'Văn Lang Đại học đường' - bản 'trường ca' hướng về nguồn cội

Lấy cảm hứng từ truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc cùng tâm nguyện của những người sáng lập, sinh thời nhạc sĩ Cửu Phúc đã sáng tác ca khúc 'Văn Lang Đại học đường' tặng cho Trường ĐH Văn Lang (VLU).

Cán bộ, giảng viên, sinh viên VLU dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch. Ảnh tư liệu NTCC

Cán bộ, giảng viên, sinh viên VLU dâng hương tưởng nhớ Vua Hùng vào dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch. Ảnh tư liệu NTCC

Đến nay gần 30 năm, ca từ cùng giai điệu hào hùng của bài hát đã làm rung động nhiều thế hệ giảng viên, sinh viên VLU mỗi khi cất lên.

Từ tâm nguyện của những người sáng lập

Giờ đây, thầy Phạm Khắc Chi, nhạc sĩ Cửu Phúc và một số thành viên sáng lập trường đã thành người thiên cổ nhưng tinh thần hướng về nguồn cội Văn Lang - Hùng Vương vẫn còn ngân mãi trong từng ca từ “Văn Lang Đại học đường” và tâm trí của những công dân VLU hôm nay.

Nói về lịch sử ra đời của ca khúc “Văn Lang Đại học đường”, TS Nguyễn Đắc Tâm - Viện trưởng Viện Di sản Văn Lang, Thành viên Hội đồng sáng lập VLU cho biết: Năm 1995, sau khi đi vào hoạt động, nhà trường bắt đầu xác lập hướng về dân tộc, trống đồng Đông Sơn - biểu tượng không thể thiếu trong bản sắc của Trường ĐH Văn Lang.

Song song với bản sắc hướng về nguồn cội, ban lãnh đạo trường cũng đề ra phương châm thể hiện tâm huyết và triết lý giáo dục của VLU. Cụ thể, trong buổi họp tháng 11/1993, thầy Phạm Khắc Chi (Hiệu trưởng đầu tiên của VLU) đã đề xuất phương châm của VLU và được hội nghị thông qua gói gọn trong 6 chữ “đạo đức – ý chí – sáng tạo” trong đó “đạo đức” phải đứng đầu phương châm để làm kim chỉ nam tu dưỡng cho giảng viên, sinh viên, cán bộ, nhân viên trường.

Cán bộ, sinh viên VLU trình bày ca khúc “Văn Lang Đại học đường” tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trường (2020). Ảnh: NTCC

Tháng 8/1995, thầy Phạm Khắc Chi - nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của VLU đã tâm sự với nhạc sĩ Cửu Phúc về Trường Văn Lang (lúc bấy giờ đang chuẩn bị khai giảng khóa đầu) với ước nguyện của những người sáng lập, niềm tin vào tương lai của những thế hệ sẽ trưởng thành từ mái trường này… Đồng cảm với những người sáng lập, nhạc sĩ Cửu Phúc sáng tác hai ca khúc: “Hành khúc sinh viên Văn Lang” và “Văn Lang Đại học đường” tặng nhà trường.

Với tiết tấu trầm hùng và hư ảo của dàn trống đồng thời dựng nước xa xưa vùng đất Tổ trung du Bắc Bộ hòa với giai điệu bay bổng lãng mạn của giọng hò miền sông nước Nam Bộ, nơi cháu con Vua Hùng nay đã dựng lên ngôi trường mang tên Văn Lang, ca khúc “Văn Lang Đại học đường” nhanh chóng được giảng viên, sinh viên trường yêu mến. Ca khúc này được trình diễn lần đầu trong Lễ khai giảng Khóa 1, ngày 17/9/1995 và từ đó, trở thành ca khúc truyền thống của Trường Đại học Văn Lang.

“Nhạc sĩ Cửu Phúc là người gốc Huế, chỗ quen biết với thầy Phạm Khắc Chi, đồng thời con của nhạc sĩ Cửu Phúc thời điểm đó cũng làm việc tại trường. Tuy không phải là nhạc sĩ nổi bật và sống bằng âm nhạc, nhưng ca khúc “Văn Lang Đại học đường” với nội dung và âm hưởng hùng hồn, xúc động được chính thức chọn trình diễn trong các buổi lễ khai giảng, lễ tốt nghiệp và buổi lễ quan trọng khác của trường từ đó đến nay” - TS Nguyễn Đắc Tâm chia sẻ.

Nhạc sĩ Cửu Phúc và bản viết tay ca khúc “Văn Lang Đại học đường”.

Lan tỏa truyền thống yêu nước, hướng về nguồn cội

Theo TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng VLU, khi đã định hình được bản sắc riêng của trường thông qua biểu tượng đậm tính dân tộc, phương châm giáo dục và bài ca truyền thống hào hùng, ban lãnh đạo trường thời điểm đó cũng nhanh chóng xác lập ngày truyền thống cho ĐH Văn Lang. Theo đó, lãnh đạo trường cùng các nhà sáng lập đã thống nhất chọn ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm là ngày truyền thống của trường.

Đoàn sinh viên tiêu biểu VLU về Phú Thọ báo công Quốc tổ (2020).

