Vấn nạn xây dựng không phép, sai phép do người thực thi pháp luật chưa nghiêm

Lâu nay ở TP Hồ Chí Minh có một nghịch lý mà ai cũng nhận ra, đó là tình trạng sai phạm về xây dựng không phép, sai phép diễn ra nghiêm trọng và kéo dài tại nhiều quận, huyện của thành phố.

Đáng nói là lãnh đạo thành phố cũng như các quận, huyện luôn nhấn mạnh sẽ không nhân nhượng và sẽ hành động quyết liệt để xử lý, nhưng thực tế các sai phạm vẫn tồn tại và ngày càng nhiều, công trình không phép, sai phép càng lớn, như một sự thách thức kỷ cương pháp luật, khiến dư luận bức xúc. Phải chăng các cấp lãnh đạo, quản lý đã “bó tay” hay chỉ “nêu khẩu hiệu” rồi mọi chuyện lại đâu vào đó?

Lãnh đạo quận Thủ Đức và 7 công trình vi phạm

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thừa nhận rằng TP Hồ Chí Minh hiện đang là điểm “nóng” về vi phạm trật tự xây dựng (TTXD). Đáng nói từ trung tâm thành phố cho đến các quận, huyện vùng ven, mỗi ngày có 7 vụ xây dựng trái phép, trong đó có cả những công trình biệt thự, khách sạn 5-6 sao.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đích thân đi kiểm tra thực tế tại 7 công trình vi phạm tại quận Thủ Đức.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đích thân đi kiểm tra thực tế tại 7 công trình vi phạm tại quận Thủ Đức.

Cũng theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến tháng 10, toàn thành phố đã có hơn 2.000 trường hợp vi phạm TTXD bị phát hiện. Trong đó phần lớn tập trung tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Thủ Đức, quận 9…, đây là những khu vực đô thị hóa nhanh.

Nổi cộm là những công trình sai phạm ở phường Hiệp Bình Chánh của người nhà ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức được cho là kéo dài nhiều năm qua nhưng không được giải quyết dứt khoát dẫn đến những tai tiếng không hay cho bản thân ông Thành và cả lãnh đạo quận này.

Theo thông tin chúng tôi được biết mặc dù cam kết tháo dỡ 7 công trình vi phạm trong tháng 10 nhưng đến nay (tính đến ngày 30-10, tức là ngày cuối cùng của tháng), người nhà Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức mới tự tháo dỡ phần mái của một công trình xây dựng không phép.

Cụ thể, vào chiều 29-10, công trình sai phạm của người nhà ông Thành nằm ở hẻm 419/14 đường 48, phường Hiệp Bình Chánh vẫn đang được tháo dỡ. Người dân sinh sống ở đây cho biết những người thợ được thuê đến tháo dỡ công trình sai phép hai ngày qua.

Riêng 6 công trình vi phạm khác vẫn chưa tháo dỡ, bên trong vẫn đang hoạt động.Và như vậy thì hạn định tự tháo dỡ các công trình vi phạm trong tháng 10 lại tiếp tục không được hoàn thành.

Theo báo cáo của Quận ủy quận Thủ Đức, ông Thành cùng người thân trong gia đình đã xây dựng không phép 7 công trình gồm nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí… với tổng diện tích hơn 1.800m2 từ năm 2012.

Các công trình còn lại được người nhà ông Thành xây cất không phép từ năm 2015. Đáng nói, trước đó các công trình này từng bị phản ánh nhưng lãnh đạo UBND quận Thủ Đức vẫn không xử lý dứt điểm, khiến người dân địa phương rất bức xúc.

Vụ việc này kéo dài, đã khiến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phải đích thân cùng đoàn công tác của UBND và HĐND thành phố đi kiểm tra thực tế tại 7 công trình vi phạm kể trên.

Sau đó, ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định quận Thủ Đức đã chậm trễ trong việc xử lý công trình không phép liên quan đến lãnh đạo quận gây bức xúc dư luận. Công trình vi phạm đầu tiên từ năm 2012 nhưng sau 7 năm vẫn chưa cưỡng chế. Điều này xuất phát từ sự thiếu quyết liệt và cả sự nể nang của lãnh đạo quận.

Theo đánh giá chung thì Thủ Đức là một trong những quận xảy ra tình trạng xây dựng trái phép nghiêm trọng nhất thành phố. Chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có 168 công trình xây dựng không phép, tăng 139 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

Vậy nhưng, qua vụ việc của ông Thành, dư luận có quyền đặt câu hỏi rằng phải chăng do kiêng nể ông Thành là Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch HĐND quận, hay do một nguyên nhân nào khác mà những vi phạm cứ kéo dài từ năm này qua năm khác?

Có thể dễ dàng thấy được những căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.

