Vẫn nặng về hình thức trong cắt giảm điều kiện kinh doanh

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, nhiều chỉ số trong môi trường kinh doanh đã 'thăng hạng' đáng kể. Tuy nhiên, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại vẫn còn nặng về hình thức.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.

Bình luận về quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh-CIEM cho biết, sau 5 năm, môi trường kinh doanh được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, so với năm 2015, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 21 bậc. Tuy nhiên, thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam rất thấp. Hiện Việt Nam đứng thứ 69 thế giới và đứng thứ 5 trong ASEAN, cách xa so với Singapore (đứng thứ 2), Malaysia (thứ 15) và Thái Lan (thứ 27), thậm chí còn kém Brunei (thứ 55) 14 bậc.

Theo bà Thảo, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế như: Chủ yếu tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục; các chỉ tiêu gián tiếp chưa được chú trọng cải thiện; một số chỉ tiêu không có chuyển biến. Tính đến thời điểm hiện tại các bộ ngành báo cáo cắt giảm 60-70% nhưng thực chất chỉ khoảng 30%. Trong đó một số lĩnh vực cắt giảm chưa đạt yêu cầu, ví dụ số lượng các mặt hàng của kiểm tra chuyên ngành đang 19% cần giảm xuống dưới 10%.

Bên cạnh đó, bà Thảo nhận định: “Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp với địa phương còn chưa chặt chẽ, chủ động và một số cải cách còn mang tính hình thức, chưa thực chất, thái độ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ chưa tích cực".

Vẫn nặng về hình thức trong cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI nhận định, cắt giảm điều kiện kinh doanh dường như mới chỉ nặng về đơn giản hóa, cắt giảm rất ít. Mục tiêu của Chính phủ là giảm 50% nhưng thống kê mới chỉ được 10%.

Ông Tuấn cho biết, theo điều tra của VCCI doanh nghiệp gặp khó khăn xin cấp phép vẫn còn lớn, các địa phương còn lúng túng khi thực hiện Nghị quyết 19, tình trạng kiểm tra chuyên ngành bị trùng lặp, chồng chéo còn phổ biến, xu hướng quản lý rủi ro chưa đạt…

Đặc biệt, ông Tuấn cho rằng, có một thực trạng đáng buồn là hiện nay doanh nghiệp càng lớn thì càng bị thanh tra nhiều. Đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như mì ăn liền, dầu ăn… liên tục bị thanh tra bởi khi đến thanh tra các doanh nghiệp này, kể cả không phát hiện sai phạm thì cán bộ thanh kiểm tra vẫn… có quà”.

Để khắc phục tình trạng này, ông Tuấn cho rằng đã đến lúc cần xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro. Cụ thể, những doanh nghiệp nào, ngành nghề nào có nguy cơ vi phạm cao thì phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Trong hải quan đã có áp dụng rủi ro trong thông quan, luồng xanh, luồng đỏ, luồng vàng. Nhưng các ngành khác còn ít. Thuế cũng bắt đầu xây dựng hệ thống quản lý rủi ro. Hệ thống này phải mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty An Đô, bà Trịnh Tú Anh cho rằng, nhờ có các Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh mà các doanh nghiêp cũng được lợi nhiều. Tuy nhiên,hiện vẫn còn rất nhiều rào cản mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Đơn cử như trong lĩnh vực hải quan điện tử, mặc dù các cơ quan chức năng đã thông quan điện tử, nhưng hầu như các doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ giấy. Hoặc việc hủy tờ khai đã thực hiện trên hệ thống hải quan điện tử, nhưng cán bộ công chức hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp giấy được lãnh đạo phê duyệt. Hay như thủ tục hoàn thuế, doanh nghiệp đã đưa hết hồ sơ lên mạng và cổng thông tin điện tử, nhưng cơ quan chức năng vẫn yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy và không phải chỉ nộp một lần.

Do vậy, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, bà Tú Anh đưa ra ý kiến, các cơ quan quản lý Nhà nước nên cải cách thủ tục thế nào để đỡ phiền hà, đơn giản hóa và cải thiện chi phí cho doanh nghiệp. Nên tăng cường công tác hậu kiểm. Đồng thời, hiện nay việc hợp quy, hợp chuẩn chỉ mang tính hình thức. Các tem nhãn mác chỉ dán cho xong, còn sản phẩm ra thị trường thì thả lỏng.

Bà Tú Anh cũng cho rằng, quy trình hiện nay hình như chúng ta đang đi ngược. Chúng ta nhập khẩu, vận chuyển hàng về thì bị kiểm tra dọc đường rất nhiều, nhưng tại các cửa hàng, cơ sở bán lẻ thì không bị kiểm tra. Do đó, kiểm thuế phải đi từ cơ sở kinh doanh, cơ sở bán lẻ… mới có thể xử lý được tận gốc vấn đề..

Còn TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung đưa ra đề xuất cần giám sát trách nhiệm của chủ tịch thành phố hoặc chủ tịch huyện thông qua lấy thông tin từ doanh nghiệp, từ báo chí.

Ông Cung nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, hễ một công chức nào đấy được phản ánh có dấu hiệu, hiện tượng cố tình gây xách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp thì nên tự động thay thế để chuyển cho người khác làm. Chỉ cần phản ánh thôi, chưa cần phải điều tra, kiểm điểm. Báo chí cần vào cuộc nhiều hơn, theo sát hơn với doanh nghiệp”.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-quan-ly/van-nang-ve-hinh-thuc-trong-cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-4582.html