Vấn nạn cảnh sát tự tử vì khủng hoảng tinh thần

5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có 4-5 sĩ quan cảnh sát New York (Mỹ) tự kết liễu cuộc đời. Các nhà nghiên cứu nói rằng, cảnh sát có nguy cơ tự tử cao hơn bất kỳ ngành nghề nào khác do căng thẳng, áp lực phải che giấu cảm xúc và dễ dàng tiếp cận với vũ khí chết người.

Một nghiên cứu toàn nước Mỹ năm 2018 cho thấy, số lượng nhân viên hành pháp chết vì tự tử nhiều hơn là khi làm nhiệm vụ. Các nhà nghiên cứu nói rằng, cảnh sát có nguy cơ tự tử cao hơn bất kỳ ngành nghề nào khác do căng thẳng, áp lực phải che giấu cảm xúc và dễ dàng tiếp cận với vũ khí chết người.

Cứ 100.000 người Mỹ thì 13 người chết vì tự tử. Nhưng với nghề cảnh sát, tỷ lệ đó là 17. Năm 2018, 167 cảnh sát Mỹ tự kết liễu đời mình. 130 người đã tự tử trong 8 tháng đầu năm nay. Những con số này chỉ cho thấy những vụ tự tử được xác nhận. Các nhà hoạt động cho biết con số thực tế có thể cao hơn vì một số gia đình không báo cáo nguyên nhân cái chết hoặc mô tả là "tai nạn".

5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có 4-5 sĩ quan cảnh sát New York tự kết liễu cuộc đời.

Mark DiBona, cảnh sát 33 năm kinh nghiệm, bị chứng rối loạn căng thẳng sau biến cố (PTSD). Ông từng tình nguyện ở lại New York trong ba tuần, 4 ngày sau vụ khủng bố 11-9. Nỗi ám ảnh từ vụ tấn công kết hợp với ký ức về một vụ nạn nhân chết cháy trong xe khiến ông bị trầm cảm.

"Tôi muốn chết. Tôi không muốn sống tiếp vì cảm thấy mình chẳng giúp được gì", ông kể. Ngồi ở ghế trước xe tuần tra, Mark viết một lá thư bày tỏ sự phẫn nộ với sở cảnh sát cùng một lá thư xin lỗi mẹ và vợ rồi đặt súng vào họng. Một đồng nghiệp tình cờ đi qua đã kịp can thiệp trước khi anh bóp cò.

Lao xe đi trong một sáng tháng hai u ám, Dave Betz, cảnh sát 32 năm kinh nghiệm, lo lắng tìm kiếm con trai mình. Dave nhận được một cuộc gọi điện thoại thông báo rằng David, con trai 24 tuổi của ông, cũng là một cảnh sát, không xuất hiện trong ca làm việc. Ông mở cửa phòng con trai và thấy một bao súng rỗng nằm chỏng chơ.

Khi lái xe qua bãi đỗ của Câu lạc bộ thể thao Boston, Dave nhận ra chiếc xe của con nằm ở góc xa phía sau tòa nhà. Nhạc đồng quê phát ra từ radio trên xe của David. Bản năng cảnh sát mách bảo ông biết tình huống gì đang diễn ra. "Con tôi ngồi trong xe, điện thoại để trên đùi. Tôi biết chuyện gì đã xảy ra, tôi chỉ không muốn chấp nhận", ông nói.

David Betz đã dùng súng tự tử mà không để lại bất kỳ lời giải thích nào. Anh nằm trong số hàng trăm cảnh sát trên khắp nước Mỹ tự kết liễu đời mình, khiến cho người thân, đồng nghiệp và bạn bè đặt nhiều câu hỏi.

Nhưng cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục ở thành phố. Cảnh sát Robert Echeverria, 56 tuổi, dùng súng tự sát hồi tháng 8, một ngày sau khi đồng nghiệp Johnny Rios, 35 tuổi, tự kết liễu đời mình. Em gái ông, Eileen Echeverria, cho biết đã liên lạc với cơ quan xử lý vấn đề nội bộ của cảnh sát để trình bày lo ngại về sức khỏe tâm thần của anh mình nhiều lần, gần đây nhất vào tháng 6, trước khi ông qua đời.

Cơ quan phản hồi rằng sẽ xem xét, nhưng lại trả súng cho ông trong vòng hai ngày. Eileen cho rằng các lãnh đạo cấp cao của sở cảnh sát có phần lỗi trong vụ tự tử của ông. California, Florida, New York và Texas đã báo cáo ít nhất 10 vụ tự tử của cảnh sát vào năm ngoái.

Đầu năm nay, Sở Cảnh sát Chicago, lực lượng có 13.000 cảnh sát, khởi động chiến dịch chăm sóc sức khỏe tâm thần, tăng gấp đôi số lượng nhà trị liệu và mở chiến dịch video cho thấy các cảnh sát cao cấp thừa nhận đã phải vật lộn với vấn đề sức khỏe tâm thần. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua khoản tiền 7,5 triệu USD một năm cho công tác ngăn cảnh sát tự sát và kiểm tra sức khỏe tâm thần.

Quá lo ngại về số vụ tự tử trong lực lượng cảnh sát năm nay, Sở Cảnh sát New York (NYPD) mới đây đã tổ chức tập huấn chống lại hành vi này, bắt buộc mọi nhân viên phải tham gia. Chương trình học trực tuyến kéo dài 1 tiếng - mang tên "Lá chắn kiên cường" - chính là nỗ lực mới nhất của NYPD để tìm ra giải pháp trong cuộc khủng hoảng trên. Nội dung đào tạo chú trọng vào nâng cao nhận thức các dấu hiệu trầm cảm, rối loạn, căng thẳng sau chấn thương cùng những suy nghĩ và hành động tự sát.

Viết trong thư nội bộ gửi đến toàn thể nhân viên sau sự kiện trên, Phó Ủy viên thứ nhất Sở Cảnh sát New York Benjamin Tucker thông báo chương trình tập huấn được triển khai ngay lập tức. Sau khi kết thúc khóa tập huấn, họ được yêu cầu gặp người giám sát để được trao chứng nhận về sức khỏe tâm thần và nhận thức.

Khóa huấn luyện trên do Chính phủ Mỹ phát động nhằm giúp lực lượng thi hành pháp luật hiểu rõ hơn về công việc cùng những nỗi áp lực riêng của ngành nghề này. NYPD đã đặt hàng thiết kế một ứng dụng cài trên điện thoại của nhân viên, cho phép họ dễ dàng báo cáo về người đồng nghiệp mà họ cho là đang gặp khủng hoảng. Ngoài ra, sở trên cũng mở khảo sát trong nội bộ lấy ý kiến hài lòng về dịch vụ tư vấn tâm lý tại NYPD.

Nguyễn Hưng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/my-van-nan-canh-sat-tu-tu-vi-khung-hoang-tinh-than-570774/