Vấn nạn phòng khám Trung Quốc 'vẽ bệnh', moi tiền người dân

Những năm gần đây, nhiều vi phạm của các phòng khám Trung Quốc được dư luận và nhiều người dân phản ánh, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để xử lý.

Đây là vấn đề gây nhức nhối cho nhiều người bệnh, khiến họ “tiền mất, tật mang”. Liệu có thể dẹp được vấn nạn này? Phóng viên Sức khỏe & Đời sống cuối tuần có cuộc trao đổi với Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM - TS.BS. Bùi Minh Trạng.

Xin ông biết tình hình hoạt động của các phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc (gọi tắt là phòng khám Trung Quốc) ở TP.HCM?

Hiện tại TP.HCM có 17 phòng khám đa khoa có bác sĩ quốc tịch Trung Quốc tham gia hành nghề, tất cả đều có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp. Không có bác sĩ người Trung Quốc nào đứng tên chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Các phòng khám này do chủ đầu tư Việt Nam và bác sĩ Việt Nam đứng tên chịu trách nhiệm ban đầu, sau đó mới đăng ký để bác sĩ Trung Quốc hành nghề theo quy định. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xử lý vi phạm hành chính đối với 17 phòng khám này với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. Trong khi ở TP.HCM có đến hơn 14.000 cơ sở y tế tư nhân mà hàng năm chỉ xử lý tổng cộng khoảng 10 tỉ đồng.

Một phòng khám Trung Quốc khi đoàn thanh tra đến, bác sĩ người Trung Quốc đã bỏ đi, lánh mặt

Những sai phạm thường gặp ở phòng khám Trung Quốc mà Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện và xử lý?

Chúng tôi đã phải họp các phòng khám này lại để thông báo tất cả những phản ánh của người dân và vi phạm qua công tác thanh kiểm tra các phòng khám; vạch ra những thủ đoạn đối phó của một số phòng khám và yêu cầu họ nghiêm túc chấp hành các quy định của ngành. Sở Y tế TP.HCM đã mở hai lớp đào tạo quản lý phòng khám đa khoa cho tất cả các phòng khám để họ biết rõ các quy định của ngành. Sở Y tế cũng đã giao Phòng Nghiệp vụ y và Phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân (cấp phép) lập đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng phòng khám theo tiêu chí của sở, trong quá trình kiểm tra đánh giá nêu phát hiện sai phạm sẽ chuyển Thanh tra xử lý vi phạm hành chính. Công bằng mà nói, các phòng khám đa khoa nói chung (192 phòng khám) đã đi vào nề nếp và tổ chức cung ứng tốt dịch vụ cho người bệnh, tuy nhiên một số các phòng khám như vừa nêu lại hay gặp sự phản ánh của bệnh nhân xung quanh 2 vấn đề: giá cả khám chữa bệnh quá cao và “vẽ bệnh”. Chúng tôi nghĩ một số phòng khám đã tinh vi hơn trong việc đối phó với cơ quan quản lý. Chẳng hạn việc bị phản ánh giá cao, theo quy định pháp luật thì cơ sở tư nhân được quyền quyết định giá và phải niêm yết giá. Khi đi kiểm tra (kể cả cùng đoàn Bộ Y tế) thì các cơ sở này đều niêm yết công khai giá và khi thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân thì đều được bệnh nhân ký tên đồng ý nên Thanh tra không thể nào xác lập được vi phạm vì họ đã công khai giá với sự đồng ý của bệnh nhân. Giá cao hay thấp thì pháp luật không có quy định.

Đối với vấn đề “vẽ bệnh”, tức bệnh nhân không có bệnh nhưng được chẩn đoán có bệnh, ở đây thanh tra không thể kết luận được khi có sự chẩn đoán khác nhau giữa các cơ sở, phải trưng cầu hội đồng chuyên môn kết luận. Trong thực tế không một bệnh nhân nào đồng ý và phối hợp với thanh tra sở tiến hành giám định vì sau khi phòng khám biết được danh tính người bệnh thì tiến hành thỏa thuận trả lại tiền. Sau khi nhận được tiền của phòng khám thì tất cả những bệnh nhân khiếu nại đều cắt liên lạc với thanh tra nên không thể tiếp tục xác lập vi phạm. Đánh vào tâm lý bệnh nhân ngại lộ ra những bệnh “khó nói” nên các phòng khám đều thỏa thuận và bệnh nhân rút êm, vì thế không thể thiết lập được hành vi vi phạm với vấn đề này. Khi có hai cơ sở với hai chẩn đoán khác nhau thì chỉ có hội đồng khoa học mới kết luận xem nơi nào đúng, nơi nào sai, trong đó có vai trò rất lớn của bệnh nhân để cung cấp thông tin. Có những việc bệnh nhân nói có, phòng khám nói không, gây khó khăn cho việc xác định sự thật.

Theo ông, việc kiểm tra và xử phạt các phòng khám Trung Quốc như vừa qua có đủ sức răn đe? Trong cuộc gặp với báo chí gần đây ông có nhắc đến việc thu hồi giấy phép hành nghề, liệu điều này có thể thực hiện?