Ở một địa bàn khác là huyện Bình Chánh, nơi đây hiện vẫn còn 161 căn nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung chứng nhận quyền sử dụng đất và chung số nhà). Tại hội nghị bàn về các giải pháp quản lý TTXD, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu một loạt trường hợp sai phạm nghiêm trọng, đặt ra trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Như trường hợp hộ dân ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, xin phép xây nhà 2 tầng, rộng 168m2, nhưng sau đó tự thay đổi kiến trúc chia thành 125 căn với tổng diện tích hơn 1.180m2. Một trường hợp khác xin giấy phép xây 3 căn nhưng hai năm sau thành 19 căn. Thậm chí, một công ty thương mại hợp khối công trình nhà ở thành chung cư hơn 200 hộ dân với 645 nhân khẩu đang ở.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, với thực tế một người làm cả chung cư cho hàng trăm hộ dân ở thì rõ ràng là chính quyền buông quản lý chứ không phải không biết…

Cần phát hiện, xử lý ngay từ đầu các công trình vi phạm

Không rầm rộ như các quận huyện vùng ven, song tình trạng xây sai phép tại khu vực trung tâm thành phố cũng được đánh giá là nghiêm trọng. Mới đây nhất, dư luận bất ngờ khi biết thông tin ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vừa ký quyết định cưỡng chế tháo dỡ diện tích lên tới gần 35.000m2 (gồm hai tầng hầm tổng diện tích hơn 25.000m2 và tầng trệt gần 10.000m2) công trình xây dựng không phép tại phường 1, quận 5 với quy mô hơn 1.000 căn hộ. Đây là một dự án hoành tráng, lại xây dựng trái phép ngay giữa trung tâm quận 5 - một quận nội thành, cách trụ sở UBND phường 1 và cách UBND quận 5 chưa đầy 1km, vậy nhưng tại sao cơ quan chức năng không phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu, để sau đó dù cũng đã có vài lần cơ quan chức năng quận, thành phố ra quyết định tháo dỡ, xử phạt hành chính nhưng mọi thứ vẫn kéo dài đến nay?

Ở các dự án nhà ở thương mại, vi phạm TTXD cũng diễn ra phổ biến nhưng quá trình xử lý cưỡng chế lại rất chậm. Điển hình, dự án Tân Bình Apartment (nay đổi tên thành Tân Bình Town) ở phường 15, quận Tân Bình do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư bị phát hiện sai phạm từ năm 2016, với tổng diện tích xây trái phép lên đến 2.197m2. Trong đó, chủ đầu tư đã xây thêm hai tầng và xây bít một ô thông tầng, một tầng mái để tạo thêm hai tầng nữa. Các sai phạm này giúp chủ đầu tư tăng thêm được 28 căn hộ.

Từ khi phát hiện sai phạm, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã ra văn bản buộc chủ đầu tư tháo dỡ các hạng mục sai phạm, nhưng chủ đầu tư không thực hiện. Một tháng sau, Sở Xây dựng ban hành quyết định cưỡng chế. Thế nhưng, quyết định ban hành rồi... bỏ đó. Đến nay, hàng loạt hạng mục sai phạm của công trình này vẫn còn nguyên…

Có thể thấy, có rất nhiều công trình không phép, sai phép nghiêm trọng kéo dài nhiều tháng, nhiều năm đang tồn tại ở TP Hồ Chí Minh. Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, các ngành, đơn vị đã rất tích cực trong việc phát hiện và xử phạt, nhưng vẫn không chấm dứt triệt để tình trạng này do nhiều nguyên nhân.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là nhu cầu nhà ở không đáp ứng được tỷ lệ dân số ngày một tăng. Lợi nhuận từ mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền rất lớn. Một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu nhà ở của người dân, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sau đó xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp để kinh doanh, mua bán.

Cũng theo ông Kiên, công tác cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm gặp nhiều khó khăn. Hàng ngàn trường hợp không tuân theo yêu cầu, buộc cơ quan chức năng phải cưỡng chế. Nhưng pháp luật lại quy định biện pháp phạt tiền bằng cách khấu trừ lương hoặc một phần thu nhập, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để đem đi đấu giá, thu hồi.

Tuy vậy, trong hầu hết các trường hợp, cơ quan quản lý không xác định được thu nhập, tài khoản của đối tượng vi phạm do ngân hàng không hợp tác, dẫn đến không thể ban hành quyết định cưỡng chế. Hơn nữa, có quá nhiều trường hợp người dân chỉ có tài sản duy nhất là căn nhà bị yêu cầu tháo dỡ nên không thể kê biên...

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhìn nhận sự xung đột, chồng chéo trong quy định pháp luật cũng như có tình trạng cơ quan chức năng quá thận trọng dẫn tới chậm trễ trong giải quyết; tuy nhiên với các trường hợp vi phạm TTXD, ông Phong cho biết lãnh đạo thành phố thống nhất phải xử lý nghiêm.

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng TP Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo 100% công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra theo đúng quy định; đảm bảo 100% công trình vi phạm TTXD được phát hiện, xử lý ngay từ đầu; kéo giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm TTXD qua từng năm.

Hiện, Sở Xây dựng phối hợp 24 quận, huyện lập các tổ công tác do Phó Chủ tịch quận, huyện dẫn đầu, được phép điều động người đi kiểm tra, xử lý để tăng tính chủ động ở địa phương. Đây là bước chuẩn bị để lập lại Đội Quản lý trật tự đô thị xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện, theo Đề án thành phố đã trình Thủ tướng.

Dù với nhiều chính sách hay các giải pháp mạnh mẽ thế nào thì vấn đề cốt lõi trong câu chuyện này không phải quy định pháp luật không nghiêm mà có lẽ chính những người thực thi pháp luật không nghiêm.

Ánh Xuân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/van-nan-xay-dung-khong-phep-sai-phep-do-nguoi-thuc-thi-phap-luat-chua-nghiem-568320/