“Kể từ khóa 1, hằng năm trường đều lập đoàn sinh viên tiêu biểu về Phú Thọ báo công Quốc tổ. Đồng thời trong chuyến đi này, đoàn cũng viếng thăm nhiều di tích khác, vừa tỏ lòng biết ơn với những người có công với đất nước, vừa có thêm những trải nghiệm thực tế. Bên cạnh đoàn sinh viên, trường cũng lập đoàn đưa cán bộ, giảng viên, nhân viên về Phú Thọ viếng Quốc tổ Hùng Vương. Tất cả hoạt động này đều thể hiện được cái tâm hướng về nguồn cội dân tộc và lòng biết ơn Quốc tổ đã cho trường được vinh dự mang một cái tên thiêng liêng, đầy ý nghĩa…” - TS Võ Văn Tuấn chia sẻ.

Khóa khai giảng đầu tiên của VLU (1995).

Có thể nói hiếm có trường đại học nào có bài hát truyền thống làm lay động lòng người như ca khúc “Văn Lang Đại học đường”. Chị Trà My - người gắn bó với Trường ĐH Văn Lang nhiều năm cho biết: Mỗi lần trường có sự kiện lớn là ca khúc “Văn Lang Đại học đường” lại vang lên từ giọng ca của cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường.

“Mỗi lần nghe ca khúc này chúng tôi lại có cảm xúc riêng, rất thiêng liêng về truyền thống cội nguồn của dân tộc. “Từ xa xưa có người anh hùng lập bao chiến công lẫy lừng, dựng nước Văn Lang…”, những ca từ đầu tiên vang lên, người nghe đã cảm thấy một dòng chảy hào hùng lịch sử truyền thống dựng nước, giữ nước của các Vua Hùng” - chị Trà My chia sẻ.

Một ca khúc hay cần phải có người trình bày tốt. Do đó, không thể không nhắc anh Vũ Hoàng Chương - giọng hát gắn liền với bài hát “Văn Lang Đại học đường” qua nhiều thế hệ. Anh Vũ Hoàng Chương – nhân viên Phòng Đào tạo của trường, chia sẻ: “Tôi xuất thân từ ca đoàn được chọn để hát chính ca khúc “Văn Lang Đại học đường” cho trường. Khi mới “nhận nhiệm vụ”, tôi phải tập nắm bắt giai điệu và tinh thần của bài hát nhưng sau khi quen rồi thì giọng hát có hồn hơn”.

Ca khúc “Văn Lang Đại học đường” tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trường

Tiếp nối cùng với anh Vũ Hoàng Chương, gần đây ca khúc “Văn Lang Đại học đường” còn được biết đến qua giọng ca của sinh viên Nguyễn Trường Kỳ, Khóa 26 Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông VLU. Là người trẻ đầu tiên được chọn để lĩnh xướng ca khúc này, Nguyễn Trường Kỳ chia sẻ:

“Là sinh viên đang học tập tại Trường Đại học Văn Lang, tôi luôn giữ trong mình sức trẻ nhiệt huyết và năng động. Bên cạnh đó, tôi còn đam mê giá trị truyền thống dân tộc. Được chọn lĩnh xướng ca khúc “Văn Lang Đại học đường”, tôi luôn có những cảm xúc khó tả, vui vì bản thân mình vinh dự khi trình diễn ca khúc ấy. Nhưng tôi cũng có chút lo lắng vì đây là ca khúc mang tính truyền thống, thể hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến tính chất của bài hát đặc sắc này”.

Khi biết trường mình học có ca khúc hay và hào hùng như vậy, Nguyễn Thị Hoàng Yến, sinh viên khóa 25 - ngành Quản trị khách sạn VLU cảm thấy biết ơn, tự hào khi là một trong những sinh viên dưới mái trường này. Đối với em, “Văn Lang Đại học đường” không chỉ là một bài hát, nó còn có ý nghĩa to lớn – Văn Lang là nhà. Và đã là nhà rồi thì như lời ca khúc “Bạn bè về đây tay nắm tay ta cùng đắp xây học đường. Để rồi “từ đây cháu con Vua Hùng bước ra năm châu…”.

“Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, tại cơ sở chính của Trường Đại học Văn Lang đã xây dựng Nhà thờ Tổ với mong muốn các cán bộ - giảng viên - nhân viên và sinh viên của trường có thể, thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân đã có công xây dựng nước nhà.

Mùng 10 tháng 3 âm lịch năm nay, nhà trường tổ chức lễ dâng hương lên bàn thờ Tổ, để thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đồng thời đây cũng là dịp kỷ niệm 27 năm ngày thành lập Trường ĐH Văn Lang (10/3/1995 – 10/3/2022 AL). Theo đó, nhà trường sẽ sân khấu hóa lại buổi lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Sáng 10/4, các thành viên VLU cùng hướng về Quốc tổ tại bàn thờ Đền thờ Vua Hùng của trường và cùng ôn lại về những ngày đầu ra đời của ngôi trường mang tên quốc hiệu đầu tiên của đất nước.

Thông qua buổi lễ, sinh viên của trường biết thêm về nguồn cội, tự hào hơn nòi giống con Rồng cháu Tiên, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời yêu thêm ngôi trường mà các bạn đang theo học. Lễ Giỗ Tổ năm nay, tình cảm và ý chí dành cho ngôi trường này của các thế hệ người Văn Lang thể hiện hữu hình và cụ thể trên mảnh đất này, như câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.

Nghi thức tưởng nhớ mỗi năm đã thành thông lệ, để sự kết nối giữa xưa và nay, giữa người hôm nay và nguồn cội hôm qua, giữa các thành viên và đại gia đình Văn Lang được bồi đắp dần thêm…” - TS Võ Văn Tuấn - Phó Hiệu trưởng VLU.

Công Chương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/van-lang-dai-hoc-duong-ban-truong-ca-huong-ve-nguon-coi-rO4CNd87R.html