồi trên chuyến xe định mệnh cùng vợ chồng tác giả Lưu Quang Vũ 30 năm trước

Tự nhận mình góp thêm một tiếng nói khẳng định đóng góp lớn lao của tác giả Lưu Quang Vũ vào văn học nước nhà, nhà văn Ngô Thảo lý giải: sự minh triết Việt đã làm nên sức sống bền lâu của kịch Lưu Quang Vũ.

“Giải mã” hiện tượng Lưu Quang Vũ, nhà viết kịch, nhà báo Lê Quý Hiền cho rằng, từ cuối những năm 70 thế kỷ XX, Lưu Quang Vũ đã trở thành hiện tượng trong tiến trình phát triển của sân khấu nước nhà.

Bất ngờ trước hết là tiếng nói mới lạ trước không khí xã hội lúc bấy giờ. Kịch bản của ông là luồng gió mới xuất hiện trong giai đoạn chuyển mình khi xã hội mới bắt đầu đổi mới, đặc biệt là đổi mới tư duy trong nhận thức nói chung, trong sân khấu nói riềng.

Ông là kết quả của đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động và từ trong sự đổi mới ấy, tài năng xuất chúng của ông được phát lộ, bồi đắp khi hiếm có tác giả nào nắm bắt được hơi thở thời đại nhanh nhạy như ông…

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền thử "giải mã" hiện tượng Lưu Quang Vũ

Sự xuất hiện rực rỡ của một tài năng tạo được sức hút đặc biệt trong dư luận trước hết là sự đồng cảm và chia sẻ giữa tác phẩm với quần chúng nhân dân đang đòi hỏi hết sức khẩn thiết phải đổi mới những trì trệ, bất cập của đời sống.

Thành công của ông là thành công của ngòi bút viết về những điều nhân dân nghĩ, nhân dân muốn, qua những hiện thực đời sống ăm ắp trong kịch bản. Rất dễ nhận ra những sáng tạo đầy tài hoa của ông khi mà những chi tiết có thật trong cuộc sống, ai cũng biết, ai cũng thấy đã trở thành những chi tiết nghệ thuật mang tính khái quát, có ý nghĩa mà không đao to búa lớn. Ngược lại, chúng như những lời tâm sự thủ thỉ với tất cả sự đồng cảm cả trong tiếng cười hài hước lẫn sự phẫn nộ hay yêu thương.

Cảnh trong vở "Nguồn sáng trong đời" do Nhà hát Kịch Việt Nam dựng theo kịch bản của cố tác giả Lưu Quang Vũ

Chưa kể, mỗi nhà hát thường có khán giả của riêng mình với những nhu cầu, sở thích, quan niệm khác nhau. Lưu Quang Vũ có thể tiếp cận mọi đề tài, mọi thể loại, có thể dựng trên nhiều loại sân khấu khác nhau. Nhưng, dù có phản ánh thực tế nghiệt ngã đến như thế nào, tác phẩm của ông vẫn khiến khán giả tin tưởng vào những điều tốt đẹp.

Đó là niềm tin vào sự chính trực, ngay thẳng, là niềm tin vào đồng đội, tình bạn, tình đồng chí cao quý, niềm tin vào tình yêu thủy chung với khát vọng là “Những điều không thể mất”. Kịch của Lưu Quang Vũ còn tồn tại mãi với thời gian bởi cuộc sống có thể luôn thay đổi song vấn đề con người với triết lý nhân sinh là muôn thủa, không bao giờ cũ.

Phát biểu tổng kết tại hội thảo, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định: Gần 30 tham luận từ các nhà nghiên cứu phê bình, nghệ sĩ, nhà viết kịch nổi tiếng tại hội thảo đã tập trung đánh giá về những bài học trong sáng tác, xây dựng hình tượng nhân vật…

Tất cả đều khẳng định, 30 năm qua, Lưu Quang Vũ luôn ở bên chúng ta để cùng suy nghĩ, cùng trăn trở với sân khấu, với cuộc đời. Lưu Quang Vũ ra đi ở tuổi 40 nhưng những năm tháng ngắn ngủi của đời mình, ông đã sống, lao động, miệt mài thắp sáng lên ngọn lửa sáng tạo. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn thấy ngọn lửa ấy ngày càng sáng hơn và luôn được thắp sáng trong nền sân khấu cách mạng Việt Nam.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/van-nghe-si-nghieng-minh-tuong-nho-luu-quang-vu-506841/