Vạn lại- Yên Trường, một thời kinh đô nước Việt

(Văn Hiến) - Trong các nơi mà các triều đại phong kiến Việt Nam từng đặt đô thị thì Vạn Lại - Yên Trường (thuộc Thanh Hóa) còn ít người biết đến.

Kể từ khi Lê Thái Tổ lên ngôi (1428) mở đầu Vương triều Lê cho đến Lê Hiến Tông (1497 - 1504) với nhiều bậc vua hiền đã để lại nhiều thành tựu rực rỡ về mọi mặt. Song sau khi Lê Hiến Tông mất, nhà Lê bước vào thời kỳ suy vong. Lê Túc Tông lên ngôi được 6 tháng thì qua đời, trong triều nhiều phe phái tranh giành ngôi báu. Túc Tông không có con nên trước khi mất đã truyền ngôi cho người anh thứ hai của mình là Tuấn (Uy Mục) con của Chiêu nhân Hoàng thái hậu họ Nguyễn. Lúc nhỏ, bà mồ côi cha, nhà nghèo phải bán mình cho người ở phủ Phụng Thiên. Vì nhà người ấy có tội, bà lại sung làm nô tỳ vào hầu Quản Ninh Hoàng hậu. Khi ấy Hiến Tông còn là Thái tử, thấy bà có sắc đẹp nên lấy làm phi và sinh ra Tuấn. Thái Hoàng thái hậu (bà của Túc Tông) cho rằng Tuấn là con của tỳ thiếp không xứng được nối ngôi nên muốn lập Lã Côi Vương. Nhưng ý định đó không thành. Sau khi lên ngôi, Uy Mục đã sai giết Thái Hoàng thái hậu và các đại thần không ủng hộ mình.

Uy Mục tàn ác ăn chơi sa đọa đã phát sinh nhiều mâu thuẫn gay gắt. Cuối cùng đã bị Giản Tu Công Oanh từ Tây Đô đem quân ra chiếm lại Đông Kinh, bắt và bức tử Lê Uy Mục, rồi tự lập vua (Tương Dự). Tình trạng đất nước cũng không mấy cải thiện. Tương Dực lại lao vào con đường ăn chơi trụy lạc. Mâu thuẫn giữa các phe phái cầm quyền trong nội bộ giai cấp thống trị và mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với nhà nước chuyên chế ngày càng gay gắt. Các vua nối tiếp cũng không chuyển đổi được tình hình đất nước. Kết quả đã dẫn đến triều Mạc lên thay thế triều Lê vào năm Đinh Hợi (1527).

Tuy nhà Mạc lên thay thế nhà Lê, nhưng ánh hào quang của nhà Lê được tạo nên qua một thế kỷ trị vì vẫn còn khắc sâu trong quảng đại nhân dân. Một số quan lại, tôn thất triều Lê đã nổi lên chống Mạc nhằm khôi phục ngai vàng nhà Lê. Viên cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim đã chạy sang vùng Sầm Châu (Ai Lao) gây dựng khu căn cứ, thu nạp hào kiệt, tìm con cháu dòng họ Lê tính cuộc trung hưng.

“Quý Ty Nguyên Hòa năm thứ 1 (1533, Mạc Đại Chính năm thứ 4; Minh Gia Tĩnh năm thứ 12), mùa xuân, tháng giêng, vua lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa, tôn Đại tướng quân Nguyễn Kim là Thượng phụ thái sư Hưng Quốc công chưởng nội ngoại sự” (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH 1998, tập III, tr.119). Năm Canh Tý (1540) Nguyễn Kim đem quân từ Ai Lao về nước đánh Nghệ An, Thanh Hóa nhiều hào kiệt theo giúp, thanh thế ngày một lẫy lừng. Cuối năm Quý Mão (1543), nhà Lê chiếm được Tây Kinh, tướng Dương Chấp Nhất của nhà Mạc phải đầu hàng. Từ đó, đất nước hình thành 2 miền: Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê dưới sự giúp đỡ của các tướng họ Nguyễn rồi họ Trịnh - Nam triều. Vùng Bắc Bộ trong đó bao gồm cả kinh thành thuộc quyền họ Mạc - Bắc triều. Sử biên niên gọi là Nam - Bắc triều. Và cũng từ đó một cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài gần 50 năm.

Tháng 8, Ất Tỵ (1545), Trịnh Kiểm được vua Lê phong làm Đô tướng tiết chế các dinh quân thủy bộ các xứ kiêm nội ngoại, bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư Lượng Quốc công. Trịnh Kiểm chuẩn bị lực lượng xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ vững mạnh với mục đích thu phục đất nước, khôi phục cơ nghiệp nhà Lê. Năm 1545, Nguyễn Kim đem quân đánh Sơn Nam, đến huyện Yên Mô thì bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết. Trịnh Kiểm nắm giữ binh quyền, tiếp tục sự nghiệp tranh chấp với nhà Mạc. Lúc này Trịnh Kiểm có toàn quyền định đoạt việc quân ở ngoài cũng như việc nội triều, tất thảy đều tự quyết sau mới tâu với vua.

