Vẫn nên cho phép, thay vì 'đóng băng' quảng cáo ngoài trời
Ngày 10-9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo.
Đối với quảng cáo ngoài trời, một hình thức quảng cáo quan trọng, phần lớn liên quan đến hoạt động xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật nên bổ sung thêm trách nhiệm cụ thể của Bộ Xây dựng trong việc chỉ đạo xây dựng quy hoạch quảng cáo, hướng dẫn cấp phép xây dựng bảng quảng cáo, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về quảng cáo ngoài trời...
Nhiều ý kiến cho rằng, do hạn chế về kích thước và thời gian tiếp xúc thông điệp quảng cáo, nên các phương tiện quảng cáo ngoài trời thường khó truyền tải đầy đủ thông tin mà không làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và hiệu quả của chiến dịch quảng cáo.
Sử dụng QR code là giải pháp tối ưu được khuyến nghị. Bằng cách tích hợp QR code vào nội dung quảng cáo, người xem có thể dễ dàng truy cập vào link để xem thông tin chi tiết về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách nhanh chóng và thuận tiện, đầy đủ, mà không cần phải tốn nhiều diện tích hiển thị trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời.
Theo đại biểu dự họp, quy hoạch quảng cáo đang được sửa đổi và được xây dựng là quy hoạch định hướng, đưa ra các tiêu chí về hình dáng, số lượng bảng, chất liệu... đây là sự thay đổi phù hợp nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng quy hoạch cần có sự tham gia đóng góp ý kiến từ các hội/hiệp hội quảng cáo.
Đối với các tỉnh/thành phố chưa ban hành quy hoạch mới, các đại biểu cho rằng, thay vì tạm “đóng băng”, các cơ quan chức năng vẫn nên nghiên cứu, cho phép doanh nghiệp triển khai các vị trí quảng cáo mới. Sau đó, khi quy hoạch được ban hành, các vị trí này sẽ được bổ sung vào quy hoạch để đảm bảo tính hợp pháp và sự phát triển bền vững của ngành quảng cáo.
Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật về quyền sở hữu tài sản, quyền được bồi thường, hỗ trợ, đền bù các phương tiện quảng cáo được đầu tư hợp pháp trong trường hợp phải tháo dỡ, di chuyển để phục vụ dự án phát triển kinh tế - xã hội…
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật lần này cần phải được cập nhật các quy định về thông điệp quảng cáo số để phù hợp với sự phát triển của công nghệ số và xu hướng tiêu dùng số, nhất là trong bối cảnh quảng cáo số và ứng dụng AI trong quảng cáo trên các ứng dụng thương mại điện tử là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được quản lý chặt chẽ.
Chẳng hạn, cần quy định cụ thể về các hành vi quảng cáo bị cấm trên nền tảng số như: quảng cáo gian dối, quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo gây hiểu nhầm, quảng cáo xâm phạm quyền riêng tư, quảng cáo phản cảm, quảng cáo vi phạm bản quyền... Đi cùng với đó là tăng cường chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo trong thương mại điện tử.
Luật Quảng cáo hiện hành được Quốc hội thông qua năm 2012, có hiệu lực từ 1-1-2013, được sửa đổi, bổ sung năm 2018.