Vấn nạn 'đạo' các tác phẩm nghệ thuật: Cần thuốc đặc trị

Vấn nạn đạo tác phẩm nghệ thuật đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự sáng tạo, uy tín của các nghệ sĩ… Mặc dù 'mắt thấy, tai nghe' nhưng đến nay những câu chuyện trên đến nay vẫn chưa có thuốc 'đặc trị' hiệu quả. PV Báo Đại Đoàn Kết đã ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý về những bất cập cũng như hướng giải quyết thực trạng này.

Vấn nạn “đạo tranh”, “chép tranh” đang ngoài tầm kiểm soát. (Ảnh minh họa).

Ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: Vấn nạn tranh giả tác động rất xấu đến đời sống mỹ thuật

Thị trường mỹ thuật Việt Nam đã và đang những bước đầu tiên theo mô hình tương đối chuyên nghiệp hội tụ khá đủ các yếu tố như lực lượng sáng tạo với nhiều họa sĩ giỏi, có tác phẩm chất lượng; hệ thống gallery là các “chân rết” để phát triển thị trường; các trung tâm đấu giá để việc mua bán diễn ra công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, thực trạng vấn đề tranh thật, tranh giả ở Việt Nam đã và đang bị dư luận và báo chí nói đến từ lâu. Ai cũng phải thừa nhận đó là một vấn nạn có tác động rất xấu đến đời sống mỹ thuật, đặc biệt khi chúng ta đang hướng đến xây dựng một thị trường mỹ thuật trong nước.

Bởi thực tế nhu cầu sao chép tranh hiện nay là có thật và đang diễn ra trên thế giới, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Một bức tranh sáng tác độc bản thì giá của nó rất cao. Vì vậy, nạn sao chép tranh “nở rộ” là do đáp ứng nhiều nhu cầu, ngay cả nhu cầu treo tại nhà.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là sự lúng túng của các cơ quan quản lý. Chúng ta đã có trung tâm giám định các tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc Cục Bản quyền tác giả được thành lập tháng 6/2016. Chúng ta đã có Luật Đấu giá tài sản và Luật Sở hữu trí tuệ làm hành lang pháp lý để vận hành các giao dịch cho thị trường nghệ thuật. Về tổ chức bộ máy để vận hành thị trường mỹ thuật thì chúng ta đã có đủ, chỉ có điều các đơn vị này làm thế nào để vận hành cho tốt.

Trước vấn đề này, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL cho phép triển khai xây dựng Thông tư về tiêu chuẩn giám định viên mỹ thuật. Trong đó, sẽ có quy định về tiêu chuẩn giám định viên cũng như các sàn đấu giá phải công khai danh tính giám định viên, tránh tình trạng mù mờ như hiện nay.

Còn về máy móc, hiện tại chưa có nhưng khi cần thiết vẫn có thể xin hỗ trợ từ Bộ Công an. Ngoài ra, để đối phó với vấn nạn này, trước mắt các tác giả cần phải đăng ký bản quyền sản phẩm. Có thể chụp ảnh tranh, tác phẩm của mình rồi gửi email đến Cục Bản quyền tác giả; đồng thời đăng ký mẫu chữ ký sử dụng trên tác phẩm.

Đây là cơ sở pháp lý, để nếu xảy ra tranh chấp bản quyền còn có chứng cứ giải quyết. Bên cạnh đó, người sáng tác cũng như bán tranh cũng phải công khai, minh bạch đóng thuế, để đảm bảo quyền lợi cho cả người bán lẫn người mua nếu xảy ra kiện tụng.

Ông Chu Văn Hòa- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành: Lỗ hổng từ các nhà xuất bản

Để xảy ra tình trạng sách lậu, “đạo sách” trong thời gian qua là bởi 2 nguyên nhân do nhà xuất bản (NXB) gặp khó khăn trong kinh tế và do cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý. Thực tế, nhiều NXB đang ở trong tình trạng sống dở, chết dở bởi được sinh ra mà không được nuôi dưỡng.

Mỗi cuốn sách, ngoài giá trị hàng hóa còn mang giá trị văn hóa; ngoài giá trị vật chất còn có giá trị bảo tồn văn hóa, truyền dạy tri thức, vì vậy phần giá trị bảo tồn này nên được bù lỗ.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay nhiều NXB vẫn phải thuê đất giống như hàng quán. Một số NXB không có tiền trả lương nên phải làm liều. Nếu cơ quan chủ quản không thể hiện hết vai trò trách nhiệm đối với một NXB được thành lập, nghĩa là đem đến xã hội những người làm công tác xuất bản làm việc với mọi giá. Lỗi ấy một phần do cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, chỉ đạo với các NXB, họ không thể không nhìn nhận trách nhiệm của mình.

Vừa qua, Cục đã tham mưu Bộ TTTT đề xuất Chính phủ và Quốc hội thông qua một số vấn đề nhằm kiện toàn lại các NXB. Cụ thể như, quy định mỗi tỉnh có không quá một NXB, trừ Hà Nội và TP HCM.

Các NXB tự điều tiết hoạt động theo cơ chế thị trường, mỗi NXB chỉ bảo đảm một nhiệm vụ cụ thể. Với các đơn vị chỉ thành lập NXB rồi hoạt động chủ yếu bằng cách liên kết bán giấy phép hoặc không đủ điều kiện sẽ phải đóng cửa.

Sắp tới, Cục cũng sẽ xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các NXB trước khi tiến hành đổi giấy phép theo luật mới; xem xét lại điều kiện, tiêu chuẩn các NXB về mặt bằng, cơ sở vật chất, vốn, đội ngũ biên tập viên, việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ.

Trong quá trình xây dựng luật, Cục đã tham mưu về Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, do không có sự thống nhất của các cấp, các ngành nên khi được đưa vào luật không phù hợp thực tế, mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe.

Tôi nghĩ, việc bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính là việc làm cấp thiết. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này là hiện nay chất lượng biên tập viên của các NXB quá kém.

Tôi còn nhớ thời kỳ hoàng kim của ngành xuất bản, nếu một người được là biên tập viên trong một NXB nào đó thì đều cảm thấy hãnh diện. Bởi để được ngồi ở vị trí đó, phải là người túc nho, cao niên, sở hữu một kho kiến thức mới được phép sửa chữ nghĩa cho thiên hạ. Những người được đề tên biên tập trong danh mục cuốn sách đều cảm thấy được trân trọng.

Nhưng kể từ khi NXB không còn bao cấp, lợi nhuận từ cuốn sách với cơ chế hiện tại đã không còn được chia đều cho người biên tập, nên họ đã phải đi “bán chữ” ở chỗ khác và như vậy nhiều NXB chỉ còn lại những biên tập viên rất trẻ chưa có kinh nghiệm và kiến thức.

Tuy nhiên, không thể áp dụng xử phạt hành chính bởi chủ yếu các NXB hiện nay đang chịu sự quản lý của nhà nước, nên tất cả các biên tập viên đều có trách nhiệm dưới sự quản lý, xử phạt theo luật của công chức.

Minh Quân (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/van-nan-dao-cac-tac-pham-nghe-thuat-can-thuoc-dac-tri-tintuc405907