Chúng tôi nghĩ là việc xử lý như vậy là rất nghiêm khắc, xử lý liên tục nhưng phải theo đúng quy định pháp luật. Vấn đề tước phép hành nghề phải theo quy định và không thể tự tiện. Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần họ cố tình dựa vào tâm lý của bệnh nhân với các bệnh “khó nói” và cả việc quản lý có nhiều bất cập. Cơ quan quản lý luôn đi sau sự đối phó của các nơi này, tất nhiên khi cơ quan quản lý phát hiện ra vấn đề rồi tổ chức chấn chỉnh thì họ biến sang dạng đối phó khác.

Như đã nói, ở TP.HCM có một số lượng lớn các cơ sở nhưng các phòng khám này chỉ mười mấy cái mà làm mất thời gian và gây phiền hà cho bệnh nhân. Về mặt pháp lý, chúng ta phải tôn trọng sự tồn tại của họ, cơ quan quan lý luôn giám sát, chấn chỉnh và đề ra các giải pháp phù hợp. Chúng tôi đang đề xuất siết chặt danh mục kỹ thuật (nhất là những kỹ thuật hay bị phản ánh như: trĩ, cắt bao quy đầu, yếu sinh lý, nhiễm trùng niệu, viêm nhiễm sinh dục nữ, phá thai …) và cần thiết phải tạm ngưng các kỹ thuật bị phản ánh nhiều, cần thiết yêu cầu báo cáo hàng tuần các ca thực hiện thủ thuật này cùng tên tuổi bác sĩ thực hiện. Sở sẽ yêu cầu trình bảng giá chi tiết tất cả các kỹ thuật để niêm yết trên trang web sở, giúp mọi người giám sát. Lãnh đạo sở đã chỉ đạo sắp tới các phòng khám này tái phạm sẽ xử phạt mức phạt cao nhất trong khung và ngưng hoạt động có thời hạn nếu vi phạm nhiều lần.

Trong việc này (phòng khám Trung Quốc vi phạm - PV) cũng có phần của một số cơ quan truyền thông trong việc tham gia quảng cáo cho các phòng khám này (với nội dung không được cho phép) và người bệnh thiếu thông tin, không kỹ càng trong việc quyết định thực hiện thủ thuật nào đó. Đáng lẽ phải yêu cầu phòng khám đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị, phải tham khảo thông tin trước khi quyết định vì tất cả trường hợp nêu trên không phải là khẩn cấp.

Chúng tôi không ngụy biện nhưng nếu không có sự nỗ lực ngăn chặn của thanh tra cùng với các cơ quan liên quan thì sự việc sẽ còn phức tạp hơn. Chúng tôi nghĩ từng bước sẽ buộc các nơi này vào khuôn mẫu hoặc phải đóng cửa.

Ngoài việc thanh tra định kỳ, đột xuất, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cần làm thêm những gì để ngăn chặn những sai phạm (đã nhiều năm, dai dẳng) ở các phòng khám Trung Quốc?

Sở Y tế và Công an TP.HCM có quy chế phối hợp, Thanh tra Sở thường xuyên phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ của công an để xác minh, giám sát và kiểm tra đột xuất. Thực tế việc phối hợp này rất hiệu quả và đã giảm đi rất nhiều các vi phạm, như đã nêu thanh tra đã xử phạt rất nhiều vi phạm. Chúng tôi không ngụy biện nhưng nếu không có sự nỗ lực ngăn chặn của thanh tra cùng với các cơ quan liên quan thì sự việc sẽ còn phức tạp hơn. Chúng tôi nghĩ từng bước sẽ buộc các nơi này vào khuôn mẫu hoặc phải đóng cửa. Chúng tôi luôn trân trọng sự tham gia khám chữa bệnh phục vụ nhân dân của tất cả cá nhân và không phân biệt đối xử, tuy nhiên việc vi phạm hay xảy ra ở cá biệt một số phòng khám kiểu này sẽ khiến cơ quan quản lý phải nỗ lực nhiều hơn.

Các phòng khám cũng vịn vào chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là không thanh kiểm tra doanh nghiệp tư nhân quá 1 lần một năm để bắt bẻ cơ quan thanh tra, tuy nhiên quan niệm của chúng tôi là phải thanh kiểm tra khi họ còn vi phạm dù mỗi tháng một lần, chúng tôi phải bảo vệ sức khỏe và lợi ích của người bệnh. Thời gian qua, theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM để không trùng lắp các đoàn kiểm tra tại các phòng khám, Thanh tra Sở Y tế và Phòng y tế quận huyện tạm thời không đi thanh kiểm tra các phòng khám đa khoa mà để đoàn đánh giá chất lượng phòng khám đa khoa của Sở làm việc và đánh giá. Tuy nhiên, vắng bóng lực lượng thanh tra thời gian qua ở các phòng khám này (không đến thanh kiểm tra trực tiếp hơn 6 tháng nay) đã nảy sinh tình trạng như trên. Chính vì thế, Thanh tra sở đã đề nghị BGĐ sở cho phép Thanh tra sở tiến hành các hoạt động thanh tra đột xuất như trước đây để xử lý và chấn chỉnh kịp thời (tất nhiên là chúng tôi tuân thủ quy định của pháp luật).

Nguyễn Hưng (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/van-nan-phong-kham-trung-quoc-ve-benh-moi-tien-nguoi-dan-n138418.html