Năm Bính Ngọ (1546), Trịnh Kiểm đón vua Lê Trang Tông từ Ai Lao về nước. Với tầm nhìn chiến lược, Trịnh Kiểm đã chọn sách Vạn Lại thuộc huyện Tụy Nguyên, phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoa (nay là xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) lập hành điện. Nơi đây vừa có thế thủ lại vừa có thế công, tiến lui đều thuận lợi. Khi tiến có thể theo sông Lương (nay là sông Chu) xuôi dòng, nhập vào sông Mã để ra bắc, vào Nam. Từ Vạn Lại qua sông là tổng Lôi Dương (nay là huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có đường vào Nghệ An. Trịnh Kiểm và quân sĩ nhiều lần ra Bắc, vào Nam. Khi lui phía sau là vùng núi Lam Sơn bao la, nơi thuở xưa Lê Thái Tổ đã dùng làm căn cứ dấy nghĩa. Việt sử thông giám cương mục (NXB GD, 1998) viết: “Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bàn sai đào hào đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó” (tập II, tr.124).

Hào kiệt, danh sĩ tứ phương tìm về Vạn Lại như Lương Đắc Bằng, Phùng Khắc Khoan, ai ai cũng đồng lòng góp sức. Quân sĩ nhà Lê ngày càng lớn mạnh, đánh đâu được đấy. Một triều đình có đầy đủ văn quan, võ tướng uy nghi được thiết lập. Từ đây, nhiều sắc phong, lệnh chỉ được ban ra khắp nơi.

Các sĩ tử cũng tìm về hành điện Vạn Lại để kiếm đường tiến thân. Các kỳ thi Hội, thi Đình được mở ra tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Chính nơi đây đã trở thành một trong ba địa điểm thi tuyển tiến sĩ cho cả nước: Thăng Long, Vạn Lại và Huế.

“Mậu Thân (Nguyên Hòa) năm thứ 16 (1548, Mạc đổi Vĩnh Định thành Cảnh Lịch năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 27). Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 29, vua băng, Thái tử Huyên lên ngôi, lấy năm sau làm Thuận Bình năm thứ 1. Dâng tôn hiệu cho Đại Hành Hoàng đế là Trang Tông” (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB KHXH 1998. Tập III, tr.125). An táng tại chính mảnh đất Vạn Lại nà`y. Đến nay vẫn còn bia và dấu vết mộ chí gọi là Cảnh Lăng (ở phía Nam Lam Sơn - Việt sử thông giám cương mục NXB GD, 1998, tập II, tr.125).

Nhiều quan lại cao cấp và tướng nhà Mạc dẫn hàng trăm quân bản bộ trốn vào ải Thanh Hóa quy thuận như: Lê Bá Ly, Lê Khắc Thận, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Nguyễn Phủ... Vui mừng lắm, trọng thưởng và úy lạo cho. Từ đó, hào kiệt các nơi kéo đến hưởng ứng như mây trời quần tụ, ai cũng vui lòng. Thanh thế của Nam triều ngày càng lớn mạnh.

Trong thời gian 47 năm (1546 - 1593) hành điện được chuyển qua chuyển lại giữa Vạn Lại và Yên Trường nhiều lần (Đại Việt sử ký toàn thư). Chính tại nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện. Trong thời gian đó, ở Vạn Lại đã tổ chức 7 khóa thi đã có nhiều hiền tài có công với đất nước vào những năm cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Đó là các tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thưc, Lê Trạc Tú... Trong số 45 người đỗ tiến sĩ ở Vạn Lại có hơn 30 người trở thành thượng thư, nhiều người được nhà vua cử đi sứ. Một số người sau khi đỗ tiến sĩ và làm quan và gắn bó với mảnh đất Vạn Lại như Phùng Khắc Khoan. Tại Văn Miếu Hà Nội ngày nay có 82 bia tiến sĩ, trong đó có 7 bia ghi các tiến sĩ đỗ các khoa thi ở Vạn Lại. Bia tiến sĩ năm Canh Thìn, niên hiệu Quang Hưng 3 (1580) ghi: “Nhân tài là nguyên khí của Nhà nước, không thể không vun trồng cho rộng. Chế độ ta là di văn của Nhà nước, không thể không ghi chép cho tường. Nay hoàng thượng ở nơi tôn vinh, giữ quyền chế tác, sửa sang chế độ, bồi dưỡng nhân tài. Dựng đá làm bia cho người đời sau lấy làm khuôn mẫu, để khắc tên họ để cho thiên hạ để ý quan chiêm. Trên là để phát huy lòng trung nghĩa của người trước, dưới là để cảm kích kẻ hào kiệt đương thời, mà trong đó vẫn ngụ ý khen thưởng khuyến miễn...

“... Công danh sự nghiệp của những người ấy đại khái đã thấy rõ ràng. Gián hoặc có kẻ gian tà, là phường tham nhũng, thì những tiếng chê bai muôn thuở, tránh khỏi được sao?” (Lịch sử xã Xuân Châu, NXB Thanh Hóa, 2004, tr.32-33).

Trịnh Kiểm biết Phùng Khắc Khoan là người có tài mưu lược, học thức uyên bác bèn cho tham dự các việc cơ mật, họp bàn nơi màn trướng. Giữ chức ký lục ở ngự doanh, trông coi dân quân bốn vệ. Theo truyền thuyết, chúa Trịnh coi ông là người tâm phúc, đã cử ông ra Hải Dương thăm hỏi và dò ý Nguyễn Bỉnh Khiêm về việc định bỏ nhà Lê lập nhà Trịnh. Trong câu chuyện giữa ông và Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã nhận ra 2 câu: “Tìm giống cũ mà gieo” và “Thờ phật thì ăn oản”. Ông về tâu với Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm đã nhận ra thâm ý của hai câu nói đó nên đã từ bỏ ý định phế bỏ nhà Lê.

Nguyễn Bính (1525 - 1605) quê Đan Phượng (Hà Tây), thời trai trẻ ông đã tìm về Vạn Lại “phù Lê, diệt Mạc”. Ông làm quan ở Bộ Lễ, được vua Lê và chúa Trịnh quý mến phong tước Tú Lâm cục, Hiển cung Đại phu Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ. Năm Nhâm Thân (1572) ông được giao việc biên soạn, chỉnh lý thần tích của các làng xã để xét duyệt phong thần nhiều năm. Những bản thần tích này là những thiên dã sử về những vị thần ít được ghi chép trong lịch sử mà chỉ được kể lại trong các chuyện dân gian ở các địa phương. Đó là những vị thần lúc sinh thời có công với nước đã được nhân dân thờ cúng. Loại trừ những yếu tố hoang đường quái dị được thêm thắt trong câu chuyện. Cốt lõi của nó chính là những tư liệu quý về một vốn văn hóa dân gian giáo dục người dân nhớ đến công ơn của những người có công với đất nước. Hàng ngàn bản thần phả, sự tích, thần tích đã được Nguyễn Bính viết ra trong thời gian bốn thập kỷ ở Vạn Lại. Trên vùng đất Thọ Xuân ngày nay nhiều nơi còn lưu lại khá nhiều thần phả viết về thời kỳ này. Qua đó, chúng ta có thể hình dung được hình bóng của quá khứ về phong tục tập quán, tín ngưỡng của nhân dân ta sau thế kỷ 16.

Thế lực Nam triều ngày càng lớn mạnh, đến năm Quý Tỵ (1593) quân Nam triều đã đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi đất Thăng Long. Vua tôi nhà Lê ca khúc khải hoàn trở về kinh đô. Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư, 1998, ghi: “... Lúc ấy vua từ hành tại Vạn Lại, tháng 3 thì khởi hành, qua thành Tây Đô, tiến thẳng theo đường Quảng Bình ra Thiên Quan, qua các huyện Mỹ Lương, Chương Đức đi một tháng đến huyện Thanh Oai thì đóng quân. Tiết chế Trịnh Tùng đem các quan văn võ đến Thanh Oai đón rước thánh giá, cử nhã nhạc cùng đi về kinh...

Tháng 4 ngày 16, vua lên chính điện nhận lễ chầu mừng của trăm quan. Đại xá thiên hạ. (Tập III, tr.183).

Vạn Lại còn được coi là vùng địa linh có mạch phát đế vương nên nhiều vua chúa chọn làm sinh phần. Vua Trung Tông cũng được chôn cất ở Vạn Lại, khu mộ được gọi là Diên Lăng. Sau này Hoàng tổ Dương vương Trịnh Tạc mất năm Nhâm Tuất (1682) cũng chôn cất tại đây.

Dấu tích còn lại trên nền móng cung điện hoang phế là đôi voi đá và đôi ngựa đá, được tạc theo cách tả thực bằng đá xanh nguyên khối vẫn nằm trên thềm cung điện xưa, là nơi vua Lê đã từng thiết triều. Voi dài 2,60m, cao 1.40m, ngựa dài 1,40m, cao 0,95m. Mỗi bên một cặp voi - ngựa đứng song song cách nhau 1,20m, chầu vào nhau với khoảng cách là 9,00m. Qua đó chúng ta cũng có thể hình dung được độ rộng của thềm điện xưa. Đây là hai cặp linh thú lớn nhất thời Lê Trung Hưng hiện còn ở Việt Nam.

Trong suốt cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều (1546 - 1592), Vạn Lại đã trở thành kinh đô thời loạn. Từ đây, đã tập trung nhiều nhân tài là Bộ chỉ huy tối cao của cuộc chiến đấu để sau 47 năm đã hoàn thành sứ mệnh tiến tới giải phóng miền Thăng Long. Chấm dứt cuộc chiến tranh Nam - Bắc triệu mở ra thời kỳ Lê Trung Hưng.

Hà Đình Đức

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/van-lai-yen-truong-mot-thoi-kinh-do-nuoc-viet-39441